Nhà trẻ gia đình: Mô hình cần nhân rộng
Được thành lập hơn 6 tháng nay, mô hình nhà trẻ gia đình của ông Ôn Cát Thành, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ninh Lai (Sơn Dương) đã trở thành địa chỉ tin cậy cho phụ huynh trên địa bàn, giúp người dân gửi con để yên tâm lao động, công tác.
Ông Ôn Cát Thành cho biết, thực hiện Nghị quyết số 73-NQ/TU ngày 10-12-2018, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) về huy động trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn tỉnh và xuất phát từ ý tưởng giúp những cặp vợ chồng trẻ làm nghề tự do, nông nghiệp, công nhân có con nhỏ nhưng thiếu người trông nom, ông đã quyết định thành lập Nhà trẻ Sen Việt. Tháng 5-2019, được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của huyện, xã, ông đã triển khai mô hình Nhà trẻ Sen Việt, nhận chăm sóc các cháu từ 3 - 36 tháng tuổi trở lên, thời gian từ 7 giờ sáng đến 17 giờ các ngày từ thứ 2 đến thứ 7 trong tuần. Nhà trẻ có diện tích hơn 250m2, gồm 2 phòng học, sân chơi, nhà bếp ăn bán trú với tổng kinh phí đầu tư 280 triệu đồng. Ban đầu, nhà trẻ chỉ có 8 cháu, đến nay đã có 22 cháu, với 3 cô giáo giảng dạy, mức đóng góp từ 450 - 550 nghìn đồng/cháu. Lớp học có sân chơi bảo đảm các điều kiện để trẻ phát triển nên các bậc phụ huynh rất yên tâm khi gửi con ở đây.
Để đảm bảo chất lượng dạy học, nhà trẻ đã chú trọng tuyển dụng các giáo viên năng động, nhiệt huyết, được đào tạo bài bản, có trình độ từ trung cấp đến đại học. Cô giáo Lưu Thị Xuân cho biết, tốt nghiệp Trường Đại học Hà Nội, khoa Sư phạm mầm non, cô đã xin vào giảng dạy tại nhà trẻ. Ban đầu, mọi người còn e ngại khi gửi con đến đây, tuy nhiên với kinh nghiệm của bản thân và sự hỗ trợ tích cực của địa phương, cô cùng với gia đình ông Thành đã vận động, tuyên truyền cho mọi người hiểu việc đưa trẻ đi nhà trẻ. Đặc biệt, trong quá trình dạy, cô luôn quan sát lớp học, nắm bắt tình hình của trẻ trên lớp để đưa ra hoạt động phù hợp với năng lực của trẻ, vận dụng phương pháp giảng dạy linh hoạt sao cho trẻ không nhàm chán. Cô còn ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, mang đến các tiết học sinh động, thu hút trẻ tham gia; khuyến khích các em tự khám phá và phát huy khả năng sáng tạo.
Bên cạnh đó, nhà trẻ còn đảm bảo tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ nhập các thực phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng; nước sinh hoạt được lọc qua hệ thống máy đảm bảo hợp vệ sinh; chế độ dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi; thời gian, chỗ ăn, ngủ, không gian vui chơi, bảo đảm cho sự phát triển của trẻ. Giáo án giảng dạy bám sát quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo hướng khoa học, hợp lý, giúp trẻ phát triển thể chất và thẩm mỹ. Nhà trẻ còn tạo điều kiện tối đa thời gian trông trẻ, giảm mức đóng góp với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tạo thuận lợi để phụ huynh có thời gian lao động sản xuất, tập trung phát triển kinh tế gia đình. Do đó, đã nhận được sự tin tưởng của đông đảo phụ huynh.
Chị Dương Thị Thu Thủy, thôn Phú Ninh, có con là Ôn Dương Bảo Ngọc được 24 tháng tuổi, đang theo học tại nhà trẻ nói, gia đình chị làm nông nghiệp nên thường bận rộn, ít có thời gian chăm sóc con. Vì vậy, khi có mô hình Nhà trẻ Sen Việt, chị đã đăng ký cho con theo học, mỗi lần đến đón con, chị đều được cô giáo giới thiệu các hoạt động ở trường, lớp, cách sinh hoạt. Đồng thời, mời chị đến trực tiếp xem con học, chơi với con trong một số tiết học và tham gia các hoạt động hát, múa, đọc thơ, kể chuyện… Qua đó, chị hiểu con mình đang được học những gì trên lớp và cảm thấy rất yên tâm.
Vừa qua, Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh đã tặng một phần quà là đồ chơi cho nhà trẻ. Đặc biệt, xã đã tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Ông Ôn Cát Thành cho biết, trong thời gian tới, ông sẽ tìm hiểu để thực hiện các thủ tục đề nghị hỗ trợ theo đúng quy định của Nghị quyết. Đây sẽ là động lực, đòn bẩy để gia đình ông tiếp tục phát triển mô hình, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao chất lượng chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện.