Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài qua đời
Chiều 8.12, tôi được anh bạn thơ ở An Giang báo tin nhà thơ Trịnh Bửu Hoài qua đời. Anh nói rõ thi sĩ Trịnh Bửu Hoài ra đi đột ngột nghi do đột quỵ, hưởng thọ 71 tuổi.
Tôi quen biết anh Trịnh Bửu Hoài từ những năm 1990. Đến năm 1994 anh có đỡ đầu tôi in tập truyện ngắn đầu tay. Anh là một người đam mê sáng tác và sống chân tình với bạn bè. Anh được coi là nhà thơ sở hữu nhiều sách nhất miền Tây Nam Bộ, cũng là cây bút tiêu biểu của đồng bằng sông Cửu Long. Anh là nhà thơ, nhà văn tài hoa. Anh sáng tác thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, nghiên cứu, biên khảo... với gần 60 đầu sách đã xuất bản. Vốn bản chất như một tài tử Nam Bộ hào hoa và phóng khoáng, chân tình, Trịnh Bửu Hoài kết giao nhiều bạn bè mọi miền Tổ quốc. “Ngước mặt về tây Thất Sơn sừng sững/Áo giang hồ cuồn cuộn gió phương đông”.
Thơ Trịnh Bửu Hoài là tiếng lòng của tình yêu, tình quê hương, tình bạn bè, những trăn trở về đời người, về cuộc sống, về kiếp nhân sinh. Vì thế anh có những câu thơ rất phiêu lãng: “Đã mấy năm dư không về nữa/Cuối nẻo trời quê mây trắng bay/Đời ta như một hòn bi nhỏ/Cứ lăn đi trên những dốc dài”.
Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài sinh ngày 16.5.1952, quê quán xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Anh bắt đầu sáng tác từ năm 1966. Năm 1969, anh chủ biên tạp chí Khai Phá; năm 1970, chủ trương tạp chí Khuynh Hướng. Từ 1975 đến nay anh đã trải nhiều công việc báo chí và văn nghệ: Phóng viên Đài phát thanh Châu Đốc; Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật TP.Châu Đốc; Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang; Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Toàn quốc liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Phó ban Công tác Hội Nhà văn Việt Nam tại đồng bằng sông Cửu Long; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang. Anh Trịnh Bửu Hoài là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000.
Anh Trịnh Bửu Hoài đã in gần 60 tác phẩm. Những tác phẩm tiêu biểu như: Thơ tình (thơ 1974), Người hành hương tình yêu (thơ 1974), Mùa trăng (thơ 1984), Giữa hai mùa hẹn ước (trường ca 1985), Con chim tắm cát (tập truyện 1987), Tình yêu đâu phải là trò chơi (tiểu thuyết 1987), Nhớ nhau từ một sớm mai (thơ 1988), Nửa tuần trăng mật (tiểu thuyết 1989), Hình sương bóng khói (tiểu thuyết 1991), Thơ tặng riêng người (thơ 1992), Quê xa (thơ 1994), Lẽo đẽo bụi hồng (thơ 1995), Cái đẹp của ảo tưởng (tập truyện 1996), Gởi một người phương xa (thơ 1998), Ký ức (thơ 2002), Màu tím học trò (truyện dài 2003), Chim xa cành (tập truyện 2004), Ngan ngát mùa xưa (thơ 2005), Thơ Trịnh Bửu Hoài (thơ 2006)... Hầu như lĩnh vực nào anh tham gia đều có niềm đam mê lớn nên tác phẩm khá đều tay.
Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài từng đoạt Giải nhất thơ, Giải Văn chương Thủ Khoa Nghĩa- năm 1969, Giải thưởng văn học 20 năm giải phóng miền Nam của tỉnh An Giang- năm 1995, Giải thưởng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam- năm 2000.
Anh Trịnh Bửu Hoài quan niệm rằng thơ là tiếng lòng, thơ là niềm cảm xúc dâng tràn tự đáy lòng của người thơ. Mỗi người làm thơ đều có thế giới của riêng mình. Về văn chương cũng vậy, theo anh, văn chương là nỗi niềm day dứt của nhà văn từ cuộc sống. Với những trăn trở về thân phận con người, xã hội, từ đó nhà văn mới sinh ra những tác phẩm để đời.
Sự ra đi đột ngột của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài để lại nhiều tiếc thương cho đồng nghiệp và bạn bè gần xa.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nha-tho-trinh-buu-hoai-qua-doi-190674.html