Nhà thơ Tạ Văn Sỹ, hồn xanh như rừng
Đầu tập 'Tạ Văn Sỹ thơ chọn', NXB Hội Nhà văn năm 2024 của nhà thơ Tạ Văn Sỹ (Kon Tum) có hai bài thơ, tính tự bạch rõ nét. Đó là 'Thi sĩ' và 'Ở rừng'. Trong 'Thi sĩ', thi sĩ như 'tên ăn mày khốn khổ' theo quán chiếu của nhà thơ thật đáng yêu: 'Gom góp của đời làm vốn liếng riêng tư'. Còn 'Ở Kon Tum', anh tự họa: 'Sống tràn qua những tuổi/ Ngày tháng tuột sau lưng/ Mắt quen nhìn thấy núi/ Nên hồn xanh như rừng!'.
Dẫn hai bài thơ để nói rằng, Tạ Văn Sỹ là người hóm hỉnh. Hiện ông sống giữa rừng ở tận Tây Nguyên, nhờ đó hồn xanh như núi (!). Những ai từng tiếp xúc với Tạ Văn Sỹ đều nhận ra ông tếu táo, dù ít nói. Con người ông thánh thiện, có gì đó e ngại, khiêm tốn. Thái độ rụt rè của ông, có lý do từ đời sống.
Tạ Văn Sỹ là nhà thơ, hội viên lâu năm của Hội Nhà văn Việt Nam. "Tạ Văn Sỹ thơ chọn", NXB Hội Nhà văn năm 2024 là tập thơ thứ 6. Ngoài 6 tập thơ, Tạ Văn Sỹ còn có 8 tập biên khảo lịch sử - văn hóa Kon Tum, tạp văn. Với tuổi 70, đời văn như vậy là quá khiêm tốn. Không phải Tạ Văn Sỹ không còn sáng tác, ông có lý do riêng từ hoàn cảnh riêng của đời sống. "Lo gia đình chưa đủ, tiền đâu mà in thơ. Mấy tập trước đều bạn bè giúp đỡ", Tạ Văn Sỹ trải lòng. Chính nhà thơ cũng thành thật, không có bạn bè "xắn tay" trợ giúp khó có 6 tập thơ gom lại thành "gia sản" tinh thần.
Là người gốc Tây Sơn, Bình Định nhưng Tạ Văn Sỹ theo ba má lên Tây Nguyên theo dạng di cư tự do, từ năm 1965, khi ông mới lên 10, đang học lớp 3. Do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, ông học lỗ mỗ, đang học lớp 11 thì phải bỏ học, trốn quân dịch. Trên khuôn mặt khắc khổ của Tạ Văn Sỹ dễ đọc thấy bi kịch của lịch sử, đã ảnh hưởng và kéo theo bi kịch của gia đình ông. Thân phận con người không tránh được những biến động của thời cuộc.
Sau năm 1975, thân phụ ông có theo phía "bên kia" nên "cánh cửa" trước cuộc đời Tạ Văn Sỹ bị đóng sập. Do quan niệm về thành phần nên ông không thể học lên được, mà không học thì việc làm mưu sinh vô cùng khó khăn. Cái lí lịch đã kéo trĩu đời ông xuống, lam lũ và bần hàn. Ông cay cực lần hồi kiếm sống, đủ nghề, bàn tay cấu cào cùng nương rẫy, đôi chân không nề hà kể cả chạy xe ôm.
Cả hai vợ chồng Tạ Văn Sỹ không có lương, không công tác ở một cơ quan nào. "Gặp nhau ngoài rẫy, hạp nhau mà thành vợ chồng. Tôi phải lo cuộc sống từ A đến Z, ông ơi. Sinh con ra cũng chẳng nương được, thậm chí vợ chồng già bây giờ còn phải nuôi thêm hai đứa cháu do hoàn cảnh bố mẹ chúng nó li hôn, mang con về gửi cho ông bà suốt mấy năm nay. Mẹ già tôi tuổi cũng đã 92 rồi, chẳng biết đi lúc nào. Cuộc sống của tôi còn nặng nợ lắm", giọng Tạ Văn Sỹ trầm buồn.
"Lặng ngồi như tượng, như bia/ Ngỡ mình lạc ở ngoài rìa nhân gian/ Tan theo từng khói thuốc tàn/ Là từng tích tắc thời gian qua đều..." (Ngồi quán). Tạ Văn Sỹ luôn tự thấy mình nhỏ bé giữa cuộc đời, có lẽ cũng có phần, trong xã hội, gia cảnh ông thuộc giai tầng yếm thế. Nhiều bạn văn bạn thơ nói ông là nhà thơ khổ nhất Việt Nam. Tạ Văn Sỹ không hợp chốn ồn ào, nếu không muốn nói là xa lạ. Ông tự trào: "Đề ở bia mộ/ Họ tên: Tạ Văn Sỹ/ Sinh một chín năm lăm/ Xong một đời vô vị/ Nằm ngẫm chuyện ngàn năm", (Viết kiểu Raxun Gamzatốp).
*
60 năm mưu sinh ở Kon Tum, dù bần hàn, nhưng cũng mang đến cho ông những tình cảm máu thịt với mảnh đất lắm mưa, nhiều nắng. Ông luôn coi mình là người "mắc nợ với Kon Tum" - một món nợ tự nhận mà ông gọi là "món nợ công dân", cho nên ông tìm cách trả nợ bằng văn chương và những nghiên cứu về địa phương. Nhưng, hình như càng trả, ông càng cảm thấy vướng nợ?
"Tạ Văn Sỹ thơ chọn" đa dạng đề tài, có thế sự, có thơ tình, có cảm xúc dành cho cuộc đời, có cảm xúc dành cho người thân thích; tuy nhiên, ông vẫn dành cho quê hương Kon Tum nhiều tình cảm, day dứt. Có thể thấy, qua các bài thơ "Ở Kon Tum", "Hoa vàng Pleiku", "Kon Tum", "Những ngày ở Kon Tum", "Sao em chưa về Kon Tum", "Đêm ở Tu Mơ Rông", "Em gái Kon Tum ngày li loạn", "Trước tượng nhà mồ"...
"Sao em chưa về thăm Kon Tum/ Rừng núi chờ em cứ ngó chừng/ Mùa xuân ngơ ngẩn bầy chim nhỏ/ Về muộn màng chao cánh ngập ngừng" (Sao em chưa về thăm Kon Tum). Trong bài thơ giàu chất tự sự này, Kon Tum hiện lên có đủ sắc thái bốn mùa, khắc khoải chờ mong, nhắc nhở "em". Tạ Văn Sỹ tự hào với quê hương thứ hai, nơi đã che chở, ôm ấp ông trong suốt cả cuộc đời.
"Em gái Kon Tum ngày ly loạn/ Nỗi buồn bỏ lại ở sau lưng/ Chiều qua phố nhỏ, thôi, từ giã/ Em khóc sao lòng ta rưng rưng..." (Em gái Kon Tum ngày li loạn). Tạ Văn Sỹ với trách nhiệm xã hội của một cây bút, có lúc thơ ông ngân lên vẻ đẹp, hoàn khúc về sự thay da đổi thịt ở vùng đất Tây Nguyên; tuy nhiên, thơ ông cũng đau lặng trước biến cố.
"Em gái Kon Tum ngày li loạn", gợi nhớ đến các vụ gây rối mất an ninh, trật từ năm 2004 và vụ khủng bố năm 2023. Các hoạt động gây rối, khủng bố đó đều đã bị Cơ quan công an đập tan, trả lại bình an cho đồng bào các dân tộc; những kẻ cầm đầu gây rối, khủng bố đã bị trừng trị; tuy nhiên, thơ luôn có "đời sống" của thức tỉnh, nhắc nhở trách nhiệm xã hội của con người.
Năm nay, Tạ Văn Sỹ bước nào thất thập. Ông đủ trải đời. Thơ của ông, dù viết cho con trai, cho bạn lúc uống rượu hay viết về Kon Tum; các vùng đất trên đất nước, mà ông có cơ hội được đi qua; các văn nhân văn học trung đại như Tú Xương, Nguyễn Bính, hay nhân vật văn học như Chí Phèo, Thị Nở... đều chất chứa suy tư. Ông có nỗi buồn choáng ngợp, nhưng thanh sạch: "Hồn tôi như địa chất/ Tầng tầng trầm tích xưa/ Suốt đời tôi khai quật/ Tìm nỗi buồn ban sơ!" (Có một nỗi buồn).
"Tôi muốn ghì trong ngực máu
thanh tân
Cho tim đập nhịp đời vui dào dạt
Và muốn giữ màu tươi trong ánh mắt
Với màu non ngan ngát ở trong hồn".
(Tự bạch)
Con người Tạ Văn Sỹ lành đến thánh thiện, hóm đến tếu táo, thơ ông vì thế là tiếng lòng giản dị, chân mộc, nhưng đủ sức nặng để ám ảnh tâm trí người đọc. Theo nhà văn Kao Sơn, Tạ Văn Sỹ vốn là một "thần đồng thơ", có thơ đăng báo từ năm 13 tuổi, từng sớm đoạt nhiều giải thưởng thơ. Mà đúng thật, Tạ Văn Sỹ làm thơ từ sớm. Trong "Tạ Văn Sỹ thơ chọn", nhiều bài ông sáng tác từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước.
*
Tôi gặp Tạ Văn Sỹ cách đây 10 năm, từng "chén chú, chén anh", từng rong ruổi thực tế. Nay ông vẫn vậy, chân chất, mộc mạc, khí phách Tây Sơn. Tạ Văn Sỹ có ước mơ giản dị: "Hãy cứ giản đơn là bụi cát/ Trước khi mơ làm ánh sáng mặt trời". (Những câu thơ mặt đất)
Trong bài thơ "Kính tặng một nhà thơ", ông viết: "Những câu thơ không nuôi sống nổi ông/ Cũng chẳng làm ông thêm vinh thân và địa vị/ Người đời quý tấm lòng thi sĩ/ Gọi ông là Nhà thơ". Nhân vật "nhà thơ" ở đây có hình bóng của chính tác giả Tạ Văn Sỹ.
Dẫu nhiều thua thiệt trong cuộc đời nhưng tâm hồn Tạ Văn Sỹ thuộc về thơ ca. "Ôi, một đời cơ cực với áo cơm/ Bao đau khổ, những muộn phiền, trăn trở.../ Buồn có đấy nhưng mà hồn tôi đó/ Em yêu ơi nâng nhẹ kẻo thơ buồn" (Tự bạch). Thơ cứu cánh tâm hồn ông bên cuộc đời thực bầm giập.
Nói về tập "Tạ Văn Sỹ thơ chọn", ông cho biết, gặp nhà thơ Trần Mai Hường như một cơ duyên. Cách đây hơn nửa năm, nhân một lần lên Kon Tum công tác, Trần Mai Hường gọi anh đi cà phê. Hiểu hoàn cảnh của Tạ Văn Sỹ, Trần Mai Hường trào lên cảm thông. Chị khuyến khích ông làm tập thơ chọn này.
"Gay quá anh, không thuyết phục anh ấy làm tập thơ chọn này, nhỡ ra nay mai anh ấy già yếu thì có văn bản nào để người ta tìm hiểu đây?", Trần Mai Hường nhìn xa hơn và đã có một quyết định đẹp, thấu cảm.
Trần Mai Hường nói và làm, lăn lưng ra lo đủ thứ, từ giấy phép đến việc "xin" tranh bìa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhờ người viết lời tựa, việc nhờ con gái nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, tức là cháu thi sĩ Nguyễn Bính thiết kế mĩ thuật.
"Tình văn nghệ là thế chứ sao nữa!". nhà thơ Tạ Văn Sỹ nói bằng giọng Bình Định nhưng đủ rung chấn. "Ôi, một đời cơ cực với áo cơm/ Bao đau khổ, những muộn phiền, trăn trở.../ Buồn có đấy nhưng mà hồn tôi đó/ Em yêu ơi nâng nhẹ kẻo thơ buồn" (Tự bạch).
Tạ Văn Sỹ da sạm nắng gió, khuôn mặt "nghịch lý", vừa đau đáu, vừa hồn hậu. Dẫu đã qua 3 lần tai biến, nhưng ông luôn an nhiên, với tâm thế "hồn xanh như rừng". Đó cũng là "gia sản" đáng kể nhất của "ông giời đày" - nhà thơ Tạ Văn Sỹ.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nha-tho-ta-van-sy-hon-xanh-nhu-rung-i740663/