Nhà trường không thể đơn độc bảo vệ học sinh trên môi trường mạng

Khi thực hiện bình dân học vụ số, việc trang bị kiến thức và kỹ năng để học sinh tự bảo vệ mình trên môi trường mạng càng trở nên cần thiết.

Trường THCS Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội) tổ chức phiên tòa giả định nhằm giáo dục học sinh cách ứng xử, phòng chống bạo lực học đường bắt nguồn từ những xích mích trên mạng. Ảnh: NTCC

Trường THCS Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội) tổ chức phiên tòa giả định nhằm giáo dục học sinh cách ứng xử, phòng chống bạo lực học đường bắt nguồn từ những xích mích trên mạng. Ảnh: NTCC

Việc này được các nhà trường quan tâm triển khai, tuy nhiên còn không ít khó khăn.

Quản lý không dễ

Khẳng định chú trọng giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng để học sinh tự bảo vệ mình trên môi trường mạng, cô Trần Thị Thanh Vân - Hiệu trưởng Trường THCS Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Nhà trường đã mời các chuyên gia đến tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn học sinh cách bảo vệ bản thân và phòng tránh các nguy hại có thể mắc phải.

Trường đồng thời tổ chức các chuyên đề cho giáo viên chủ nhiệm về cách thức hướng dẫn, quản lý điện thoại, sử dụng mạng xã hội cho phụ huynh học sinh để cùng phối hợp quản lý, giáo dục, phát hiện ngăn chặn sớm các vụ việc. Tuy nhiên, điều khó giải quyết triệt để là phụ huynh không quản lý và đưa ra được các quy định đối với con em mình. Học sinh còn sử dụng điện thoại, mạng xã hội nhiều, dẫn đến mất tập trung học tập. Chưa kể nguồn gốc nhiều vụ việc xích mích, bạo lực học đường cũng bắt nguồn từ nguyên do này.

“Tôi mong có quy định trẻ em trong độ tuổi nào mới được sử dụng mạng xã hội, để điện thoại của các em chỉ phục vụ các nội dung phù hợp lành mạnh”, cô Trần Thị Thanh Vân chia sẻ.

Cô Hiệu trưởng Đặng Thị Kim Phượng - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang) nhấn mạnh quan điểm việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh để an toàn trên môi trường mạng là nhiệm vụ cấp thiết trong thời đại số.

Nhà trường đã mời chuyên gia an ninh mạng, công an và đơn vị có kinh nghiệm về an toàn thông tin cung cấp kiến thức, cách phòng tránh, xử lý tình huống trong các buổi hội thảo, chuyên đề dưới cờ; tăng cường tích hợp kiến thức về an toàn mạng vào các môn như Tin học, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Hoạt động trải nghiệm nhằm giúp học sinh hiểu rõ về quyền, trách nhiệm và rủi ro khi sử dụng Internet.

Việc cảnh báo, lan tỏa thông điệp về an toàn mạng được nhà trường thông tin qua hệ thống tin nhắn SMS trên VNedu, website của nhà trường, bản tin online và các kênh trực tuyến khác.

Tuy nhiên, theo cô Đặng Thị Kim Phượng, quá trình triển khai, nhà trường gặp những khó khăn nhất định. Theo đó, một số học sinh, phụ huynh chưa thực sự nhận thức đầy đủ về các nguy cơ trên không gian mạng và tầm quan trọng của việc bảo vệ an toàn thông tin trên mạng.

Trường còn thiếu nguồn nhân lực chuyên sâu trong lĩnh vực an toàn mạng; thiếu một số cơ sở hạ tầng công nghệ để hỗ trợ việc giảng dạy, thực hành liên quan tới việc bảo vệ an toàn thông tin trên mạng. Các tài liệu hướng dẫn về an toàn mạng cho lứa tuổi học sinh chưa được chuẩn hóa và thực sự phong phú.

Chia sẻ những khó khăn trong công tác này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang, bà Đào Thị Hường nhắc đến sự phối hợp với gia đình và xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh, nhất là giáo dục các em sử dụng Internet có nơi còn chưa được chặt chẽ. Việc giảng dạy, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh trên Internet diễn ra phổ biến ở các cấp học từ khi dịch Covid-19 diễn ra, phụ huynh bắt buộc phải trang bị điện thoại, máy tính cho học sinh để học tập, do đó, các em dễ dàng tiếp cận Internet.

Mặt khác, năng lực, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, khả năng tiếp cận công nghệ mới ở một số cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế; dẫn tới việc tham gia hướng dẫn, định hướng hoạt động bảo vệ, giáo dục trẻ em trên môi trường mạng còn thấp.

Một số cha mẹ, cán bộ quản lý, giáo viên chưa hiểu biết đầy đủ về các trang mạng xã hội; hoặc chưa biết cách sử dụng mạng xã hội với những tiện ích cho công việc, giải trí lành mạnh nên không định hướng mà chỉ phê phán, cấm đoán. Thực tế, cấm đoán dẫn đến hạn chế khả năng phản vệ của học sinh với thông tin xấu độc trên không gian mạng...

 Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Cần nhiều lực lượng vào cuộc

Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp) đã xây dựng hướng dẫn học sinh cách khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là ứng xử trên môi trường mạng; theo dõi, tổng hợp những vi phạm của học sinh trong trường hoặc nơi khác trong lứa tuổi học đường để các em biết và cảnh giác.

Nhưng do số lượng đông, đa dạng, nên khó để quản lý hiệu quả học sinh trong vấn đề này. Giải pháp của nhà trường, theo thầy Phó Hiệu trưởng Trần Văn Hân, là thường xuyên cung cấp thông tin, đặc biệt cách tự bảo vệ mình và sử dụng mạng đúng mục đích, an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh vai trò tư vấn tâm lý kịp thời để giúp các em giải tỏa những khúc mắc do hoàn cảnh, môi trường sinh hoạt, áp lực học tập…; tạo sự tin tưởng, an tâm nơi học sinh, mới nắm bắt được thông tin để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.

“Nâng cao nhận thức, kỹ năng cần bắt đầu từ những hành động cụ thể”. Nhấn mạnh điều này, cô Đặng Thị Kim Phượng chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai tại Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu. Theo đó, nhà trường chủ động kết nối với các tổ chức giáo dục, công an, doanh nghiệp công nghệ để xây dựng nội dung giảng dạy thực tiễn, phong phú hơn.

Truyền đạt lý thuyết suông về an ninh mạng cho học sinh dễ dẫn đến nhàm chán, không hiệu quả. Kinh nghiệm của nhà trường là áp dụng hình thức học qua tình huống, bài tập thực tế, mô phỏng các rủi ro trên mạng, từ đó giúp học trò hiểu rõ và ghi nhớ cách ứng phó.

Ngoài ra, nhà trường khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, nhóm học tập trực tuyến để có trải nghiệm mạng tích cực. Bên cạnh đó, chú trọng phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và nhà trường để xây dựng thói quen sử dụng mạng xã hội lành mạnh cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ. Nhà trường có thể triển khai các cuộc thi nhỏ về chủ đề an toàn và an ninh mạng để tạo môi trường vừa học vừa chơi, kích thích sự chủ động của học sinh.

Cô Đặng Thị Kim Phượng còn mong muốn có tài liệu, chương trình giáo dục an toàn mạng chuẩn hóa để các trường có thể áp dụng đồng nhất, hiệu quả hơn. Đội ngũ giáo viên được tập huấn, nâng cao kiến thức về công nghệ và an toàn thông tin cũng như các kỹ năng xử lý tình huống liên quan.

Trường được trang bị thêm thiết bị công nghệ hiện đại, phần mềm mô phỏng rủi ro trên mạng để học sinh có thể thực hành trong môi trường an toàn. Các cấp, ngành liên quan phối hợp với cơ quan truyền thông, chính quyền địa phương để nâng cao nhận thức cho cả phụ huynh, học sinh và xã hội về vấn đề này.

“Nhà trường luôn mong muốn sự đồng hành của các cấp lãnh đạo, phụ huynh và xã hội để xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh cho học sinh trong thời đại số”, cô Đặng Thị Kim Phượng bày tỏ.

Rất nhiều mâu thuẫn trong học sinh phát sinh do ứng xử trên môi trường mạng, nhiều nhất là nói xấu, tấn công các bạn khác. Hiện tại có phát sinh thêm các trường hợp tạo nhóm, sau đó mời các bạn có sẵn mâu thuẫn để nhắn tin tấn công. Nhà trường cần xây dựng được quy định chặt chẽ và triển khai, nhắc nhở thường xuyên giúp học sinh có ứng xử phù hợp nhất; cần đa dạng các nguồn thông tin để chủ động ngăn ngừa những vụ việc đáng tiếc và xử lý nhanh, hiệu quả khi có phát sinh liên quan đến môi trường mạng. - Thầy Trần Văn Hân

Nguyễn Nhung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nha-truong-khong-the-don-doc-bao-ve-hoc-sinh-tren-moi-truong-mang-post714677.html