Nhà trường hay 'đấu trường'?

Khái niệm 'kỳ nghỉ hè' gần như đã không còn tồn tại từ nhiều năm nay mà thay vào đó là… học hè. Thầy cô biết, ngành giáo dục biết, phụ huynh đều biết, nhưng tất cả đều 'đồng lõa' với học hè, bỏ mặc tiếng ve thảm thiết dưới những tán phượng vĩ rực cháy khát khao tuổi học trò.

Học trước rồi mới khai giảng, kịch bản nhàm chán này sẽ không xuất hiện trong năm học 2020 -2021?

1. Không biết từ bao giờ, tiếng trống tựu trường ngày khai giảng không còn gợi lên cảm xúc xốn xang, hồi hộp của tuổi học trò. Rằng ấy là thời khắc thiêng liêng, khởi nguồn cho những khao khát, ước mơ bước vào một cuộc hành trình chinh phục mới.

Ngày 5/9 được xem là ngày hội đưa trẻ em đến trường, là điểm hẹn giáo dục được chờ đợi nhất trong năm, từ bao giờ đã không còn được chờ đợi bằng xúc cảm náo nức, tin yêu. Bởi lẽ, trước đó, cả mấy tháng hè, các em đã phải đánh vật trong các lò luyện thi, học thêm những mong vịn vào con chữ mà đứng dậy.

Khái niệm “nghỉ hè” gần như đã không còn tồn tại từ nhiều năm nay mà thay vào đó là… học hè. Thầy cô biết, nhà trường biết, ngành giáo dục biết, phụ huynh đều biết, nhưng tất cả đều “đồng lõa” với học hè, bỏ mặc tiếng ve thảm thiết dưới những tán phượng vĩ rực cháy khát khao tuổi học trò.

Học trước, khai giảng sau, cuộc sống không gì nhàm chán hơn là những “cảm xúc nhân tạo” được dựng lên từ những vở diễn lặp đi lặp lại năm này qua năm khác.

2. Hầu như tất cả các trường học đều trưng lên câu khẩu hiệu “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Nhưng không có bất kỳ ngôi trường nào tìm ra cái thước để đo niềm vui của học trò. Đúng hơn là chính các em đang phải làm vui lòng người lớn bằng cách mang vác những gánh nặng danh hiệu, thành tích trên vai.

Giấy khen hay phần thưởng không phải mục tiêu số 1 trong ngày hôm nay. Vấn đề là học ở trường này, lớp này, thầy này, các em có cảm thấy thích thú hay không. Đừng biến điểm 10 là bông hoa mà hãy dạy các em muốn có được nó phải trải qua cuộc hành trình đầy gai.

Chính vì vậy, mới đây, bức thư của một thầy hiệu trưởng ở Tuyên Quang gửi một học sinh không đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh đã được nhìn nhận như một hiện tượng lạ. Bức thư có đoạn: “điểm số một bài thi học sinh giỏi không nói lên tất cả, đón nhận thành công rất dễ, dũng cảm vượt qua thất bại mới thực sự là thành công, đó là điều thầy cô và người mẹ yêu quý của em mong muốn”.

Vì sao những dòng chữ rất đỗi giản dị, bình thường ấy lại gây xúc động mạnh mẽ đối với cộng đồng? Là bởi từ lâu, người ta đã quen dạy cho học sinh cách chạy đua danh hiệu, thay vì dạy cho các em biết đứng dậy khi vấp ngã.

Bức thư của thầy hiệu trưởng ở Tuyên Quang gây xúc động mạnh đối với cộng đồng

3. Mới đây, người phát ngôn Bộ Giáo dục & Đào tạo, ông Trần Quang Nam cho biết: cơ quan này đang xây dựng dự thảo quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021. Theo đó, cả nước sẽ thống nhất tổ chức khai giảng năm học vào ngày 5/9 như truyền thống lâu nay nhưng các nhà trường sẽ không được dạy học trước ngày khai giảng năm học mới.

Đây rõ ràng không phải là một sáng kiến mới lạ, một tư duy đột phá trong quản lý giáo dục mà thực chất là một cách “sửa sai” sau nhiều năm, học sinh bị “ăn chặn” mùa hè. Điều mà lẽ ra, ngành giáo dục phải làm sớm hơn, để trả lại cho học sinh, đối tượng được xác định là trung tâm được là… trung tâm của cuộc sống.

Bởi vì những điều như thế mà bao nhiêu năm, nền giáo dục ấy vẫn cứ loay hoay đi tìm triết lý dạy chữ hay dạy người mà không chịu thừa nhận một thực tế: nhà trường đang bị biến thành… đấu trường, nơi chứng kiến những cuộc đua hơn là đích đến của chân lý.

Quang Duy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nha-truong-hay-dau-truong-post84813.html