Nhà trường chọn mô hình bếp ăn bán trú, phụ huynh chủ động giám sát an toàn thực phẩm

Hà Nội chủ động tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong trường học ngay khi bước vào năm học mới, tuy nhiên để đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú, phụ huynh vẫn cần phối hợp giám sát cùng nhà trường.

Hà Nội chú trọng kiểm soát an toàn thực phẩm trong trường học ngay đầu năm học mới

Hà Nội chú trọng kiểm soát an toàn thực phẩm trong trường học ngay đầu năm học mới

Nhiều mô hình bếp ăn bán trú

Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cũng nhấn mạnh các Sở GD-ĐT phối hợp với ngành y tế đảm bảo an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục mầm non, tuyệt đối không thực hiện hợp đồng dịch vụ cung cấp suất ăn cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non, bữa ăn phải được nấu ấm nóng tại trường, đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm.

Đối với các cấp học khác, Bộ GD-ĐT quy định, các nhà trường có thể lựa chọn các hình thức hoạt động của bếp ăn trong trường học như: Bếp ăn do nhà trường trực tiếp quản lý, điều hành; Bếp ăn do đơn vị cung cấp dịch vụ nấu tại trường và cung cấp cho học sinh hay đặt suất ăn từ đơn vị cung cấp dịch vụ từ bên ngoài.

Có thể thấy nếu như mô hình nhà trường mua thực phẩm, tự tổ chức nhân sự nấu tại trường được áp dụng với tất cả các trường mầm non do nhà trường có nhân sự biên chế cô nuôi thì với các trường phổ thông, việc tổ chức bếp ăn tại trường không phải là mô hình duy nhất.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Hà Đông cho biết, ở cấp tiểu học, đa số các trường đóng trên địa bàn quận Hà Đông không đủ điều kiện nấu ăn cho học sinh. “Cấp tiểu học không bắt buộc nấu ăn tại trường như mầm non và thực tế là đa số các cô không thể lo được việc nấu ăn cho học sinh, trong khi các trường không được định biên cán bộ làm công tác nấu ăn. Do vậy các trường phải thuê các đơn vị nấu ăn phục vụ cho con em và cùng các phụ huynh giám sát việc cung cấp suất ăn bán trú này” – bà Phạm Thị Lệ Hằng nói.

Mô hình nhà trường ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn chuyên nghiệp được phần lớn các trường tiểu học và trung học cơ sở của Hà Nội thực hiện từ nhiều năm nay. Với mô hình này, nhà trường có thể yên tâm khi lựa chọn được đơn vị có năng lực, có chuyên môn về dinh dưỡng, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm. Các phụ huynh được chủ động kiểm soát suất ăn hàng ngày cùng với nhà trường.

Trong khi đó, đơn vị cung cấp suất ăn chuyên nghiệp phải chịu trách nhiệm toàn bộ các khâu từ kiểm soát chất lượng nguồn gốc thực phẩm, kiểm soát nhân sự làm việc và chế biến tại bếp. Chịu trách nhiệm báo cáo các cơ quan chức năng về công tác phục vụ suất ăn bán trú.

Tăng cường khâu giám sát bữa ăn học đường

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, để đảm bảo an toàn thực phẩm năm học mới 2024 - 2025, Hà Nội đã có kế hoạch “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn” và triển khai từ giữa tháng 8/2024 tại nhiều quận, huyện, xã, phường trên địa bàn Hà Nội. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết để bảo đảm an toàn thực phẩm tại trường học, Phòng yêu cầu các trường thường xuyên phối hợp với đơn vị chức năng của huyện tiến hành giám sát an toàn thực phẩm ở bếp ăn tập thể, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Các trường kiên quyết “nói không” với thực phẩm đông lạnh, không bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, các nhà trường phải tự giám sát, phối hợp giám sát nguyên liệu đầu vào, quá trình sơ chế, chế biến, nấu, chia suất tại các bếp ăn tập thể trường học.

Theo các chuyên gia, ở các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ, chương trình bữa ăn học đường được quy định rõ ràng, cụ thể trong luật về tiêu chuẩn dinh dưỡng cho bữa ăn, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như các quy định về cơ sở vật chất, nhân lực đào tạo chuyên sâu để có thể thực hiện được bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng, khoa học và hợp lý trong trường học.

Ở Việt Nam, việc luật hóa các vấn đề về sức khỏe học đường, dinh dưỡng học đường là giải pháp về lâu dài, nếu áp dụng ngay thì chưa thể phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để học sinh có bữa ăn học đường an toàn, lành mạnh, đủ dinh dưỡng rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành y tế, giáo dục từ Trung ương đến địa phương trong tất cả các hoạt động triển khai, giám sát, thanh tra và hỗ trợ chuyên môn cho các trường.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT khẳng định chất lượng bữa ăn học đường không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, mà còn là trách nhiệm chung của cả phụ huynh và các cơ quan chức năng.

Về phía phụ huynh, chị Hoàng Minh Lan, phụ huynh học sinh trường tiểu học Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn có sự minh bạch hơn trong việc lựa chọn đơn vị cung cấp bữa ăn học đường, cũng như quy trình phối hợp giám sát giữa phụ huynh và nhà trường để đảm bảo rằng con em chúng tôi được sử dụng thực phẩm an toàn và dinh dưỡng”.

Duy Anh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nha-truong-chon-mo-hinh-bep-an-ban-tru-phu-huynh-chu-dong-giam-sat-an-toan-thuc-pham-post588432.antd