Nhà thơ Thi Hoàng: Thơ cứ hay như rút ruột mà hay
Trong mấy chục năm qua, nhà thơ Thi Hoàng (tên khai sinh Hoàng Văn Bộ, sinh năm 1943 tại Vĩnh Tiến, Vĩnh Bảo, Hải Phòng, được coi là một trong số ít những nhà cách tân của thơ ca Việt Nam thuộc thế hệ tìm tòi sau Đổi mới. Ông đã gặt hái được nhiều thành công trong những sáng tác của mình và được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2007) do những đóng góp nổi bật cho thi ca đương đại Việt Nam.
Lâu nay trong làng thơ Việt, cứ nói đến nhà thơ Thi Hoàng, người ta thường nói đến những tìm tòi thi ca mang dấu ấn cách tân của một tư - duy - thơ khá độc đáo và khác biệt đã làm nên tên tuổi ông. Trong bài viết này, trước tiên tôi muốn nói đến những trường đoạn thơ giản dị, sâu sắc mang cảm hứng và âm hưởng truyền thống trong Phần 2: Thơ viết dâng mẹ (Trường ca "Gọi nhau qua vách núi") của Thi Hoàng. Đây là một trường ca được đánh giá khá cao về mặt nội dung, đổi mới nghệ thuật và đã mang lại cho ông Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1996 và sau đó là Giải thưởng Nhà nước.
Trong "Thơ viết dâng mẹ", rất tinh tế và chọn lọc, Thi Hoàng đã chọn thể điệu lục bát truyền thống với những câu thơ gần gũi như lời ru của mẹ nuôi ta từ thuở còn thơ: "Nước đi làm suối làm nguồn/ Mẹ có nỗi buồn cũng để nuôi con/ Mẹ xa vời tít núi non/ Lại gần, ngay giữa lòng con mẹ à/ Chim ơi đỗ xuống mái nhà/ Hót lên cho nhẹ tuổi già mẹ tôi". Trong trường khúc viết dâng mẹ này, nhà thơ đã khắc họa rất xúc động hình tượng cao quý của người mẹ đã vượt qua muôn ngàn gian nan, nghèo khó của cuộc đời để nuôi nấng, che chở cho những người con: "Chợ phiên mưa bụi mẹ ngồi/ Sống trâu đường lội lần hồi dấu chân/ Áo đơn xin rét lui dần/ Nón nghiêng thưa gửi với phần nắng nôi/ Trời làm gió cả mây trôi/ Mẹ ra đứng ở ven đồi ngóng con/ Còn trời còn nước còn non/ Thì còn dáng mẹ bên hòn núi kia".
Những câu thơ lục bát ấm áp như tình mẹ
Thật lắng đọng, trong thơ Thi Hoàng, những câu thơ lục bát gần gũi, ấm áp như tình mẹ cứ thấm vào tâm hồn người đọc như nguồn nước mát trong lành của tục ngữ, ca dao xưa: "Con xin gạn rủi lấy may/ Mẹ đi lối này đỡ vấp bàn chân/ Con không làm thánh làm thần/ Chỉ làm con mẹ khi đần khi khôn/ Đần thì lót ghế ngồi luôn/ Khôn thì mẹ kể ngọn nguồn cho nghe". Rồi năm tháng qua đi, vẫn còn đấy dáng mẹ bên trời: "Năm tóc bạc tháng da mồi/ Nổi chìm thua được đứng ngồi mặc ai/ Mẹ bình tĩnh tựa giêng hai/ Nắng hè đứng đợi ở ngoài phên thưa/ Nước non gian khổ có thừa/ Gánh dù nặng mấy cũng vừa đôi vai". Có thể thấy, Thi Hoàng rất giỏi trong việc làm chủ mạch thi cảm và thi ảnh của thi ca truyền thống.
Thơ của Thi Hoàng không chỉ cuốn hút người đọc ở những ý tưởng lạ và những hình ảnh liên tưởng độc đáo, phẩm chất đổi mới của thơ ông còn thể hiện ở những "ma lực" khơi gợi rất tài hoa của câu chữ mà bài thơ "Ngưỡng mộ hoa sen" là một ví dụ: "Bởi hương sen quá đỗi dịu dàng/ Hoa sen không định thơm/ Không định thơm thì mới thơm như thế/ Rất tự nhiên là ta nhớ mẹ/ Mẹ quá xa rồi/ Để ta thành con cái của làn hương/ Ta ra điên hay trời bỗng khác thường/ Không có hương sen thì trời sẽ sập/ Không có hương sen thì ta thối nát/ Song, đấy là điều không dễ có ai tin". Có thể đây là một trong những bài thơ về hoa sen hay nhất trong thơ Việt những năm qua.
Theo tôi, Thi Hoàng là một trong những gương mặt thơ đặc biệt thành công nhất của thế hệ thơ tìm tòi sau đổi mới. Có người hỏi ông, bút danh Thi Hoàng phải chăng là Vua Thơ, ông hóm hỉnh nói: "Hoàng là hoàng gia, vậy Thi Hoàng là cái anh họ Hoàng làm thơ, thế thôi". Ông luôn tâm niệm văn học nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng phải có ích cho đời sống, sao cho sau khi đến với tác phẩm của mình người ta sẽ sống tốt hơn.
Bài thơ "Những đứa trẻ chơi trước cửa đền" của Thi Hoàng nằm trong tuyển tập 100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX cho thấy sự dụng công trong thủ pháp nghệ thuật của ông khi sáng tạo hình ảnh để tạo ra chữ nghĩa, rồi thoát khỏi lối nói bằng hình ảnh để hướng đến tính tư tưởng trong thi ca: "Những mắt cười vê tít lại cứ như sợi chỉ/ Gạch sân đền ấm lên ửng má/ Tiếng trẻ con non màu lá mạ/ Vệt mồ hôi tươi mưởi quệt ngang mày/ Thật tuyệt vời thằng cháu ông Đương/ Ngón tay cái rất to cho được vào lỗ mũi/ Ra đây nhảy dây, ra đây trốn đuổi/ Chúng như là hạt mẩy dưới hoàng hôn/ Hoa mẫu đơn cũng tưng bừng í ới/ Khói hương bài thơm tỉ tê lân la/ Cây vun tán lên vun xôi đóng oản/ Gió liu riu cho thấm tháp chan hòa/ Chợt ngẫm thấy trẻ em là giỏi nhất/ Làm được buổi chiều rất giống ban mai/ Thánh cũng hân hoan ... đố ai biết được/ Ngài ở trong kia hay ở ngoài này".
Phẩm chất tài năng và bản ngã thi sĩ
Năm 2005, Thi Hoàng xuất bản tập thơ có cái tựa đề khá dài: "Theo đuổi tự nhiên và những bài liên quan hay là cộng sinh với những khoảng trống" - một cái tựa kiểu văn xuôi, rất khó nhớ nhưng có vẻ khá ấn tượng. Thơ của ông có một lối nói - trạng nửa ỡm ờ, nhấm nhẳng, nửa uyên thâm triết lý. Kiểu nói ấy mang dấu ấn riêng của Thi Hoàng, không thể lẫn với ai được.
"Tài năng thơ ấy mới thực gọi là tài năng chứ!" - hình như có người nào đó nói với tôi câu ấy, tôi không bình luận gì, chỉ đi tìm trong tập thơ mới của Thi Hoàng những câu thơ mình thích, mà lật ra trang nào cũng có câu hay - thế có khổ cho nhau không chứ: "Trước khi gõ thì tiếng chuông ở đâu/ Trước kia hồn ta ở thịt xương nào/ Hỏi vậy vào một sớm mùa thu sao mà văng vẳng/ Nắng rươm rướm chiết ra từ tiếng vọng/ Lá cây nhằm chỗ rơi rồi mới rơi vào/ Nhìn tà áo thấy gió là phải nhẽ/ Thổi tự tình không tính chuyện thanh cao". Đọc xong mấy câu thơ này, trong đầu tôi cứ quanh quẩn một ý nghĩ muốn hỏi Thi Hoàng: "Trước khi anh ra đời thì những câu thơ của anh cộng sinh với những khoảng trống nào - thưa nhà thơ?".
Để cách tân thơ, điều căn cốt ở mỗi một nhà thơ là phẩm chất tài năng, phẩm chất thi sĩ- cái mà không thể có gì thay thế được. Theo tôi, một trong những thể hiện rõ nét nhất của phẩm chất thi sĩ, chính là cách tìm tòi về mặt ngôn ngữ và cách xử lý câu chữ theo một phong cách riêng để tạo nên một tứ thơ mới cho mỗi bài thơ.
Và phẩm chất này là một nét vượt trội của thơ Thi Hoàng khi ở mỗi bài thơ của ông, ta lại gặp một cách thức xử lý ngôn ngữ khác nhau với những hình ảnh rất tinh tế và hàm súc ý tưởng như trong mấy đoạn thơ tình say đắm dưới đây: "Trong hơi ấm của em có con mèo tam thể/ Nó nô đùa với con sóng miên man/ Những con sóng cởi trần vỗ vào cuộc chiến tranh/ Còn vọng tiếng rỉ rền, đay nghiến/ Tiếng hát em một thời vón vào trong viên đạn/ Mặt kẻ thù tắt lịm sau bờ cây/ Trong khói đen trong đổ nát một thời/ Anh đeo trên cổ mình những tiếng cười như chuỗi ngọc/ Em thả tóc vào trong suối nước/ Cho cánh rừng hồi sinh/ Em thiếp ngủ ở bên ngoài lý trí/ Dạo chơi ven những khuôn thước dở hơi/ Em mát lành với khoảng không bình dị/ Khoảng không chưa ô nhiễm của con người/ Vòm ngực em như vòm nhà thờ/ Làm run rẩy sợi dây leo ngơ ngẩn/ Tiếng rì rầm dâng lên từ đất ấm/ Chiếc khăn sương mờ lau những phiến lá xanh/ Em cánh tay trần, em tóc xõa/ Con suối và cánh rừng kỳ diệu thế này đây".
Trong khúc thơ tình trên, các hình ảnh mới lạ, các ý tưởng mới lạ nối tiếp nhau làm cho bài thơ lan tỏa một sức sống khác bên ngoài hình thức của ngôn từ. Và đấy chính là phẩm chất đổi mới của thơ Thi Hoàng - sự cách tân tư tưởng mang ý nghĩa xã hội hàm súc trong từng câu thơ, từng con chữ, từng hình tượng và là dòng chảy tìm tòi xuyên suốt các bài thơ của ông với những cung bậc, âm hưởng, nhịp điệu thể hiện khác nhau trong mỗi tứ thơ.
Trong bài thơ "Ở giữa cây và nền trời" của Thi Hoàng in trên Báo Văn nghệ năm 1968 có những câu thơ gây ấn tượng cho những người yêu thơ hiện đại Việt Nam đến tận hôm nay: "Dường như là chưa có buổi chiều nào/ Xanh như buổi chiều nay, xanh ngút mắt/ Cây cứ đứng với nền trời khao khát/ Nâng chiếc mầm trên tận đỉnh cây cao/ Sau chiều nay ta phải tốt lên nhiều/ Thiên nhiên ở với mình cao cả quá/ Tiếng lá động ân cần như tiếng mẹ/ Và vòm trời mong ngóng lại như cha/ Trời thì xanh như rút ruột mà xanh/ Cây thì biếc như vặn mình mà biếc/ Mặt trời tỏa như trái tim nồng nhiệt/ Trong cái chiều nhân nghĩa đến sâu xa". Và tôi chợt nghĩ, với Thi Hoàng phải chăng "Thơ cứ hay như rút ruột mà hay" là vậy!