Nhà thờ Phát Diệm, sự hòa hợp giữa Công giáo với nền văn hóa kiến trúc dân tộc
Nhà thờ Phát Diệm huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình là công trình của sự hòa hợp và hội nhập, giao thoa giữa đạo Công giáo với nền văn hóa kiến trúc của dân tộc Vi
Nét độc đáo của nhà thờ Phát Diệm huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, dù là nhà thờ Công giáo nhưng được mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam. Phong cách kiến trúc, không gian thờ tự mang đậm hình ảnh mái đình, ngôi chùa vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng này tạo nên sự bình an, che chở.
Quần thể kiến trúc nhà thờ Phát Diệm được chủ trì xây dựng bởi linh mục Phêrô Trần Lục (còn gọi là cụ Sáu) từ năm 1875 đến năm 1898 thì cơ bản hoàn thành. Cha Trần Lục đã tái hiện thành công những biểu tượng truyền thống tốt đẹp mà ở đó, các tín hữu Công giáo vẫn có thể tôn thờ thiên chúa bằng tâm thức của người Việt Nam, vẫn tôn trọng và gìn giữ những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Quần thể nhà thờ Phát Diệm là một minh chứng sinh động về tính chất hòa hợp và sự hội nhập giữa đạo Công giáo với nền văn hóa kiến trúc của dân tộc, cũng như sự hòa hợp giữa Công giáo với các tôn giáo khác ở Việt Nam.
Được biết toàn bộ công trình nhà thờ Phát Diệm làm hoàn toàn thủ công, không có bất cứ máy móc, không có sắt thép, bê tông mà chỉ được làm bằng chất liệu chủ yếu là đá và gỗ lim được lấy từ nhiều địa phương như Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn Tây… Đá được lấy từ núi Thiện Dưỡng cách Phát Diệm 30 km, lấy từ núi Nhồi cách 60 km. Có những cây gỗ nặng 7 tấn, những phiến đá nặng tới 20 tấn nhưng đều được vận chuyển bằng sức người. Do thời đó không có xe tải hay tàu, thuyền hiện đại như bây giờ nên hầu hết vật liệu được chất lên bè mảng, chờ thủy triều lên xuống để vận chuyển về Phát Diệm.
Đến và chiêm ngưỡng nhà thờ Phát Diệm chúng ta cảm nhận được, mỗi công trình là một tác phẩm kiến trúc mỹ thuật mang nét riêng. Trong đó, Phương Đình được coi là kiệt tác, cao 25 m, dài 17 m, ngang 24 m gồm ba tầng được xây dựng bằng đá phiến, lớn nhất là tầng dưới cùng được xây dựng bằng đá xanh. Thật khâm phục cho những người thợ thủ công thời đó đã ghép những phiến đá nặng hàng tấn, mức độ chính xác rất cao. Các vòm cửa cũng được lắp ghép bằng đá tinh xảo. Giữa Phương đình đặt một sập đá nguyên khối, phía ngoài và bên trong là những bức phù điêu bằng đá được chạm khắc hình ảnh chúa Giê-Su và các vị thánh rất đẹp với những đường nét thanh thoát. Tầng thứ hai của Phương đình treo một quả trống lớn. Tầng ba treo một quả chuông đúc năm 1890, cao 1,4m, đường kính 1,1m, nặng gần hai tấn. Mái của Phương đình có năm vòm, bốn vòm ở bốn góc thấp hơn, vòm cao nhất là vòm ở giữa tầng ba. Mái của Phương đình ở nhà thờ Phát Diệm không cao vút kiểu ngọn tháp như những nhà thờ Công giáo phương Tây mà là mái cong thấp cổ kính như mái đình, mái chùa làng Việt. Hai vách ngoài của Phương đình là những chấn song đá hình cây trúc, trên các vách ngoài của tầng dưới có những phù điêu tạc sự tích chúa Giê-Su từ khi vào thành Giêrusalem đến khi lên trời.
Trung tâm và cũng là điểm nhấn của quần thể nhà thờ Phát Diệm là nhà thờ lớn (chính tòa) được khởi công xây dựng năm 1891. Tòa nhà dài 74m, rộng 21m, gồm bốn mái và sáu hàng cột gỗ lim. Hai hàng giữa là 16 cột (cao 11m, chu vi 2,35m) mỗi cột làm toàn thân một cây gỗ lim. Bàn thờ chính là một phiến đá dài 3m, rộng 0,9m, cao 0,8m trên ba mặt có chạm khắc hoa lá. Điểm chung trong kiến trúc nhà thờ Phát Diệm giống với nhà thờ ở phương Tây là lòng nhà thờ dài, còn lại được bài trí theo cách truyền thống, gồm 10 gian, có 9 bộ chồng giường.
Hệ thống mái được phân thành 2 tầng ngắt quãng bởi cửa sổ để lấy ánh sáng đồng thời tạo độ vút cho mái. Đây chính là dạng chồng diêm trong kiến trúc chùa Việt. Cuối nhà thờ, chái kiệu có cấu tạo là một khối sâu bằng đá hoa cương, phần xây cuốn vòm tạo thành 5 lối vào nhà thờ, mặt bằng và mặt đứng đều giật cấp với đỉnh cao ở lối chính giữa và thấp dần về hai bên. Phía trên tháp lợp ngói mũi hài, với đầu đao cong lượn thanh thoát, gợi lên sự phối hợp tinh tế của hai lối kiến trúc phương Đông - Gotic (phương Tây). Một điểm nữa cần nhắc tới là những mảng sơn son thếp vàng trên đồ thờ bằng gỗ trong nhà thờ gợi lên một không gian thờ truyền thống của dân tộc Việt.
Ngoài ra, hệ thống 5 nhà thờ nhỏ trong nhà thờ Phát Diệm cũng rất độc đáo, Trong đó, nhà thờ trái tim Đức Mẹ, có chiều dài 15,30m, rộng 8,50m, cao 6m. Tất cả mọi thứ ở nhà thờ này từ nền, tường, cột, chấn song cửa… đều được làm bằng đá. Phía trong được chạm nhiều bức phù điêu đẹp, đặc biệt là bức chạm tứ quý: Tùng, mai, cúc, trúc, tượng trưng cho thời tiết và vẻ đẹp riêng của bốn mùa trong một năm. Những đường nét khắc họa tinh tế những con vật như sư tử, phượng được bàn tay tài hoa của các nghệ nhân chạm khắc một cách rất sống động.
Có thể nói nhà thờ Phát Diệm một kiến trúc độc đáo Việt Nam, các công trình kiến trúc nguy nga, sự kết hợp hài hòa, tinh tế của lối kiến trúc nhà thờ phương Tây và kiến trúc truyền thống của phương Đông. Công trình di sản này đã góp phần làm phong phú cũng như nâng tầm giá trị của nền kiến trúc cổ truyền, làm tăng giá trị tinh thần đoàn kết lương giáo.
Phạm Tiệp