'Nhà tôi 6 đời ở Campuchia, chưa Tết nào buồn như năm nay'
Đại dịch hoành hành tại Campuchia ngay dịp Tết Khmer. Chính phủ ban bố lệnh phong tỏa thủ đô Phnom Penh và Ta Khmao, biến Tết cổ truyền năm nay trở nên lạ lẫm và trống vắng.
Ngày 18/4 ghi nhận con số ca mắc Covid-19 tại Campuchia cao kỷ lục, 628 ca. Tại thủ đô Phnom Penh, đường phố vắng lặng. Không khí Tết chưa năm nào hiu quạnh như năm nay.
Nhiều người gốc Việt đã hai năm chưa thể về quê. Lại có những người sinh ra và lớn lên ở Campuchia nhưng cả đời chưa bao giờ nghĩ rằng lại có những ngày Phnom Penh vắng vẻ đến thế.
Tết Khmer là dịp Tết lớn nhất của nhân dân Campuchia. Vì đại dịch, Tết không còn đông vui.
“Cộng đồng người Việt tại Khmer rất buồn khi bệnh dịch quay lại", ông Sim Chy, người gốc Việt sinh ra và lớn lên tại Campuchia, nói với Zing.
"Ngày nào cũng phải về trước 20h"
Số ca nhiễm không có dấu hiệu giảm. Chính phủ Campuchia buộc phải thực hiện giới nghiêm. Giờ giới nghiêm bắt đầu từ 20h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Lệnh có hiệu lực trong 14 ngày.
“Từ nhỏ tới lớn tôi chưa bao giờ gặp giới nghiêm. Bây giờ ngày nào tôi cũng phải về nhà trước 20h”, ông Nguyễn Hồng Vĩnh, sinh sống và làm việc tại Phnom Penh 8 năm, chia sẻ với Zing.
Ông Vĩnh làm kinh doanh. Dạo này, mỗi ngày ông đều theo dõi thời gian để đảm bảo nhân viên về đúng giờ.
"Việc sắp xếp nhân sự rối hơn”, ông Vĩnh nói về ảnh hưởng của đại dịch đến mô hình kinh doanh của mình.
Cuộc sống hiện tại có nhiều trở ngại, nhưng ông Sim Chy cảm thấy biết ơn vì những nỗ lực của chính phủ Campuchia nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.
Chính phủ cũng ban hành lệnh phong tỏa thủ đô Phnom Penh và một số khu chợ trung tâm. Rượu bia cũng không được bán để hạn chế người dân tụ tập ăn mừng năm mới.
“Mọi người gần như không dám gặp nhau. Người Việt ở đây ý thức rất cao. Mình là người nước ngoài nên tốt nhất là tự bảo vệ mình trước”, ông Vĩnh chia sẻ.
Gia đình ông Sim Chy chỉ đón Tết ở nhà. Gia đình ông 6 đời đã ở Campuchia. Chưa có Tết nào lạ lẫm và buồn với ông như năm nay.
“Tôi và gia đình sắp xếp rồi tiếp đón ông bà ở Campuchia. Dân Campuchia ngày hôm nay cũng tổ chức (ăn Tết) trong gia đình thôi chứ không được ra ngoài nhiều”, ông Sim Chy nói.
Chính phủ chỉ cho ca hát trên đài và truyền hình nhà nước. Các hoạt động khác bị cấm, kể cả đi chùa chiền.
“Tôi và mọi người chỉ biết sống chung với dịch bệnh thôi. Mình cố gắng mình thận trọng ngăn ngừa, tuyên truyền bà con Việt kiều cẩn thận không nên tập trung đông người”, ông Sim Chy chia sẻ.
Tuy nhiên, nhiều người Việt Nam lao động ở Campuchia lại coi đây là dịp được nghỉ ngơi. Họ không ăn Tết Khmer.
Phương Thúy, làm việc tại Phnom Penh, chia sẻ rằng bà không đón Tết Khmer. Năm ngoái, Tết bị hủy để hạn chế người dân về quê. Năm nay, chính phủ cho phép ăn Tết nhưng thủ đô bị phong tỏa.
“Năm ngoái lẫn năm nay tôi đều tranh thủ làm việc. Không đi đâu hay gặp ai được nên năm ngoái với năm nay cũng như nhau. Chỉ khác là năm nay có thêm lệnh phong tỏa”, bà Thúy nói.
"Quá khó khăn để đi hỗ trợ"
Trong thời gian đại dịch, các hoạt động kinh doanh và sản xuất bị ngưng trệ. Nhiều người Việt tại Campuchia gặp khó khăn trong kinh doanh.
Tuy nhiên, cộng đồng Việt Nam tại đây nỗ lực tương trợ nhau. Sự hỗ trợ lẫn nhau khiến ông Vĩnh cảm thấy ấm áp và an lòng trong những ngày dịch bệnh hoành hành nơi đất khách.
“Mọi người chia sẻ nhau đồ ăn ngon và hẹn mua quà để tặng bệnh viện. Cộng đồng cùng quyên góp để ủng hộ những gia đình khó khăn. Mọi người còn nói khi có vấn đề xấu xảy ra thì sẽ giúp nhau như thế nào”, ông Vĩnh chia sẻ.
Đối với ông Sim Chy, ông cho rằng cần chia sẻ với mọi người cách để sống chung với dịch bệnh. Ông tuyên truyền đồng hương cẩn thận không nên tập trung đông người, giữ vệ sinh sạch sẽ và nâng cao sức đề kháng để bảo vệ bản thân.
Ông Sim Chy ghi nhận nỗ lực đại sứ quán và 2 tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Campuchia đã kịp thời hỗ trợ người dân.
Ngoài ra, ông Sim Chy là thành viên của Hội Việt Nam tại Khmer. Hội đã vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm, và các cơ quan tổ chức để hỗ trợ bà con giảm bớt khó khăn trong thời điểm dịch bệnh. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa khiến việc hỗ trợ bà con gặp nhiều gián đoạn.
“Tình hình lúc này quá khó khăn để đi hỗ trợ bà con. Hội gặp khó khăn khi xin giấy phép của chính quyền. Các cơ quan nhà nước đều nghỉ hết", ông Sim Chy nói.
Hội Việt Nam tại Khmer dự định qua Tết sẽ liên hệ lại với chính quyền để xin phép hỗ trợ người Việt tại Campuchia.