Nhà trường, nhà giáo và nghề dạy học trong bối cảnh chuyển đổi số
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số đã làm thay đổi nhiều mặt của đời sống xã hội, phương thức làm việc và tương tác của mỗi người. Trong đó, sứ mệnh và vai trò của nhà trường, nhà giáo và nghề dạy học có sự thay đổi mạnh mẽ, khi tri thức và người học vận động với tốc độ nhanh. Vai trò của người thầy có sự dịch chuyển từ chỗ chủ yếu trao truyền kiến thức, sang góp phần quản lý hành vi xã hội và tình cảm của người học, là người truyền cảm hứng, phương pháp tự học trong môi trường số hóa, đồng thời là cố vấn thông thái để giúp người học tự rèn luyện để trở thành công dân tốt. Và, nghề dạy học cũng được định vị với những góc nhìn toàn diện hơn.
Các đặc điểm lớn của mô hình nhà trường thành công trong kỷ nguyên mới được nhận định gồm: sự linh hoạt, sự thích ứng, tính xuyên thấu, sự sáng tạo và tính tự cải tiến. Trường học cần có khả năng tự cải tiến, “tự tiến hóa”, không phụ thuộc nhiều vào những lực lượng hay những lực cản bên ngoài, khiến nhà trường không thể triển khai những phương pháp giáo dục tốt nhất. Người học và nhà giáo thường xuyên dành thời gian để phản tư, họ cảm thấy thoải mái với những thay đổi liên tục và học cách tránh sự trì trệ.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, nhà giáo không những đóng vai trò quyết định trong định hướng tư vấn hoạt động học, mà quan trọng hơn là góp phần hình thành và phát triển nhân cách của người học. Qua hoạt động dạy học, nhà giáo tham gia giáo dục những phẩm chất tốt đẹp của người lao động cho người học. Nhà giáo đảm nhận nhiều chức năng hơn so với trước, có trách nhiệm lớn hơn trong việc lựa chọn nội dung dạy học và giáo dục. Nhà giáo “dịch chuyển mạnh” từ chỗ truyền thụ kiến thức sang tổ chức việc học của người học, sử dụng đến mức tối đa nguồn tri thức trong xã hội, nguồn thông tin và công cụ, phương tiện dạy học hiện đại.
Trong hệ sinh thái mới của thời đại, nhà giáo cần những kỹ năng như sự thích ứng, sự tự tin về nghề nghiệp và học hỏi không ngừng, năng lực giao tiếp và làm việc nhóm, năng lực tưởng tượng và năng lực “tự thư giãn”, lãnh đạo và sắp xếp, tổ chức, cải tiến, đổi mới và cam kết, quản lý hình ảnh cá nhân trên không gian mạng, ảnh hưởng và thuyết phục, hiểu biết về công nghệ, truyền cảm hứng và lan tỏa. Nhà giáo biết cách truyền cảm hứng cho người học có tư duy phản biện, sáng tạo, thích ứng, linh hoạt và đam mê để người học biết giải quyết vấn đề, tự nhận xét và dẫn dắt bản thân. Nhà giáo góp phần kiến tạo, trao truyền và giới thiệu cho người học những công cụ để thành công không chỉ trong trường học mà quan trọng là trong chính cuộc sống thường ngày.
“Một cánh cửa nhà trường mở ra, một nhà tù đóng lại” (Victor Hugo). Mô hình nhà trường trong bối cảnh chuyển đổi số là mô hình giáo dục thông minh, có sự liên kết chặt chẽ giữa “nhà trường - nhà quản lý - nhà giáo - người học - gia đình” với nhau, đưa tiến bộ công nghệ thông tin vào trường học để nâng cao hiệu quả giáo dục, giúp việc dạy và học diễn ra mọi lúc mọi nơi với sự tiện ích, hiệu quả và phù hợp nhất. Nhà giáo cũng đảm nhận thêm vai trò mới và có thêm sứ mệnh mới trong bối cảnh chuyển đổi số.
Từ thực tiễn, nhiều nhà giáo dục cho rằng, “kiến tạo và khai phóng trong giáo dục” là điều rất cần thiết hiện nay và trong giai đoạn tiếp theo. Kiến tạo là sự chủ động thiết kế, tạo dựng môi trường giáo dục tích cực theo tinh thần đổi mới, sáng tạo và tiên phong; chú trọng hình thành kiến thức, kỹ năng cho người học thông qua sự chủ động trải nghiệm, người dạy đảm nhận vai trò định hướng và truyền cảm hứng; cùng nhau tạo ra kiến thức mới và giá trị mới, hướng đến mục tiêu trở thành trường học hạnh phúc. Và, khai phóng mang ý nghĩa khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng con người.