Nhà thơ Trần Quang Đạo: Bình thản sống
Tôi nghe tên đã lâu nhưng lần đầu được gặp nhà thơ Trần Quang Đạo là vào năm 2005, trong một chuyến đi Mỹ theo lời mời của Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Khi ấy anh đang là Phó tổng biên tập báo Nhi Đồng. Ấn tượng đầu tiên là một người hiền. Sau 1 chuyến đi dài, rồi sau này có nhiều cuộc gặp gỡ hơn thì hiểu thêm rằng đó là một người tốt, rất tốt và bình thản với cuộc đời.
Đôi khi sự bộp chộp của một người còn non như tôi hồi ấy thấy sốt ruột với cái sự chậm rãi trong đi đứng, nói năng của nhà thơ Trần Quang Đạo. Giọng Quảng Bình nằng nặng và bao giờ cũng là người xếp hàng cuối cùng. Có lẽ một người cả đời làm báo dành cho trẻ em nên hình thành phong thái đấy chăng! Tờ báo không phải cạnh tranh thông tin, không bị áp lực thời sự nóng sốt bao giờ.
Nhưng Trần Quang Đạo là một người đàn ông đối xử với mọi người rất chân tình và quan tâm chăm sóc. Ở anh còn nổi bật sự tự trọng đôi khi là cực đoan. Còn khi cần tranh luận thì nhường nhịn, không ăn thua làm gì.
Những cảm nhận của tôi về anh từ những ngày đầu ấy vẫn còn nguyên như vậy. Có thể đúng có thể sai. Nhưng càng về sau này tôi càng nghĩ rằng ấn tượng ban đầu về một con người là vô cùng quan trọng và trong đời, thiện cảm đầu tiên vốn ít khi sai.
Sau này, tôi đọc thơ của anh đều hơn. Bất kể là mọi người có kể nhiều giai thoại về Trần Quang Đạo thế nào trên bàn nhậu, chốn ăn chơi tiệc tùng nào đó, thì bằng những câu thơ, tôi nghĩ rằng anh đã có một mối tình rất lớn, với người bạn học thuở sinh viên rồi trở thành vợ anh sau này. Những câu thơ đẹp nhất trong trẻo nhất là để dành cho người yêu – người vợ: “Em có nhớ không ngày hai ba tháng mười thu ngưng đọng trên tầng hai ký túc/ Em trở thành người đầu tiên tan chảy vào anh để sau đó chúng ta trở thành đôi đũa/ Từ tình ta sinh ra không ít nhiệm màu và cũng nhiều mảnh vỡ.” Sau này tôi có hỏi đùa nhiều lần về ký ức ngày “hai ba tháng mười”. Nhưng trong thâm tâm đã nghĩ rằng một người đàn ông viết những câu thơ như thế nhất định là một người tình nghĩa!
Trần Quang Đạo là một người làm thơ hay, nhưng không phải là những câu thơ dễ thuộc. Bởi vậy thơ anh không phải lúc nào cũng được đông đảo công chúng biết tới. Phải đọc chậm rãi, như cách Trần Quang Đạo vẫn đọc mới thấy hết ý tứ sâu sắc và sự thăm thẳm của tình cảm chất chứa. Tôi không phải là một nhà phê bình và cũng không muốn viết theo lối phân tích câu thơ làm gì. Chỉ với tư cách một người đọc thì đó quả thực là những câu thơ được cất lên một cách chân thực, của một người giàu cảm xúc và sống thật với cuộc đời. Quê hương Quảng Bình xuất hiện trong thơ Trần Quang Đạo đậm đặc như một phần quan trọng trong cuộc đời, như là khi anh vừa cách đây vài tháng, vẫn trở về ở đó cả tháng trời, lao động miệt mài như một người quê thực thụ trên những đồi cát trắng để xây mộ ông bà tổ tiên. Cát trắng nhuộm màu bóng tối/ cây như bóng người thiền dưới trời khuya. Quê hương tạo lên tính cách, cực đoan tới mức có những câu thơ đã trở thành rắc rối như bài thơ về nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ khi gọi nhà thơ nữ là một nửa của Quảng Bình. Nhưng nếu nhìn vào chiều sâu của những câu thơ ấy thì hiểu rằng ở đó có sự hãnh diện rất Quảng Bình.
Nhiều người sẽ nói giống tôi rằng nhà thơ Trần Quang Đạo là một người tốt. Cũng như chúng ta có thể nói về nhiều người khác như thế. Nhưng nói thế không phải là một sự vu vơ bởi trong cuộc đời, phải khi nào có chuyện mới hiểu có những người đã tốt với chúng ta thế nào. Tôi đã rất nhiều lần thấy ấm áp khi chỉ cần nghe có chút thông tin mong manh rằng có sự không thuận lợi trong công việc, anh sẽ là người gọi điện để hỏi xem có ổn không. Tôi không phải là người rất thân của anh, nhưng mà sự quan tâm ấy đem lại sự an ủi rất nhiều. Cũng như có những khi, chỉ là một câu chuyện ở nơi làm việc không liên quan đến cá nhân mình, nhà thơ Trần Quang Đạo cũng vẫn là người sẽ gọi để hỏi xem có bị ảnh hưởng gì không. Mặc dù có thể cả năm trời hoặc mấy năm trời trước đó không gặp nhau. Cách hỏi của Trần Quang Đạo không phải là một phép xã giao mà thể hiện thái độ trong đối xử với con người, với cuộc đời, với anh em bạn bè một cách nồng ấm.
Có lẽ như đã trình bày ở trên, nhà thơ Trần Quang Đạo làm báo Nhi Đồng – một tờ báo cho trẻ con, nên chả bao giờ thấy anh ồn ã thể hiện một khát khao nào đó về quyền lực, chức vụ. Lúc nào gặp cũng thấy bình thản, thản nhiên làm Phó tổng biên tập rồi Tổng biên tập báo Nhi Đồng, như cuộc đời đương nhiên là thế. Nhiều khi tôi nghĩ anh hơi lười biếng, thích tụ tập uống rượu, thích rong chơi. Nhưng có một người bạn thời trẻ của anh phản đối nhận định này, bởi vì họ cam đoan rằng thời trẻ anh chăm chỉ chịu khó, chả nề hà việc gì. Có lẽ thế chăng. Chỉ riêng việc này thì đúng là Trần Quang Đạo “lười” thật. Là anh hầu như ít khi lập ngôn, chém gió ở diễn đàn này diễn đàn khác, xuất hiện nơi này nơi khác để nổi tiếng như nhiều người vẫn làm. Tìm kiếm trên mạng, hình ảnh và bài viết về anh không nhiều. Có lẽ điều này hoàn toàn hợp lý với tính cách một người ít khi ganh đua, lúc nào cũng bình thản như vậy.
Mấy tháng nay, nhà thơ Trần Quang Đạo phát hiện ra có chút trục trặc về sức khỏe. Anh bình thản thông báo với mọi người, không giấu giếm, và trong cách nói vẫn đầy sự hóm hỉnh, lạc quan. Trần Quang Đạo từng có những tháng năm tuổi trẻ chiến đấu ở chiến trường biên giới phía Bắc, đủ để rèn luyện bản lĩnh, phẩm chất của một người lính cầm bút. Cho nên mọi việc trong cuộc đời không có gì có thể làm một người như thế có thể bi quan được.
Bài báo này được viết hoàn toàn bằng cảm nhận, và tôi muốn mình sẽ viết như vậy, không gặp nhà thơ trước khi viết. Nó không mang một sắc thái gì, nó đơn giản chỉ là một vài cảm nhận của một người từng biết ơn nhà thơ về sự giúp đỡ của anh trong cuộc đời. Có thể chính nhà thơ cũng sẽ bất ngờ về bài báo này, và biết đâu anh sẽ thấy không hài lòng.
Nhà thơ Trần Quang Đạo đã xuất bản các tác phẩm:
Mối tình chưa hôn lễ (tiểu thuyết, 1990), Luân khúc (thơ, 1991), Đêm ảo ảnh (tiểu thuyết, 1993), Những đứa con của trời (truyện vừa, 1997), Vòng tay cỏ (thơ, 1998), Ngọn cỏ thời yêu nhau (thơ, 2001), Khúc biến tấu xương rồng (thơ, 2004), Những giấc mơ cắt dán (thơ, 2009)…
Giải C cuộc thi thơ 1983-1984 của tạp chí Văn nghệ quân đội.
Giải khuyến khích thi thơ năm 1993-1994 của tạp chí Văn nghệ quân đội.
Tặng thưởng thơ hay năm 1995 của tạp chí Văn nghệ quân đội.
Giải nhì cuộc thi truyện nhà xuất bản Kim đồng năm 1997 (với tác phẩm Những đứa con của trời).