Nhà trường và doanh nghiệp cùng 'bắt tay' đào tạo nghề

Học nghề Cắt gọt kim loại tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung.Ảnh: THÚY HẰNG

Đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp nhằm tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, sự liên kết này được kỳ vọng sẽ đem lại những bứt phá mới trong giáo dục nghề nghiệp.

Hợp tác cùng có lợi

Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung vừa khai giảng lớp đào tạo nghề Cắt gọt kim loại cấp độ quốc tế theo chương trình thí điểm chuyển giao từ Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức. Đây là một trong 45 trường trong cả nước được Viện Tiểu thủ công nghiệp và kỹ năng nghề Leipzig (HWK Leipzig), CHLB Đức chứng nhận đảm bảo các yêu cầu, điều kiện để triển khai đào tạo nghề theo đúng tiêu chuẩn của Đức.

Trong thời gian 3,5 năm tham gia khóa học, 16 sinh viên của lớp học này sẽ được học đầy đủ các nhóm kiến thức và kỹ năng của một kỹ sư cắt gọt kim loại theo tiêu chuẩn Đức, với thời gian học tại trường là 30%, tại doanh nghiệp 70%.

Doanh nghiệp là đơn vị sử dụng người lao động có tay nghề cao thì chính họ sẽ là người tham gia sâu nhất vào quá trình đào tạo nghề đó. Vì vậy, nhà trường và doanh nghiệp cần phải có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả nhất nhằm xây dựng, phát triển mối gắn kết bền vững này.

Để chủ động cho việc sinh viên học tập tại doanh nghiệp, ngay tại lễ khai giảng, TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng nhà trường và ông Nguyễn Tấn Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vina Nha Trang - đại diện các doanh nghiệp, ký biên bản hợp tác đào tạo tại doanh nghiệp nghề Cắt gọt kim loại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên khi thực hành.

Thực hiện hiệu quả việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, từ công tác tuyển sinh, đào tạo, thực tập đào tạo, thực hành sản xuất, đến tuyển dụng và sử dụng lao động... được kỳ vọng sẽ đem lại sự đột phá mới trong công tác đào tạo nghề.

Ông Nguyễn Tấn Huy chia sẻ: “Doanh nghiệp và nhà trường ký kết hợp tác đào tạo không chỉ mang lại cơ hội cho sinh viên tiếp cận nhiều việc làm, mà phía doanh nghiệp cũng có được nhân lực đảm bảo cho hoạt động sản xuất và giảm chi phí đào tạo. Và hơn hết, sự hợp tác này chắc chắn sẽ tránh được tình trạng đào tạo tràn lan dẫn đến “vênh” nhu cầu của thị trường lao động”.

Còn sinh viên Nguyễn Ngọc Nguyên Vũ đang theo học lớp Cắt gọt kim loại theo tiêu chuẩn Đức, nói: “Khi sinh viên được thực hành tại doanh nghiệp đồng nghĩa với việc các em được rèn luyện và tiếp cận với môi trường sản xuất kinh doanh, qua đó có thể trau dồi nghề nghiệp tốt hơn”.

Từ thực tế đó, TS Trần Kim Quyên khẳng định mô hình đào tạo theo chương trình thí điểm chuyển giao từ CHLB Đức có thể áp dụng hiệu quả tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu tất yếu của việc đào tạo người lao động vừa có chuyên môn vừa có kỹ năng. Đây là bước ngoặt lớn thay đổi tư duy, giúp người học không phải học lý thuyết hàn lâm, khô khan thiếu sáng tạo.

Giải pháp đột phá

Để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động ngày càng nhiều biến động trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, mối gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là hết sức quan trọng, bảo đảm hài hòa lợi ích ba bên: Nhà trường - sinh viên - doanh nghiệp. Tất cả các trường dạy nghề đều có nhu cầu hợp tác với doanh nghiệp và phần lớn các doanh nghiệp cũng có nhu cầu quay ngược lại hợp tác với nhà trường, vì đây là hợp tác cùng có lợi, chứ không phải là hợp tác theo kiểu hô hào khẩu hiệu.

Các trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, cao đẳng Nghề Phú Yên, để đón đầu xu thế đổi mới, những năm gần đây, đều xây dựng quan hệ hợp tác với nhiều doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên thực hành, thực tập. Sinh viên các trường khi tham gia thực tập tại doanh nghiệp đều được hỗ trợ chi phí đi lại, ăn, ở và thù lao theo ngày công. Cùng với đó, các trường cũng thường xuyên mời doanh nghiệp tham gia xây dựng, thẩm định chương trình đào tạo để chương trình, giáo trình đào tạo được cập nhật, sát thực tế và ngày càng hoàn thiện hơn.

Theo quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2012-2020, hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ đào tạo khoảng 88% số nhân lực qua đào tạo của nền kinh tế quốc dân. Theo ông Nguyễn Phất, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, việc kết nối với doanh nghiệp, đào tạo gắn với doanh nghiệp là một trong những giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Để đáp ứng tốt nhu cầu về nhân lực có chất lượng cao, đòi hỏi các cơ sở đào tạo nghề cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/231218/nha-truong-va-doanh-nghiep-cung--bat-tay--dao-tao-nghe.html