'Nhà tôi có bình chữa cháy'

Đó là tên một phong trào và cũng là lời chia sẻ của ngày càng nhiều người dân trên địa bàn tỉnh, cho thấy ý thức phòng cháy, chữa cháy ở bà con ngày càng nâng cao. Tín hiệu đáng mừng ấy bắt nguồn từ nỗ lực của các cấp, ngành, đơn vị liên quan, đặc biệt là sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh.

Hình ảnh minh họa - Ảnh: S.T

Hình ảnh minh họa - Ảnh: S.T

Đi trước khơi sức dân

Vừa trở về từ buổi tuyên truyền, tập huấn cho người dân tại Phường 4, TP. Đông Hà, Thượng tá Lê Văn Hoàng, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh cùng các cán bộ, chiến sĩ đã họp bàn ngay những hoạt động sắp tới.

Chuyện trò với phóng viên sau cuộc họp, Thượng tá Lê Văn Hoàng cho biết, trong buổi tập huấn, tuyên truyền kỹ năng PCCC&CNCH, ngoài những hoạt động thường xuyên, lãnh đạo phòng và địa phương đã trao tặng 44 bình chữa cháy cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách. “Với món quà này, chúng tôi gửi gắm đến người dân thông điệp cần nêu cao tinh thần PCCC. Nếu thiếu các thiết bị chữa cháy, khi xảy ra sự cố không mong muốn, hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra”, Thượng tá Hoàng khẳng định.

Các hộ nghèo, đối tượng chính sách ở Phường 4, TP. Đông Hà không phải là những trường hợp đầu tiên nhận món quà đặc biệt kể trên. Trước đó, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã phối hợp với các địa phương trao tặng bình chữa cháy cho người dân ở thôn Mới (xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh), khóm Ka Tăng (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa)...

Tại các địa phương trong tỉnh, lực lượng chức năng cũng đã phối hợp với các cấp chính quyền vận động tổ chức, doanh nghiệp tặng bình chữa cháy cho hộ nghèo, gia đình chính sách. Mới đây, 25 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở Khu phố 1, phường Đông Lương đã nhận được những chiếc bình chữa cháy từ nhà hảo tâm. Để bà con biết cách sử dụng, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã đến tận nơi để hướng dẫn, hỗ trợ.

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, việc tặng bình chữa cháy cho người dân là một trong những hoạt động thực hiện phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”. Hiện nay, phong trào đang được triển khai rộng khắp ở Quảng Trị cũng như nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” là sự cụ thể hóa Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới.

Phong trào được triển khai nhằm khơi dậy ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác PCCC. Mục tiêu đặt ra là: mỗi hộ gia đình trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy, có lối thoát nạn thứ 2 trong tình huống khẩn cấp; mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 người được tập huấn kỹ năng CC&CNCH; 100% người làm nhiệm vụ PCCC được tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ...

Sau khi tiếp nhận chủ trương, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch tăng cường PCCC trong tình hình mới. Các cán bộ, chiến sĩ của phòng nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp thực hiện phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” như: Tăng cường công tác tuyên truyền; tập huấn cho người dân về PCCC; hướng dẫn, hỗ trợ người dân lắp đặt các thiết bị cứu hỏa...

Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tổ chức 30 lớp huấn luyện; 44 lớp CNCH; 21 lớp huấn luyện kỹ năng; hàng trăm buổi tuyên truyền trực tiếp cho người dân. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, cán bộ, chiến sĩ của phòng đã tích cực vận động tổ chức, cá nhân hảo tâm tặng bình chữa cháy cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách nhằm lan tỏa một việc làm, thói quen tốt.

Thành công nằm ở người dân

Những ngày qua, Thượng tá Lê Văn Hoàng thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về vụ cháy chung cư mini ở TP. Hà Nội. “Đây là một vụ hỏa hoạn rất thương tâm. Tôi nghĩ nếu công tác PCCC tại chỗ được triển khai tốt và người dân có kỹ năng chữa cháy... thì có lẽ hậu quả sẽ không nặng nề, đau lòng như thế”, Thượng tá Hoàng nói.

Theo Thượng tá Lê Văn Hoàng, trong công tác PCCC, vai trò của người dân hết sức quan trọng. Hầu hết các vụ đều xuất phát từ nhà dân. Chính người dân phát hiện ra cháy và là lực lượng chữa cháy đầu tiên. Vì thế, nếu được tập huấn kỹ năng và trang bị phương tiện PCCC thì thiệt hại sẽ giảm đáng kể.

Đó cũng chính là lý do mà cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH luôn đề cao phương châm “4 tại chỗ”. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 35 vụ cháy, trong đó cháy nhà dân là 33 vụ. Nhờ lấy “người dân làm trung tâm” cùng với nỗ lực của lực lượng PCCC&CNCH mà phần lớn các đám cháy đều được khống chế, xử lý kịp thời.

Điều đáng nói là tuy lực lượng chức năng đã tích cực tuyên truyền, vận động nhưng một bộ phận người dân trong tỉnh vẫn còn chủ quan, lơ là. Nhiều người chưa tự giác mua và lắp đặt các thiết bị PCCC tại nhà. Họ nghĩ việc làm này chỉ dành cho các cơ quan, đơn vị, trường học.

Cũng vì thế, khi hỏa hoạn xảy ra, phần lớn chủ nhà đều hoảng loạn, không biết phải làm gì. Trong khi đó, thay vì hỗ trợ chữa cháy, một số người phát hiện vụ việc chỉ biết đứng nhìn, cá biệt là lo tập trung quay phim, chụp ảnh... Hành động ấy nhiều khi gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng chức năng.

Trước thực tế ấy, các cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, xác định, để thực hiện thành công phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”, việc thay đổi nhận thức, hành động của người dân, đặc biệt là những người còn mang tư tưởng chủ quan, lơ là, bàng quan... là hết sức quan trọng. Cùng với tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, vận động, tập huấn cho người dân, cán bộ, chiến sĩ của phòng vào cuộc, xây dựng các tổ liên gia, điểm chữa cháy cộng đồng...

Hiện nay, toàn tỉnh có 81 tổ liên gia và 36 điểm chữa cháy cộng đồng. Nhờ được sự hỗ trợ của lực lượng chức năng, khi xảy ra đám cháy, người dân ở các khu dân cư đã có kỹ năng thoát nạn; sớm liên lạc với lực lượng chức năng; giúp nhau chữa cháy...

Theo Thượng tá Lê Văn Hoàng, tuy mới triển khai nhưng phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” đã có những tín hiệu khả quan. Đó cũng chính là động lực để các cán bộ, chiến sĩ của phòng thêm nêu cao quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. “Tuy nhiên, sự thành công phong trào không chỉ nằm ở nỗ lực của lực lượng chức năng.

Chúng tôi mong muốn người dân chung tay bằng những việc làm cụ thể như: trang bị bình chữa cháy cho gia đình; tham gia các khóa tập huấn; trở thành thành viên của các tổ liên gia... Những việc làm ấy không chỉ giúp bảo đảm sự an toàn của bản thân và gia đình mà còn của cả cộng đồng”, Thượng tá Hoàng nói.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/nha-toi-co-binh-chua-chay/180298.htm