Nhà trường linh hoạt bố trí chuyên môn khi giáo viên đi bồi dưỡng trong năm học
Nhiều trường THCS tại Nghệ An đang linh hoạt bố trí chuyên môn khi giáo viên tham gia bồi dưỡng dạy học môn Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý.
Trước đó, thực hiện Quyết định số 3048 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt chủ trương bồi dưỡng giáo viên môn học mới cấp THCS thuộc Chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT triển khai bồi dưỡng cho giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử - Địa lý.
Cụ thể, toàn tỉnh có 650 giáo viên THCS được cử đi bồi dưỡng, trong đó môn Khoa học tự nhiên là 350 người, và môn Lịch sử - Địa lý là 300 người.
Vất vả bù tiết, dạy chéo
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (DTBT) THCS Thạch Ngàn (huyện Con Cuông, Nghệ An) năm học này được bố trí 2,2 giáo viên/lớp. Với tỷ lệ này, trường đủ giáo viên theo quy định và cao hơn so với mặt bằng chung của huyện Con Cuông. Tuy nhiên, cơ cấu giáo viên trong trường vẫn thiếu cục bộ, nhất là môn Khoa học Tự nhiên hiện chỉ có 3 người phụ trách.
Mới đây, thầy Hoàng Ngọc Lợi (1 trong 3 giáo viên môn Khoa học tự nhiên) được cử bồi dưỡng dạy học tích hợp, nên 2 người còn lại phải gánh toàn bộ công việc của cả khối 6, 7, 8. Một khó khăn khác là trường đang thiếu giáo viên bộ môn Hóa học. Trước đó, thầy Lợi có chuyên môn Hóa – Sinh nên kiêm nhiệm dạy môn Hóa học cho khối 9. Tuy nhiên khi thầy đi tập huấn, nhà trường phải bố trí một giáo viên Toán dạy Hóa học.
Thầy Phạm Văn Hoàng – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Việc tổ chức bồi dưỡng trong thời gian diễn ra năm học chắc chắn sẽ có khó khăn, vất vả cho nhà trường trong sắp xếp, bố trí chuyên môn. Nhất là đối với môn tích hợp hiện có số giáo viên cơ hữu ít.
Thực tế khi đề xuất, Phòng GD&DT huyện cũng giới hạn nhà trường gửi danh sách mỗi môn (Khoa học Tự nhiên và Lịch sử - Địa lý) một giáo viên để Phòng cân nhắc, xem xét điều động. Trong quá trình giáo viên đi tập huấn, nhà trường sẽ bố trí giáo viên khác dạy thay, dạy bù hoặc dạy chéo môn để đảm bảo tiến độ chương trình học”.
Tương tự, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) thời gian này cũng xoay xở bố trí người dạy thay cho cô Lê Thị Tâm được cử đi bồi dưỡng. Cô Tâm trước đây từng được đào tạo chuyên môn Hóa – Sinh nên hiện được phân công dạy môn tích hợp Khoa học Tự nhiên cho lớp 6, 7, 8 và môn Hóa học lớp 9. Việc giáo viên này đi bồi dưỡng trong năm học khiến cho phần việc cô phụ trách, đặc biệt là môn Hóa học khó tìm người thay thế.
Thầy Lâm Nguyên Ngọc – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, khối THCS của trường chỉ có 8 lớp, nên số lượng giáo viên không nhiều mà được bố trí đủ để dạy học và quản lý học sinh bán trú. Về việc giáo viên đi tập huấn môn tích hợp, trước đó nhà trường có đề xuất 2 người cho 2 môn, nhưng Phòng GD&ĐT chỉ cử đi 1 giáo viên môn Khoa học Tự nhiên. "Hiện chúng tôi đang bố trí người có chuyên môn liên quan để dạy thay. Sau khi kết thúc tập huấn trở về, cô Tâm sẽ kiểm tra bài cũ và dạy bù, bổ sung kiến thức nếu học sinh bị thiếu hụt hoặc chưa nắm rõ", thầy Lâm Nguyên Ngọc nói.
Phan Thị Thu Hải – Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Thủy thị xã Cửa Lò (Nghệ An) chia sẻ, trường nằm ở vùng gần trung tâm, nên giáo viên thuận lợi hơn trong việc tham gia bồi dưỡng. Về phía nhà trường đã cử cô giáo Nguyễn Thị Hiệp, giáo viên Vật lý tham gia bồi dưỡng dạy học môn Khoa học Tự nhiên và cô Nguyễn Thị Vỹ tham gia bồi dưỡng dạy học môn Lịch sử - Địa lý.
Cô Hiệp cho hay, sau hơn 1 tuần học, bước đầu thấy nội dung tập huấn sát với yêu cầu thực tế giảng dạy, nhất là những mảng về Hóa – Sinh mà cô đang thiếu. Vừa có bổ sung kiến thức, vừa có kỹ năng phương pháp liên hệ, vận dụng tích hợp để giáo viên có thể dạy toàn bộ bài tích hợp.
Nỗ lực để sớm có đội ngũ dạy toàn bộ môn tích hợp
Theo ông Phạm Viết Phúc – Phó trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn chia sẻ, là huyện miền núi cao, có nhiều xã biên giới nhất tỉnh, nên về phía giáo viên vượt gần 300km xuống TP Vinh tập huấn chắc chắc sẽ có nhiều vất vả. Đối với các nhà trường và ngành giáo dục huyện, mặc dù được ưu tiên đảm bảo đủ giáo viên, nhưng cơ cấu giáo viên trong mỗi trường thừa thiếu cục bộ.
Khó khăn nhất là các trường có số lượng giáo viên 2 môn tích hợp không nhiều. Dẫn đến khi cử giáo viên tham gia tập huấn trong năm học, việc sắp xếp, bố trí chuyên môn đảm bảo chương trình dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý có nhiều khó khăn. Để cân đối, sau khi các nhà trường gửi danh sách đăng ký, đề xuất thì Phòng GD&ĐT nghiên cứu, xem xét và bố trí trung bình mỗi trường chỉ có 1 giáo viên Khoa học tự nhiên hoặc môn Lịch sử - Địa lý đi tập huấn. Mục đích hạn chế tối đa ảnh hưởng đến dạy học.
Các giáo viên chưa đi tập huấn đợt này sẽ hỗ trợ chuyên môn để không ảnh hưởng đến kế hoạch dạy học. Còn về phía giáo viên cử đi tập huấn, ngành cũng đề nghị trong dịp này cần tham gia nghiêm túc, đầy đủ với tinh thần học hỏi, cầu thị cao. Sau đợt tập huấn có thể áp dụng từng bước vào dạy học thực tế và tập huấn đại trà trở lại cho giáo viên của trường.
Trước đó, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có văn bản gửi các Phòng GD&ĐT về việc bồi dưỡng giáo viên dạy môn học Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử và Địa lý bậc THCS.
Trong đó nêu rõ, nội dung, thời lượng bồi dưỡng theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Môn Khoa học Tự nhiên gồm 36 tín chỉ được chia thành 34 ngày học trực tiếp tại TP Vinh và 33,5 ngày học online. Môn Lịch sử - Địa lý gồm 20 tín chỉ chia thành 19 ngày học trực tiếp và 18,5 ngày học online.
Về kinh phí, Sở GD&ĐT Nghệ An chi trả kinh phí tổ chức các lớp bồi dưỡng. Các địa phương, đơn vị có người tham gia bồi dưỡng hỗ trợ giáo viên những nội dung như tiền ăn, chi phí đi lại, lưu trú trong những ngày tập trung tại địa điểm bồi dưỡng trực tiếp.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, kế hoạch ban đầu, chương trình bồi dưỡng dự kiến tổ chức vào dịp hè để thuận tiện cho giáo viên tham gia và nhà trường. Tuy nhiên, đến gần đây mới hoàn thành các hồ sơ, thủ tục theo quy định. Do đó, khi hoàn thành đấu thầu, đơn vị trúng thầu liên hệ với Sở GD&ĐT Nghệ An để phối hợp triển khai bồi dưỡng từ tháng 11/2023.
“Trước đó, Sở GD&ĐT cũng cân nhắc phương án thời gian bồi dưỡng mỗi tuần 3 ngày, thời gian còn lại để giáo viên trở về trường dạy học. Tuy nhiên, giáo viên sẽ mất nhiều thời gian di chuyển, đặc biệt là những người ở huyện vùng cao, biên giới.
Bên cạnh đó, thời gian bồi dưỡng trực tiếp sẽ kéo dài tới tận tháng 3-4 năm 2024. Còn phương án bồi dưỡng liên tục, thì rút ngắn thời gian muộn nhất vào tháng 1/2023 sẽ hoàn thành lớp trực tiếp. Còn lại với lớp online giáo viên có thể chủ động học tại nhà”, ông Nguyễn Tiến Dũng cho hay.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, với phương án này, ngành giáo dục cũng như các nhà trường, giáo viên sẽ có những khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, Sở cũng động viên các nhà trường, giáo viên cố gắng khắc phục để sau đợt bồi dưỡng sớm có đội ngũ hoàn thiện dần việc dạy học môn mới. Cùng với kiến thức, kỹ năng được bồi dưỡng và tự tập huấn, giáo viên có thể dạy được cả môn tích hợp, đáp ứng Chương trình GDPT 2018.