Nhà trường mong 'bắt tay' với doanh nghiệp
PGS-TS Trần Lê Quan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP HCM, mong muốn có thêm nhiều hợp tác, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp để quá trình đào tạo sinh viên, nghiên cứu khoa học hiệu quả hơn.
Chiều 28-10, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên phối hợp cùng với Ban đại diện cộng đồng cựu sinh viên tổ chức diễn đàn "Khoa học - doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo" lần I năm 2023 (FIIS) thu hút hơn 1.000 người tham dự.
Phát biểu tại diễn đàn, PGS-TS Trần Lê Quan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, cho biết nhà trường nhận thấy việc phát triển và gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo luôn là nhu cầu rất cần thiết. Trong giai đoạn tự chủ ĐH, nhà trường mong muốn có thêm nhiều hợp tác, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp để quá trình đào tạo sinh viên, nghiên cứu khoa học hiệu quả hơn.
Là người có nhiều kinh nghiệm hợp tác nghiên cứu với doanh nghiệp, TS Đinh Bá Tiến, Trưởng khoa Khoa Công nghệ Thông tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, chỉ ra những lỗ hổng trong hợp tác nghiên cứu khoa học. Theo đó, những dự án nghiên cứu ở trường ĐH thường bị đứt quãng, người nghiên cứu chỉ tập trung nghiên cứu chuyên sâu mà quên mất tính áp dụng thực tế.
"Với những dự án tiềm năng, doanh nghiệp luôn muốn đầu tư phát triển lâu dài, lấy thực tế làm cốt lõi. Nếu trường học và doanh nghiệp cùng kết hợp sẽ rút ngắn thời gian nghiên cứu và ứng dụng" - TS Tiến nhận định.
Hiện tại, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tập trung 5 loại hình nghiên cứu chính bao gồm: Nghiên cứu cơ bản; nghiên cứu ứng dụng; nghiên cứu phát triển công nghệ; nghiên cứu phục vụ cộng đồng; nghiên cứu theo đặt hàng.
TS Đinh Bá Tiến đề xuất phương án hợp tác: Phía nhà trường xây dựng mô hình về khung hợp tác, tạo sự linh hoạt cho nhà nghiên cứu khi hợp tác, vấn đề tài chính cần hướng đến lâu dài. Phía doanh nghiệp cần tăng cường trao đổi và hiểu hơn về đặc thù của trường, hỗ trợ các mô hình hợp tác phù hợp.
Là đơn vị tài trợ học bổng cho sinh viên Khoa Hóa học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ông Mang Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Hóa Việt, cho rằng: "Doanh nghiệp như cánh tay nối dài của nhà trường. Mục đích cuối cùng của nghiên cứu khoa học là mang lại lợi ích cho xã hội. Với những nghiên cứu khoa học tiềm năng, doanh nghiệp sẽ kết hợp hoàn thiện để rút ngắn thời gian".
Diễn đàn đã bàn luận nhiều chủ đề về đào tạo nguồn nhân lực cao trong các lĩnh vực, ngành nghề tiềm năng, như "Hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và thương mại hóa lĩnh vực vi mạch bán dẫn", "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ trường đại học, các chính sách hỗ trợ của Thành phố"…
Các doanh nghiệp đánh giá FIIS có ý nghĩa thiết thực, không chỉ nhằm hiện thực hóa và cụ thể hơn quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp mà còn mở ra những cơ hội quảng bá thương hiệu, gia tăng giá trị thông qua việc tiếp cận các hướng nghiên cứu, sản phẩm khoa học – công nghệ mới của trường, các sản phẩm chủ lực của các doanh nghiệp và mạng lưới đối tác tiềm năng.