Nha Trang: Khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa lũ
Sáng 3-12, đoàn công tác của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh do ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn đầu đã đến kiểm tra tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ tại một số địa bàn trọng điểm về ngập lụt của TP. Nha Trang.
Ngày 3-12, đoàn công tác của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Khánh Hòa do ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn đầu đã đến kiểm tra tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ tại một số địa bàn trọng điểm về ngập lụt của TP. Nha Trang.
Tại xã Vĩnh Ngọc, mặc dù cơ bản nước đã rút, nhưng vẫn còn nhiều khu vực đọng nước. Cán bộ xã cho biết đã tổ chức lực lượng, phương tiện tiến hành xử lý bùn đất đọng lại trên các trục chính giao thông, đảm bảo người dân đi lại được an toàn, thuận tiện. Trên đoạn đường Nguyễn Lương Bằng, một số khu vực quá thấp, tạo thành dòng chảy xiết gây sạt lở, hư hại lề đường, cọc tiêu.
Còn trên đường Bờ Sông ở thôn Trung, lượng bùn non vẫn bám một lớp dày trên đường do con đường này chạy dọc theo sông Cái. Đây là khu vực chịu ngập úng nặng nề nhất do mưa lũ vừa qua. Ngoài ra, cũng tại thôn Trung, nhiều diện tích hoa màu bị hư hại.
Tại xã Vĩnh Trung, khu vực cầu Xuân Sơn ở thôn Xuân Sơn và đập tràn Xuân Phong ở thôn Đồng Nhơn, do lượng nước đổ về quá nhiều, cây cối, rác thải bít miệng cống, nước thoát chậm, gây ùn ứ khiến cho tình trạng ngập úng nặng nề hơn. Xã đề nghị thành phố, tỉnh có giải pháp mở rộng khẩu độ các cầu, đập tràn này.
Theo cán bộ Phòng Kinh tế TP. Nha Trang, ngay sau khi nước rút, UBND TP. Nha Trang đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung triển khai ngay công tác khắc phục. Trước hết là giao thông, điện, vệ sinh môi trường.
Tại các nơi kiểm tra, ông Lê Tấn Bản đề nghị các địa phương tiếp tục huy động tối đa lực lượng, thiết bị tổ chức khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Trong đó, tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại về người, về nhà cửa; tập trung xử lý vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh xảy ra sau mưa lũ; rà soát thống kê, tổng hợp báo cáo thiệt hại do lũ lụt gây ra trên địa bàn, trong đó bao gồm cả những thiệt hại trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, để Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ theo quy định.