Nhà trường- phụ huynh - học sinh tiếp tục phối hợp chặt chẽ khi học trực tiếp
Các trường học thuộc 18 huyện, thị xã thuộc ngoại thành Hà Nội đang khẩn trương thực hiện những phần việc quan trọng cho ngày mở cửa đón học sinh trở lại. Theo ban giám hiệu các nhà trường, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch và thực hiện các nhiệm vụ dạy- học trong giai đoạn này đặc biệt cần đến sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh và học sinh.
Mong phụ huynh đồng hành
Tiêu chí đánh giá an toàn trường học là vấn đề đang được các đơn vị chức năng kiểm tra, xem xét, đánh giá trước khi đưa ra quyết định cho phép trường học đủ điều kiện mở cửa đón học sinh hay không. Hướng dẫn liên ngành GD&ĐT- Y tế đã nêu rất rõ cách thức, yêu cầu thực hiện khi học sinh trở lại trường; đồng thời cụ thể hóa bằng 16 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trường học. Trên cơ sở hướng dẫn liên ngành, UBND TP Hà Nội đã thống nhất thành 7 nguyên tắc thực hiện, trong đó nguyên tắc 4, nguyên tắc 5 cần sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh và học sinh. Cụ thể, học sinh hạn chế tiếp xúc với người ngoài gia đình; có bản cam kết của phụ huynh học sinh về “một cung đường, 2 điểm đến”, phụ huynh đảm bảo tiêm mũi 1 vaccine đạt trên 90%, học sinh tự mang nước uống cá nhân.
“Trường chuẩn bị họp hội đồng giáo viên để phổ biến về kế hoạch cho học sinh khối 5 quay trở lại học trực tiếp và phân công nhiệm vụ cho các tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên phụ trách từng phần việc. Vài ngày tới, nếu trường đạt tiêu chí an toàn, Ban giám hiệu nhà trường sẽ tổ chức họp phụ huynh trực tuyến nhằm mục đích phổ biến, thông qua các tiêu chí an toàn trường học để phụ huynh nắm được cơ bản các nội dung. Tiếp đến, nhà trường thông qua các nhiệm vụ cần thực hiện trước khi học sinh đến trường, đề cập đến những yêu cầu với học sinh như chuẩn bị nước uống từ nhà; không tiếp xúc với người ngoài gia đình; cam kết phối hợp cùng nhà trường để đảm bảo học sinh “đi đến nơi, về đến chốn”- cô Nguyễn Thị Hiền Lương, Hiệu trường trường Tiểu học Vân Canh, huyện Hoài Đức cho biết.
Được biết, trường Tiểu học Vân Canh, huyện Hoài Đức có 6 lớp 5 với 255 học sinh. Khi đến trường, các học sinh được sắp xếp chỗ ngồi hợp lý, đảm bảo giãn cách. Khi tan học, trường cũng bố trí phòng chờ và có chỉ dẫn để các con ra về an toàn, trật tự. Học sinh lớp 5 đa phần đã tự đi, tự về nên việc học 1 buổi/ngày hoàn toàn không gây bất tiện hay bị động cho phụ huynh.
Quan tâm hỗ trợ tâm lý học sinh
Khi học sinh được đến trường học trực tiếp, ngoài việc tích cực tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh thì với tất cả các cấp học, vấn đề hỗ trợ tâm lý học sinh cũng đặc biệt được quan tâm. Sau thời gian dài học online, không gặp gỡ, giao lưu trực tiếp với thấy cô, bạn bè nên nhiều em bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý; do đó, khi trở lại trường, ngoài ôn tập, bổ trợ kiến thức cho cho học sinh, việc nhận diện biểu hiện tâm lý bất thường (nếu có) của học sinh được Ban giám hiệu các nhà trường quán triệt với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn; từ đó có hình thức quan tâm, hỏi thăm phù hợp cùng hướng giải quyết tích cực cho các em.
Hiệu trưởng trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn Nguyễn Thị Tươi cho hay, chỉ tính khối 10 và 12, trường đã có gần 1.200 học sinh đến trường ngày 8/11 nếu được phép. Các kế hoạch, phương án của nhà trường đã được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để đảm bảo điều kiện an toàn và học tập tốt cho giáo viên, học sinh. Với học sinh THPT- độ tuổi rất nhạy cảm về tâm lý nên phòng “Tư vấn tâm lý học đường” của trường sẽ được kích hoạt trở lại ngay. Hàng ngày, Ban giám hiệu và 3 cô giáo phụ trách sẽ phân công lịch trực để tiếp nhận, lắng nghe, thấu hiểu, giải quyết những vấn đề về tâm lý (nếu có) của các em.
“Trường dành một phòng “cân bằng cảm xúc” cho giáo viên, học sinh trước khi vào lớp. Tại đây, giáo viên, đặc biệt là học sinh có thể qua để “check-in cảm xúc” của mình. Ngoài phương tiện (đàn, giá vẽ, giấy màu…)- góc riêng để giải tỏa cảm xúc, phòng còn có các cô giáo giàu chuyên môn, kinh nghiệm và tâm huyết phụ trách sẽ là cầu nối sẻ chia, làm cân bằng cảm xúc cho các em”- cô Vũ Thị Lan Anh- Hiệu trưởng trường THCS Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm chia sẻ.
Hiện các trường học ngoại thành đang hoàn tất các công đoạn, phần việc cuối cùng để đảm bảo môi trường sư phạm xanh- sạch- đẹp- an toàn và chờ chỉ đạo của phòng GD&ĐT cùng các đơn vị cấp trên với tinh thần phấn khởi, sẵn sàng chào đón học sinh trở lại.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, tư vấn tâm lý cho học sinh là vấn đề quan trọng để giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể xảy ra, góp phần xây dựng môi trường trường học an toàn, thân thiện. Việc tư vấn tâm lý cho các em cần quan tâm cả đến giáo dục kỹ năng sống, nhằm tăng ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử, hoàn thiện nhân cách cho các em… Những khó khăn, khủng hoảng tâm lý của học sinh trong bối cảnh Covid-19 đòi hỏi nhà trường phải có đội ngũ cán bộ giáo viên có kiến thức sâu về tâm lý, tư vấn tâm lý học đường, đặc biệt đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, đội ngũ cán bộ Đoàn Đội…