Nhà tù Hỏa Lò - nơi tôi rèn ý chí cách mạng
Nhà tù Hỏa Lò (phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được thực dân Pháp xây dựng năm 1896, đặt tên là 'Maison centrale', tức Đề lao trung ương, được đánh giá là nhà tù kiên cố bậc nhất Đông Dương lúc ấy, từng là nơi diễn ra những cuộc tra tấn dã man về cả thể xác và tinh thần đối với các chiến sĩ cách mạng. Song, chính nơi đây cũng đã tôi rèn và nuôi dưỡng ý chí cách mạng sáng ngời của nhiều chiến sĩ cộng sản.
Nhà tù Hỏa Lò ngày nay không chỉ là nơi lưu giữ ký ức một thời hào hùng, mà còn là nơi đánh thức niềm tự hào dân tộc, tinh thần cách mạng vượt khó của giới trẻ.
“Thép tôi” ở Hỏa Lò
Nhà tù Hỏa Lò là nơi thực dân Pháp thực hiện mưu đồ trấn áp những người đối kháng. Vì vậy, nhà tù này được xây dựng với quy mô lớn và kiên cố bậc nhất Đông Dương. Theo thiết kế, bao quanh nhà tù là một bức tường kiên cố bằng đá cao 4m, dày 0,5m, trên có mảnh chai và dây điện cao thế để ngăn tù nhân vượt ngục. Dưới chân tường phía trong là hè rộng 3m để lính gác đi tuần tra. Bốn góc có bốn tháp canh, có khả năng quan sát toàn bộ phía trong và phía ngoài nhà tù. Nơi đây được trang bị công cụ tối tân dùng để thực hiện các hình phạt nặng nề với tù nhân, đặc biệt các chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Tại đây, nhà cầm quyền thực dân thiết lập chế độ sinh hoạt hà khắc, dùng mọi thủ đoạn tra tấn, đánh đập dã man khiến nhiều nhà cách mạng hy sinh.
Thế nhưng, ý chí cách mạng và tinh thần yêu nước thì không thể khuất phục. Các chiến sĩ cách mạng đã biến nhà tù thành trường học, nơi tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng. Tù nhân yêu nước ở Nhà tù Hỏa Lò không ngừng đấu tranh. Ông Đặng Văn Biểu, Phó Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò chia sẻ: Không phải tự nhiên có cụm từ “biến nhà tù thành trường học”. Tại chính nơi này, các chiến sĩ cộng sản đã truyền nhau tư liệu cách mạng quý giá qua những bài thơ trên lá bàng, tư liệu giấu trong thân bàng hay thậm chí trong thùng phân. Có những người chưa hẳn đã vững tâm với lý tưởng cách mạng, nhưng khi đến đây họ được giác ngộ bởi chính những người đồng đội của mình. Họ học hỏi lẫn nhau về tư tưởng, phẩm chất cách mạng, những bài học kinh nghiệm phục vụ cách mạng. Nhiều lớp học văn hóa được tổ chức, chia theo nhiều trình độ và hoạt động theo nhóm từ 10 người đến 15 người, do các đảng viên cốt cán phụ trách. Giáo trình đơn sơ và phương châm “người biết chữ dạy người không biết chữ, người biết chữ nhiều dạy người biết chữ ít” được ứng dụng cho tất cả các lớp học. Đồ dùng học tập được các tù nhân tự sáng tạo như giấy viết là lá bàng; bút viết là cành bàng; phấn viết là gạch non, than củi...
Đặc biệt, tài liệu chính trị do các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn... nhớ và biên soạn lại cũng được lưu truyền và trao đổi rộng rãi. Tài liệu được viết bằng nước cơm trên các trang kinh thánh, dùng bút chì viết lên vỏ bao thuốc... Tất cả đều được cất giữ hết sức cẩn thận. Các đồng chí thường giấu tài liệu dưới nền nhà, cho vào ống bơ rồi đặt trong thùng vệ sinh hay giấu trong thân cây bàng...
Đỉnh cao của cuộc đấu tranh đó là những cuộc vượt ngục bằng phép “thăng thiên” (trèo tường) hoặc “độn thổ” (chui cống) để trở về với dân, với Đảng. Ngày 11-3-1945, cuộc “thăng thiên” do đồng chí Trần Đăng Ninh chỉ huy đã thành công, như phát súng hiệu, dù không giải thoát được nhiều tù nhân nhưng có tác dụng động viên mọi người tiếp tục vượt ngục. Sau khi quan sát, nắm bắt tình hình, ngày 12-3-1945 diễn ra cuộc vượt ngục tiếp theo với hình thức “độn thổ” theo cửa cống ngầm trước sân trại J - được tổ chức và lãnh đạo bởi đồng chí Trần Tử Bình. Đây là cuộc vượt ngục “chấn động lịch sử” với hơn 100 tù chính trị được giải thoát, trong đó có những chiến sĩ cách mạng nổi tiếng như Trần Tử Bình, Đỗ Mười, Trần Đăng Ninh...
Khơi dậy, bồi đắp tinh thần cách mạng
Nhà tù Hỏa Lò ngày nay không chỉ là nơi lưu giữ ký ức, để “người xưa” ôn lại kỷ niệm, nhìn lại một thời hào hùng, mà còn là nơi đánh thức niềm tự hào dân tộc, tinh thần cách mạng vượt khó của giới trẻ.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh (53 tuổi), một du khách từ Nha Trang đã đưa con trai đến thăm Nhà tù Hỏa Lò với mong muốn giúp con hiểu hơn về lịch sử dân tộc. Bà Oanh cho biết, thế hệ của bà ít nhiều đã trải qua chiến tranh, nhưng thế hệ trẻ chỉ biết điều đó qua sách vở, vì thế không cảm nhận hết được những ngày kháng chiến gian khổ. Việc để con được tận mắt nhìn thấy những hiện vật, nghe thuyết minh và hòa mình vào từng cung bậc cảm xúc sẽ giúp con có cái nhìn gần gũi hơn với lịch sử.
Ngoài những vị khách cao tuổi như bà Oanh, nhiều bạn trẻ thể hiện rõ ý thức tìm hiểu lịch sử dân tộc. Giữa rất nhiều địa điểm vui chơi ở Hà Nội, Nguyễn Ngọc Sang (16 tuổi, Thái Bình), lựa chọn Nhà tù Hỏa Lò là điểm tham quan. Sang chia sẻ: “Trước đây, em đã tìm hiểu về Nhà tù Hỏa Lò thông qua tài liệu trên mạng. Đến đây, được xem trực tiếp hiện vật và đọc tài liệu, em cảm nhận sâu sắc hơn về quá khứ hào hùng của dân tộc, những mất mát, hy sinh mà cha ông ta đã trải qua để cho chúng ta nền độc lập như ngày nay”.
Phạm Gia Khánh (20 tuổi, Hà Nội) đã đưa cháu của mình đến tham quan và kể cho cháu nghe câu chuyện lịch sử tại Nhà tù Hỏa Lò thông qua tư liệu, hiện vật. Khánh chia sẻ: “Em thường hay dẫn cháu đến bảo tàng, di tích lịch sử, văn hóa với mong muốn cháu mình được tiếp cận với lịch sử hào hùng của dân tộc ngay từ khi còn nhỏ. Em không muốn sau này lớn lên cháu sẽ quên mất lịch sử hay chỉ hiểu và học một cách qua loa”.
Chứng kiến những vị khách trẻ tuổi đến tham quan Nhà tù Hỏa Lò, ông Đặng Văn Biểu không khỏi xúc động: “Nhìn sự “trẻ hóa” của từng đoàn khách đến đây, tôi cảm thấy tự hào và xúc động. Tự hào vì Nhà tù Hỏa Lò đã làm sống dậy những trang ký ức đáng tự hào trong lòng các bạn trẻ, và xúc động bởi các bạn “nặng lòng” với lịch sử dân tộc. Đó là thành công, không chỉ của phía quản lý di tích mà là thành công của tất cả chúng ta”.
Chia sẻ thêm về chương trình trải nghiệm di tích Nhà tù Hỏa Lò mang tên: “Đêm thiêng liêng - sáng ngời tinh thần Việt” mới diễn ra ngày 24-7 vừa qua, ông Biểu cho biết: Khi tới đây vào ban đêm, du khách không bị tác động bởi tiếng ồn bên ngoài. Giọng thuyết minh cùng hệ thống ánh sáng và một số hoạt cảnh được dựng lại sẽ lột tả một cách chân thật câu chuyện lịch sử. Chính vì thế, tour ban đêm không chỉ đẩy cảm xúc của du khách lên đến đỉnh điểm mà còn lưu lại nhiều khoảnh khắc, đánh dấu sự thành công của việc đưa lịch sử đến gần hơn với thế hệ trẻ.
Có thể nói, dù ở bất cứ thời điểm nào, Nhà tù Hỏa Lò vẫn là nơi đong đầy cảm xúc lịch sử. Đó là nơi nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc cho các lớp thế hệ trẻ.