Nhà trí thức có nên giàu không?
Đầu Xuân mới, xin bàn về một chủ đề tương đối nhạy cảm nhưng lại hết sức thực tế: Nhà trí thức có nên giàu không?
Trí thức thời cổ đại
Khổng Tử là một cố vấn chuyên nghiệp cho các vị vua thời Xuân Thu. Ông dẫn học trò lang thang khắp nơi, cố vấn cho hết vua này đến vua khác, học trò theo ông có lúc đông nhất đến ba bốn chục người. Ông xây dựng, đào tạo được một đội ngũ có đủ quan văn, quan võ, ngoại giao... để chỉ cần chọn được “minh chủ” thì ê-kíp của ông đã sẵn sàng vận hành một quốc gia.
Về đời sống, thầy trò Khổng Tử không cày ruộng nhưng tới nước nào cũng được vua hoặc đại phu nước đó thiết đãi (dù đôi lúc cũng phải nhịn đói, mặt xanh như tàu lá, đặc biệt sau khi chia tay một ông vua này và tìm một chủ mới để thờ). Cơ bản do tính cách Khổng Tử quá ngay thẳng, nhiều tham vọng. Nếu chịu nhẫn nhịn, thầy trò ông hẳn đã có một đời sống sung túc.
Mạnh Tử là hậu duệ của Khổng Tử sau hơn trăm năm. Mạnh Tử là một nhà du thuyết chuyên nghiệp, có lẽ còn chuyên nghiệp hơn những diễn giả thời nay bởi ông diễn thuyết cho vua nghe. Mạnh Tử tính tình còn thẳng thắn, cao ngạo hơn cả Khổng Tử, ông vua nào làm phật ý, ông mắng luôn (chẳng hạn, ông mắng vua Lương Huệ Vương: “Bếp vua có thịt béo, tàu vua có ngựa mập, mà dân thì có sắc đói, đồng ruộng la liệt những kẻ chết đói; như vậy khác nào vua sai thú ăn thịt người”).
Sách “Mạnh Tử” của tác giả Nguyễn Hiến Lê kể Mạnh Tử nổi danh là một bậc đại nho, có nhiều môn sinh, được nhiều người trọng vọng. Ông cùng với môn sinh bôn ba các nước Lỗ, Lương, Tề, Đằng, Tống, ráng tìm một vị minh chủ để thực hành đạo của Khổng Tử.
Những lời khuyên của ông được các ông vua coi trọng và đôi khi áp dụng. Ông sống rất sang, tới đâu cũng được các vua tiếp đãi trọng hậu, ông có ngựa xe, tiền vàng, lương thảo như một bậc quý tộc (dù ông xuất thân từ bình dân).
Mỗi khi qua một nước, Mạnh Tử dắt theo cả mấy chục cỗ xe, mấy trăm người tùy tùng và vua nước ấy phải cung cấp lương thực. Tới khi ông rời một nước thì vua còn dâng ông chút ít để lên đường, “chút ít” đó có khi là 70 dát vàng như hồi ông rời nước Tống (mỗi dát bằng 20 - 24 lượng vàng).
Ở phương Tây thì sao? Thời Hy Lạp cổ đại, Socrates chẳng phải làm việc tay chân, chẳng bận lo cái ăn, cái mặc. Ông đi lang thang du thuyết, tranh biện. Triết học của ông đúc rút từ những cuộc nói chuyện, tranh luận của ông với bè bạn, được đúc rút trong 2 cuốn sách của Plato - trò của Socrates - ghi lại các cuộc trò chuyện của ông: cuốn “Cộng hòa” và cuốn “Ngày cuối trong đời Socrates”. Socrates nổi bật với tài hùng biện.
Ngày nay, rất nhiều cuộc thi hùng biện của học sinh, sinh viên có tên gắn với Socrates. Tên tuổi của ông còn gắn với “Socratic Method” (Phương pháp Socrates) là một hình thức đối thoại, đặt và trả lời các câu hỏi để kích thích tư duy phản biện.
Sử sách không ghi lại Socrates làm gì để kiếm cơm. Cho đến khi phải đón nhận án tử hình bằng thuốc độc, Socrates hẳn đã có một đời sống sung túc, không phải lo cơm áo gạo tiền. Cả đời ông chỉ lang thang du thuyết, tranh biện với bè bạn, không mảy may chuyện mưu sinh. Mấy ai được sung sướng như vị triết gia vĩ đại ấy.
Trước thời đại Socrates, Pythagoras - nhà toán học lỗi lạc có đủ tiền để “du học” qua Ai Cập, Babylon... trong nhiều năm để tích lũy khối kiến thức sâu rộng về số học, hình học, thiên văn, địa lý, y học, triết học... Về già, ông mở trường học tư, nhận hàng trăm môn sinh và có đời sống sung túc bằng nghề dạy học. Riêng Pythagoras chỉ trực tiếp dạy những học sinh xuất sắc nhất (giống thầy giáo giỏi chỉ dạy lớp chuyên ngày nay).
Trí thức thời nay còn nghèo
Quay lại câu hỏi chính, rút cục nhà trí thức có nên giàu không? Có, đương nhiên có (giàu trong một chừng mực nào đó). Không chỉ bởi đó là câu trả lời cho câu hỏi “Ai xứng đáng với điều gì?” (nhà trí thức xứng đáng giàu có để trả công cho những năm tháng miệt mài nghiên cứu khoa học, cống hiến và hi sinh những nhu cầu khác của bản thân để trở thành một nhà trí thức).
Theo tôi, nhà trí thức nên giàu có, sung túc bởi điều đó sẽ khuyến khích mọi người trở thành những nhà trí thức. Làm sao tôi có thể định hướng, khuyến khích các con mình trở thành những nhà trí thức khi thấy anh giáo sư bên hàng xóm cả đời nghèo kiết xác?
Một cách tổng quát, các tri thức trong xã hội giàu cho thấy xã hội đó tôn vinh giá trị của tri thức. Xã hội ấy có động lực để phát triển. Các quốc gia giàu mạnh, văn minh đều tôn vinh giá trị của tri thức: Nhật, Đức, Israel... Tại Mỹ, giáo sư Ngô Bảo Châu nhận mức lương khoảng 200.000 USD/năm tại Đại học Chicago (số liệu cách đây khoảng 10 năm), không quá giàu nhưng cũng đảm bảo đời sống chất lượng cho bản thân và gia đình.
Ở ta thì sao? Nhìn quanh, tôi thấy nhiều nhà trí thức nghèo. Một số người giàu nhưng không phải trực tiếp nhờ tri thức. Chỉ có một số lượng rất nhỏ nhà trí thức có thể làm giàu trực tiếp bằng tri thức của mình.
Ngược lại, “trí thức giả”, “ngụy khoa học”... thì nhiều, luận văn sao chép, đạo văn nhiều vô kể (bạn đọc có thể tra cứu qua Google). Tham gia nhiều hội thảo khoa học về xây dựng pháp luật, tôi thấy rất nhiều giáo sư, tiến sĩ nói những điều xưa cũ, những mớ lý thuyết xa rời thực tiễn, không có giá trị tham khảo, áp dụng. Nhóm trí thức này chưa sẵn sàng tham gia vào đời sống sản xuất.
Có vị luật sư có tiếng được mời dự hội thảo xây dựng luật nhằm thực hiện chức năng xã hội của luật sư nhưng điềm nhiên nói để “cài cắm” chính sách có lợi cho mình (vì anh đồng thời là chủ doanh nghiệp đầu tư dự án du lịch, nghỉ dưỡng)... Nhóm trí thức này tham gia vào đời sống sản xuất nhưng với động lực làm lợi cho bản thân thay vì chăm lo lợi ích chung.
Thực trạng ấy thật đáng buồn. Ta chạy sau rất xa các quốc gia khác, nếu không đầu tư cho giáo dục, đào tạo, không phát triển đội ngũ trí thức, thì làm sao có ngày “sánh vai cường quốc năm châu”?
Ước mơ của tôi là được thấy các nhà trí thức ở ta giàu và có thể làm giàu trực tiếp bằng tri thức của mình. Khi ấy, các bậc cha mẹ có thể khuyến khích, định hướng cho con mình trở thành những nhà tri thức, thay vì làm kinh tế, đi buôn. Đó là lúc giấc mơ “Việt Nam hùng cường” trở nên rất đỗi thực tế, gần gũi.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nha-tri-thuc-co-nen-giau-khong-2104342.html