Nha Trang: Tăng cường xử lý người lang thang, xin ăn

Triển khai Đề án “Thực hiện mục tiêu không có người có hành vi lang thang, xin ăn, cơ nhỡ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025”, thời gian qua, TP. Nha Trang đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tích cực. Thế nhưng, do lực lượng mỏng, địa bàn rộng, các đối tượng sử dụng nhiều chiêu thức trá hình, thiếu sự quản lý của các địa phương… khiến cho việc thực hiện đề án gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Quyết liệt xử lý, thu dung đối tượng

Gần 12 giờ trưa một ngày tháng 8, trong lúc tuần tra, phát hiện một người đàn ông khoảng 30 tuổi có biểu hiện lang thang, thường xuyên chiếm dụng ghế đá công viên bờ biển đường Phạm Văn Đồng (đoạn thuộc phường Vĩnh Hải) làm nơi ngủ, các thành viên của Đội Chuyên trách tập trung người lang thang, xin ăn (gọi tắt là Đội 524) lập tức tiếp cận dò hỏi tình hình. Khi thấy lực lượng chức năng, đối tượng ngay lập tức vùng vằng và nói: “Tôi đã xin phép khu du lịch, đây là quầy hàng (ghế đá công viên) của tôi. Các sản phẩm này (là các chai, cốc nhựa được đối tượng bỏ cát, rác thải, vỏ trái cây…) do tôi tự chế tác. Các anh không được quyền thu gom sản phẩm của tôi…”. Nhận thấy đối tượng có những biểu hiện không bình thường, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các thành viên của Đội 524 đã đưa đối tượng về nơi tập trung kiểm tra sức khỏe, điều tra lý lịch để có biện pháp xử lý. Nhiều người dân địa phương cho biết, người đàn ông này xuất hiện ở khu vực này đã lâu; hàng ngày ông ta đi xin tiền, xin ăn của người dân, du khách và chiếm dụng ghế đá công viên làm nơi ngủ, nghỉ. Ông này còn thường xuyên lượm lặt các chai lọ, túi ni lông, quần áo cũ bao quanh ghế đá. Qua điều tra bước đầu của Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội tỉnh, người đàn ông trên tên Ngần Ngọc Quý (ở tỉnh Lào Cai) có biểu hiện bệnh tâm thần. Sau khi lập hồ sơ, khám sức khỏe, trung tâm đã chuyển ông Ngần Ngọc Quý đến Trung tâm Bảo trợ xã hội Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tỉnh (huyện Diên Khánh) để chăm sóc, điều trị; đồng thời, liên hệ với gia đình, địa phương của đối tượng theo quy định.

Lực lượng chức năng tiếp cận vận động, thu dung ông Ngần Ngọc Quý.

Lực lượng chức năng tiếp cận vận động, thu dung ông Ngần Ngọc Quý.

Trước đó, cuối tháng 7, từ nguồn tin phản ánh của người dân xã Vĩnh Phương, Đội 524 đã ngay lập tức có mặt để đưa đối tượng Võ Tấn Hùng (thị xã Ninh Hòa) về Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội tỉnh theo quy định. Theo phản ánh của người dân và điều tra của Đội 524, ông Hùng có sức lao động nhưng lười nhác đi làm, thường xuyên lang thang, xin ăn ở khu vực xã Vĩnh Phương. Buổi tối, ông này thường xuyên vào trường tiểu học của xã để ngủ ở cầu thang và xả nước của trường chảy xuyên đêm.

Bà Đinh Thị Nam - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Nha Trang cho biết, thời gian qua, Đội 524 đã tăng cường công tác tuần tra thu dung, xử lý các đối tượng lang thang, xin ăn. Đồng thời, thành phố thường xuyên chỉ đạo các phòng, ban, xã, phường đưa nội dung thực hiện đề án vào tiêu chí đánh giá hoạt động chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở, cũng như xếp loại thi đua hàng năm và bình xét thôn, tổ dân phố văn hóa. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Qua đó, trong năm 2023, thành phố đã tập trung, xử lý 89 trường hợp; từ đầu năm 2024 đến nay đã tập trung, xử lý hơn 50 trường hợp; góp phần cải thiện môi trường du lịch văn minh, thân thiện. Có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực rất lớn của các thành viên Đội 524, sự phối hợp của các phòng, ban, địa phương, sự hỗ trợ của một bộ phận người dân. Một số xã, phường rất tích cực trong công tác quản lý, xử lý đối tượng như: Tân Lập, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Hải, Lộc Thọ, Phương Sài…

Còn những khó khăn, vướng mắc

Tuy nhiên, công tác tập trung, xử lý người lang thang, xin ăn ở thành phố còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đó là, tình trạng người lang thang, xin ăn ngày càng có xu hướng biến tướng, che giấu dưới vỏ bọc bán hàng dạo, bán hoa quả, đồ ăn vặt, thậm chí giả dạng những người khuyết tật hát dạo... Khi khách không mua hàng hóa thì họ ngã mủ xin tiền. Đồng thời, họ chuyển từ hoạt động công khai, tập trung ở các điểm du lịch, chùa, chợ… sang hoạt động tại các quán cà phê, quán ăn, quán vỉa hè, cửa hàng bán xăng dầu, chợ nhỏ, chốt đèn tín hiệu giao thông và phần lớn là người ở địa phương khác tới “hành nghề”. Bên cạnh đó, một số đối tượng lợi dụng người già, trẻ em đi xin ăn nhằm thu lợi bất chính. Các đối tượng còn chuyển sang ăn mặc lịch sự để qua mắt lực lượng chức năng. Người dân báo tin đối tượng, nhưng khi lực lượng chức năng có mặt thì đối tượng đã di chuyển đi nơi khác, khiến việc xử lý gặp khó khăn.

Người lang thang, xin ăn tại một quán cà phê ở khu vực phường Phước Long.

Người lang thang, xin ăn tại một quán cà phê ở khu vực phường Phước Long.

Công tác tuyên truyền của các xã, phường chưa thường xuyên nên vẫn tái diễn hành vi lang thang, xin ăn; công tác phối hợp của một số xã, phường chưa kịp thời, cán bộ phụ trách kiêm nhiều việc nên chưa thường xuyên tuần tra, xử lý. Cùng với đó, công tác lưu nuôi theo quy định thường ngắn ngày. Việc vận động, quản lý đối tượng của gia đình và các địa phương trong và ngoài tỉnh chưa chặt chẽ dẫn đến tái diễn hành vi. Như trường hợp của ông Võ Tấn Hùng có khả năng lao động, có gia đình, không thể lưu nuôi dài ngày ở trung tâm nên được trả về địa phương giáo dục, quản lý. Thế nhưng, các địa phương đã để đối tượng này tái diễn tình trạng lang thang, xin ăn và có gần 10 lần bị thu gom.

Ngoài ra, hoạt động đào tạo, dạy nghề và tạo việc làm cho những đối tượng này cũng gặp nhiều khó khăn, nặng về hình thức, chưa đi vào thực chất. Đặc biệt, lực lượng Đội 524 còn khá mỏng, trong khi địa bàn hoạt động khá rộng, chưa thể bao quát được hết khu vực và xử lý kịp thời. Không chỉ vậy, việc xử lý các đối tượng lang thang, xin ăn nghiện ma túy luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho các thành viên. Đây cũng là nhóm người rất khó xử lý vì không thuộc đối tượng thu gom của đội. Mặt khác, ô tô chuyên dụng tuần tra, thu dung đối tượng phụ thuộc vào phương tiện của Công an thành phố nên không được thường xuyên.

Bà Đinh Thị Nam cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ triển khai quyết liệt hơn nữa Đề án “Thực hiện mục tiêu không có người có hành vi lang thang, xin ăn, cơ nhỡ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025”. Trong đó, tăng cường công tác tuần tra, xử lý đối tượng; tiếp tục giao chỉ tiêu thực hiện cho các xã, phường và đưa vào kết quả đánh giá thi đua hàng năm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Phòng Quản lý đô thị, Đội Thanh niên xung kích trong tuần tra, kiểm tra, xử lý người lang thang, xin ăn, cơ nhỡ nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, văn minh đô thị. Công an các xã, phường nâng cao công tác kiểm tra, giám sát địa bàn, quản lý hành chính nhân khẩu. Các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, quản lý tốt đối tượng để tránh tái diễn hành vi; tăng cường tuyên truyền số điện thoại đường dây nóng (0258.3525440) của Đội 524 để người dân gọi báo khi phát hiện người lang thang, xin ăn. Ngành chức năng và địa phương cần hỗ trợ tạo sinh kế lâu dài cho những người lang thang, xin ăn để ổn định cuộc sống. Khi có việc làm và thu nhập thì tình trạng người xin ăn, lang thang sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất…

PHÚ AN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202408/nha-trangtang-cuong-xu-ly-nguoi-lang-thang-xin-an-19f3e19/