Nhà Trắng ra hạn chót xóa TikTok khỏi các thiết bị liên bang
Nhà Trắng hôm 27.2 đã cho các cơ quan chính phủ 30 ngày để đảm bảo không có ứng dụng TikTok trên các thiết bị và hệ thống liên bang.
Trong nỗ lực giữ an toàn cho dữ liệu của Mỹ, tất cả cơ quan liên bang Mỹ phải loại bỏ TikTok khỏi smartphone và hệ thống. Shalanda Young, Giám đốc Cục Quản lý Hành chính và Ngân sách Mỹ nói điều này với các cơ quan liên bang trong một thông báo hướng dẫn mà Reuters nhìn thấy.
Được Quốc hội Mỹ đưa ra cuối năm 2022, lệnh cấm này theo sau các hành động tương tự từ Canada, Liên minh châu Âu (EU), Đài Loan và hơn một nửa số bang của Mỹ.
Trong khi không ảnh hưởng đến hơn 100 triệu người Mỹ sử dụng TikTok trên các thiết bị cá nhân, lệnh cấm nêu trên tiếp thêm động lực cho những lời kêu gọi cấm hoàn toàn ứng dụng chia sẻ video ngắn của tập đoàn ByteDance (có trụ sở ở Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc). Những lo ngại về an ninh quốc gia liên quan Trung Quốc đã gia tăng những tuần gần đây sau khi một khí cầu của cường quốc châu Á bay qua nước Mỹ.
TikTok cho biết những lo ngại được thúc đẩy bởi thông tin sai lệch và phủ nhận việc sử dụng ứng dụng này để theo dõi người Mỹ. TikTok không bình luận ngay lập tức về thông báo hướng dẫn của Nhà Trắng.
Vào tháng 12.2022, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu cấm nhân viên liên bang sử dụng ứng dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ sở hữu và cho chính quyền ông Biden 60 ngày để ban hành chỉ thị với các cơ quan. Cuộc bỏ phiếu này là hành động mới nhất của các nhà làm luật Mỹ nhằm trấn áp các công ty Trung Quốc trong bối cảnh an ninh quốc gia lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng các ứng dụng để do thám người Mỹ.
Chris DeRusha, Giám đốc An ninh Thông tin Liên bang Mỹ, cho biết: "Hướng dẫn này là một phần trong cam kết liên tục của cơ quan quản lý nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của chúng tôi cũng như bảo vệ an ninh và quyền riêng tư của người dân Mỹ".
Nhiều cơ quan chính phủ Mỹ bao gồm Nhà Trắng, Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Nội địa và Bộ Ngoại giao đã cấm TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ trước cuộc bỏ phiếu.
Lệnh cấm TikTok không áp dụng nếu có các hoạt động nghiên cứu an ninh, thực thi pháp luật hoặc an ninh quốc gia nhưng lãnh đạo cơ quan phải phê duyệt các hoạt động này và "không được phép áp dụng các ngoại lệ chung cho toàn bộ cơ quan", theo thông báo hướng dẫn của Shalanda Young.
Hôm 28.2, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện sẽ bỏ phiếu về dự luật trao cho Tổng thống Joe Biden quyền cấm TikTok khỏi tất cả thiết bị của Mỹ.
“Dự luật trao quyền cho chính quyền cấm TikTok hoặc bất kỳ ứng dụng phần mềm nào đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. Bất kỳ ai có TikTok được tải xuống trên thiết bị của họ đều đã cung cấp cho Trung Quốc một cửa hậu để truy cập tất cả thông tin cá nhân của họ. Đó là một quả bóng gián điệp xâm nhập vào điện thoại của bạn", Mike McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, tuyên bố.
Liên minh Tự do Dân sự Mỹ cho biết phản đối lệnh cấm của Quốc hội với TikTok.
Thông báo hướng dẫn của Nhà Trắng cho biết trong vòng 90 ngày, các cơ quan phải giải quyết mọi hoạt động sử dụng TikTok của các nhà cung cấp CNTT thông qua hợp đồng và trong 120 ngày, các cơ quan sẽ đưa ra lệnh cấm với TikTok theo tất cả yêu cầu mới.
Hôm 6.2, Tổng thống Joe Biden cho biết ông không chắc liệu Mỹ có cấm ứng dụng TikTok hay không.
"Tôi không chắc. Tôi biết tôi không có nó trên điện thoại của mình", Tổng thống Mỹ nói khi trả lời câu hỏi của phóng viên về TikTok sau khi trở về Washington D.C từ kỳ nghỉ cuối tuần ở Trại David.
Trại David là khu nghỉ dưỡng truyền thống của Tổng thống Mỹ, nằm tại vùng núi phía tây bang Maryland và cách thủ đô Washington D.C gần 100 km. Ẩn mình trong vùng núi non bang Maryland, Trại David từ lâu là nơi để các Tổng thống Mỹ nghỉ ngơi và tránh khỏi những ồn ào, ngột ngạt ở Nhà Trắng.
Hôm 27.2, Canada đã tuyên bố cấm TikTok khỏi các thiết bị do chính phủ cấp, nói rằng ứng dụng này gây ra mức độ rủi ro “không thể chấp nhận được” với quyền riêng tư và bảo mật. Động thái này làm tăng thêm rạn nứt giữa Canada và Trung Quốc.
Người phát ngôn TikTok cho biết lệnh cấm của Canada đã được ban hành "mà không nêu bất kỳ mối lo ngại bảo mật cụ thể nào hoặc liên hệ với chúng tôi để đặt câu hỏi".
Hôm 23.2, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu, hai tổ chức hoạch định chính sách lớn nhất EU, cho biết nhân viên phải gỡ bỏ TikTok khỏi các thiết bị di động cá nhân có truy cập vào dịch vụ doanh nghiệp.
TikTok cho biết chưa được thông báo hoặc liên lạc bởi bất kỳ tổ chức nào trước các quyết định đó.
"Vì vậy, chúng tôi thực sự đang hoạt động dưới đám mây đen và sự thiếu minh bạch, thiếu quy trình đúng đắn. Thật sự, chúng tôi sẽ mong đợi có sự tương tác về vấn đề này", Caroline Greer, Giám đốc chính sách công cộng và quan hệ chính phủ của TikTok, cho biết với Reuters.
Bà Caroline Greer nói không thể phản hồi những quan ngại về an ninh mạng của các cơ quan này vì họ chưa nêu rõ chúng. Bà cho biết Giám đốc điều hành TikTok - Shou Zi Chew "lo lắng và hơi bối rối". Ông Shou Zi Chew từng gặp Thierry Breton (Ủy viên phụ trách thị trường nội bộ của EU) và các ủy viên khác tại Brussels vào tháng 1.
"Bạn biết đấy, ông ấy luôn rất sẵn sàng đáp ứng Ủy ban... Chúng tôi đã liên hệ để tổ chức một cuộc họp bất kể dưới bất kỳ hình thức nào mà họ mong muốn", Caroline Greer nói.
Theo Caroline Greer, các tổ chức khác của EU nên tự nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định về TikTok.
Hôm 23.2, một quan chức cấp cao cho biết tất cả nhân viên Ủy ban châu Âu đã được yêu cầu xóa TikTok khỏi thiết bị cá nhân và công việc.
“Để bảo vệ dữ liệu và tăng cường an ninh mạng, ban quản lý Ủy ban châu Âu đã quyết định tạm dừng ứng dụng TikTok trên các thiết bị của ủy ban và thiết bị cá nhân”, trích tuyên bố của Ủy ban châu Âu.
Các quan chức Ủy ban châu Âu được yêu cầu gỡ cài đặt TikTok trong thời gian sớm nhất và trước ngày 15.3. “Kể từ ngày 15.3, các thiết bị đã cài đặt ứng dụng sẽ được coi là không tuân thủ”, Ủy ban châu Âu cho biết.
Eric Mamer và Sonya Gospodinova, người phát ngôn Ủy ban châu Âu, khẳng định đây là kết quả của một quá trình phân tích cẩn thận. Họ cho biết hạn chế này là “tạm thời và có thể được đánh giá lại”.
Các tổ chức khác của EU bao gồm Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu, cũng có khả năng áp dụng biện pháp tương tự với TikTok.
Nghị viện châu Âu đang “theo dõi và đánh giá tất cả vi phạm dữ liệu có thể xảy ra liên quan đến TikTok và sẽ xem xét đánh giá của Ủy ban châu Âu trước khi đưa ra các khuyến nghị”.
TikTok cho biết quyết định của Ủy ban châu Âu là "sai lầm". Người phát ngôn của TikTok nói: “Chúng tôi thất vọng với quyết định này. Chúng tôi đã liên hệ với Ủy ban châu Âu để xác lập hồ sơ và giải thích cách chúng tôi bảo vệ dữ liệu của 125 triệu người dùng trên khắp EU”.
TikTok cáo buộc EU không thông báo cho họ về quyết định cấm ứng dụng chia sẻ video ngắn này trên smartphone nhân viên vì lý do an ninh mạng.
TikTok đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng từ các cơ quan phương Tây về mối lo chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng nó để thu thập dữ liệu người dùng. Chính phủ Trung Quốc thường xuyên phủ nhận có bất kỳ ý định nào như vậy.
Tháng 1, chính phủ Hà Lan khuyến cáo quan chức tránh xa TikTok vì những lo ngại tương tự. Cơ quan bảo vệ dữ liệu hàng đầu châu Âu tại Ireland đang điều tra TikTok về khả năng dữ liệu của công dân châu Âu được gửi sang Trung Quốc.