Nhà văn... bình thơ!

Nhà văn ấy là Nhất Linh, chủ súy nhóm Tự lực văn đoàn và nhà thơ là nữ sĩ Anh Thơ. Chuyện 'nhà văn... bình thơ!' cách đây đã trên 80 năm.

Nhà văn Nhất Linh

Nhà văn Nhất Linh

Anh Thơ tên thật là Vương Kiều Ân, sinh năm 1919 trên đất Ninh Giang (Hải Dương) trong một gia đình có cha là một tú tài Nho học. Từ nhỏ, bà đã có năng khiếu làm thơ, từng in trên các báo Hà Nội và báo Ngày Nay của nhóm Tự lực văn đoàn. Mặc dù bị cha ngăn cấm, nữ sĩ vẫn lén lút sáng tác, viết được tập thơ Bức tranh quê, gồm 30 bài, với những ý thơ hồn nhiên, mộc mạc. Anh Thơ đem dự thi và trúng giải Văn chương Tự lực văn đoàn năm 1939.

Trong hồi ký “Từ bến sông Thương ", nhà thơ kể lại rằng, cuộc trao giải vào buổi tối, tại tòa báo số 80 phố Quán Thánh (Hà Nội). Hôm ấy, Anh Thơ mặc áo lụa tím, cổ đeo kiềng vàng lên phát biểu, trống ngực thi sĩ đập thình thịch, đầy cảm xúc.

Nhà thơ Anh Thơ

Nhà thơ Anh Thơ

Điều đáng nói là tập thơ của Anh Thơ lại được nhà văn Nhất Linh phẩm bình rất sâu sắc. Nhất Linh khen Anh Thơ có tài nhận xét cảnh vật trong phiên chợ mùa hè: "Chó lè lưỡi ngồi thừ nhìn cũi đóng/ Lợn trói nằm hồng hộc thở căng dây".

Và cảnh mùa thu rất sinh động: "Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác/ Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay".

Anh Thơ tả cảnh mưa rất sống: "Tre lả lướt nghiêng đầu cho nước gội/ Cau thẳng mình dang lá đón mưa rơi/ Đồng chìm xuống bông lúa vàng rũ rượi/ Ao dềnh lên bè rau muống xanh tươi…".

Nhà văn Nhất Linh nhận xét về hạn chế của thi sĩ quá tinh tế rằng Anh Thơ thiếu một cái rất cần với thi sĩ. Thơ cô tả cái gì thì chỉ có cái ấy thôi, không gợi được cho người đọc cái mông lung. Một câu thơ không phải chỉ là cái định tả trong thơ mà còn có cả một thế giới khác không có liên can gì đến câu thơ. Đọc thơ mỗi người lại cảm thấy khác nhau… Cái tiếng vang ở cảnh núi, nó làm ta nghĩ đến cái rộng rãi của không gian, mà thơ cô Anh Thơ thiếu hẳn tiếng vang đó. Tiếng vang thơ đó một phần tại thơ cô rõ ràng minh bạch quá. Chữ dùng quá ư mộc mạc. Chung quanh thơ cô không có chút mây mù bao phủ, để dấu giếm một chút huyền bí, người đọc chỉ đoán thấy chứ không nhìn rõ…

Thế mới biết văn chương cũng tương ngộ tương phùng! Người làm thơ hay mà người phẩm bình cũng sâu sắc tinh tế.

KHÚC THIÊN GIANG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nha-van-binh-tho-370787.html