Nhà trường lựa chọn sách giáo khoa là hợp lý
Trong 4 năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) đến nay đã có tới 3 lần thay đổi quyền lựa chọn sách cho giáo viên, nhà trường và UBND tỉnh/TP. Theo các chuyên gia, nhà giáo, thông tư mới của Bộ GD&ĐT trả lại quyền chọn sách cho các nhà trường là hợp lý.
Năm 2021, năm đầu tiên thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, áp dụng việc thay SGK bắt đầu từ lớp 1. Chọn sách được giao cho các nhà trường theo Nghị quyết 88. Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng duy nhất 1 năm học. Ngay năm học tiếp theo, việc chọn sách lớp 2, lớp 6 và lớp 10, Bộ GD&ĐT có thông tư 25 hướng dẫn mỗi tỉnh, TP thành lập một hội đồng gồm 15 người để lựa chọn sách. Các địa phương chọn SGK mới theo quy định này trong vòng 2 năm, đã có nhiều ý kiến cho rằng, quy trình chưa chặt chẽ, các NXB có thể “đi đêm” trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh. Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến về quy định lựa chọn SGK mới và ngay trong năm học 2023-2024, Bộ GD&ĐT một lần nữa phải thay đổi Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK.
Thông tư mới quy định, hiệu trưởng trường phổ thông/giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên quyết định thành lập hội đồng chọn SGK tối thiểu có 11 người. Thành phần hội đồng chọn sách là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu nhà trường hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên bộ môn, đại diện cha mẹ học sinh.
Bà Trần Thị Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông (Hà Nội) nói rằng, trước đây, nhà trường cũng giao cho các tổ, nhóm nghiên cứu SGK mới, sau đó có ý kiến và tổng hợp gửi lên Phòng GD&ĐT để gửi Sở GD&ĐT tập hợp ý kiến. Với quy định mới, hiện nay nhà trường đang giao cho toàn bộ giáo viên nghiên cứu các đầu SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt cho năm học mới. Sau đó đơn vị sẽ thành lập hội đồng lựa chọn SGK. Đối với các lớp 1, 2, 3, 4, các sách phù hợp vẫn tiếp tục sử dụng, sách nào giáo viên cảm thấy hay hơn có thể thay đổi.
Cũng theo ông Nhĩ, trong năm học tới, nên áp dụng phương thức đặt hàng SGK qua kênh trực tuyến về số lượng, đầu sách. Với cách làm đó có thể hạn chế được việc mời chào, tiếp thị sách của các NXB.
Cũng theo bà Hương, trong quyền lựa chọn SGK lần này có phần ý kiến của cha mẹ học sinh cũng rất hợp lý. Khi có bản mềm SGK mới, nhà trường gửi cho thường trực hội cha mẹ học sinh để gửi về các lớp. Thông thường phụ huynh nào quan tâm sẽ có ý kiến. Những năm trước, phụ huynh vẫn tham gia đóng góp ý kiến liên quan các nội dung như ngữ liệu phù hợp hay không. Đó cũng là một kênh để giáo viên, nhà trường tham khảo. Đối với SGK mới, giáo viên chọn sách căn cứ vào nội dung, ngữ liệu nào hay, phù hợp để lựa chọn vì khi kết thúc một năm học, mục tiêu cần đạt giống nhau. “Khi giao quyền chọn SGK cho giáo viên, nhà trường thầy cô sẽ phải có trách nhiệm nghiên cứu kỹ càng, chọn ra đầu sách phù hợp với đối tượng học sinh của mình một cách chủ động”, bà Hương nói.
Ông Hoàng Đức Thuận, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Lâm (Hà Nội) cũng cho rằng, danh mục SGK mới được Bộ GD&ĐT phê duyệt đã đảm bảo chất lượng đáp ứng cho các nhà trường dạy và học. Do đó, trao quyền cho giáo viên nhà trường chọn sách trong danh mục là đúng đắn. Để chuẩn bị việc chọn sách cho năm học sắp tới, nhà trường sẽ chủ động giao cho giáo viên các bộ môn nghiên cứu SGK từ thời điểm này nhằm có thời gian đánh giá, lựa chọn xác đáng. Trong chương trình GDPT mới, chương trình là cốt lõi, SGK là học liệu nên chọn học liệu phù hợp cũng chỉ nhằm đi đến đích cuối cùng là mục tiêu cần đạt.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết, thông tư mới của Bộ GD&ĐT đã quy định rất rõ, quyền chọn sách thuộc về từng trường học. Sắp tới, Sở GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn về thời gian, cách thức lựa chọn để các nhà trường có căn cứ triển khai.
Hiệu trưởng một trường THCS tại Hà Nội cũng cho rằng, giao quyền chọn sách cho các nhà trường sẽ chủ động trong việc lựa chọn đầu sách, đặt hàng in ấn đủ số lượng, tránh được hiện tượng thiếu SGK như những năm học trước. Sở dĩ trước đây, các NXB chờ địa phương tổng hợp đăng ký mua sách xong mới xác định số lượng sách cần in ấn, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận nên phụ huynh, học sinh gặp khó khăn trong việc mua sách tại các hiệu sách.
Ông Nguyễn Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói rằng, ngay từ khi thực hiện chương trình GDPT mới, các chuyên gia, nhà giáo đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về việc nên giao quyền chọn sách mới cho giáo viên. Bởi vì chỉ có giáo viên trực tiếp dạy học mới hiểu cần dạy sách nào hay, phù hợp. Nhưng, trong 4 năm thực hiện chương trình mới, ngành giáo dục loay hoay thay đổi đối tượng chọn sách lên đến 3 lần, gây xáo trộn cho các cơ sở giáo dục.
Ông tin rằng, trả quyền chọn sách cho các nhà trường là hợp lý nên sẽ phù hợp khi triển khai. “Khi trao quyền chọn sách cho các nhà trường, cũng có ý kiến đặt ra là các NXB sẽ tác động đến từng hiệu trưởng để cạnh tranh không lành mạnh nhưng tôi cho rằng, với số lượng trường học lớn, có sự giám sát của giáo viên sẽ khó hơn trước đây. Hiệu trưởng nào lạm quyền, quyết định việc chọn sách cũng có thể khiến chiếc ghế của mình lung lay”, ông Nhĩ nói.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nha-truong-lua-chon-sach-giao-khoa-la-hop-ly-post1603904.tpo