Nhà văn Chu Lai tha thiết với đề tài người lính trong văn chương - Bài 2: Tài hoa khắc họa chân dung người lính

Ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, các nhà văn vào chiến trường rất sớm. Nhà văn Nguyễn Thi (bút danh Nguyễn Ngọc Tấn) năm 1962 nằng nặc xin vào chiến trường miền Nam. Ông đi bộ một mạch xuyên Trường Sơn đến Tây Nguyên dừng lại, chia tay với đồng nghiệp bằng một câu nói biểu tượng: 'Chúng ta chỉ trở ra Bắc bằng con đường số 1 khi đã thống nhất đất nước. Nếu không nhất định sẽ không quay ra'.

Có nhà văn đi bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đó là nhà văn Văn Phác với bí danh Tám Trần vào làm Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân Giải phóng miền Nam. Ông căn dặn các nhà văn ở chiến trường: “Đang lúc chiến tranh, các nhà văn hãy viết ngắn. Mọi tư liệu đến hòa bình chúng ta sẽ viết. Viết ngắn! Nhưng vốn sống phải dài”.

Khi làm người lính đặc công hoạt động nơi vùng ven Sài Gòn những năm chiến tranh chống Mỹ, nhà văn Chu Lai rất thấm thía những câu nói của lớp nhà văn đàn anh như vậy.

1. Những trận đánh ác liệt mà Chu Lai trực tiếp tham gia đã cho ông không chỉ kinh nghiệm sống mà còn là sự trưởng thành vượt bậc, nhất là điểm tựa rộng lớn để ông khắc họa hình tượng người lính sau này. Đó cũng là khởi thủy của gắn bó máu thịt đến hết đời của Chu Lai với văn chương về đề tài người chiến sĩ và chiến tranh cách mạng. Nền tảng đó đã cho ông viết một mạch các tiểu thuyết lừng danh về chiến tranh, đó là: “Nắng đồng bằng” (1978); “Đêm tháng hai” (1979); “Gió không thổi từ biển” (1984); “Sông xa” (1986); “Vòng tròn bội bạc” (1987); “Bãi bờ hoang lạnh” (1990); “Ăn mày dĩ vãng” (1991); “Phố” (1993); “Ba lần và một lần” (1999); “Cuộc đời dài lắm” (2001); “Khúc bi tráng cuối cùng” (2004); “Chỉ còn một lần” (2006); “Hùng Caro” (2010); “Mưa đỏ” (2016)... đã cho thấy một Chu Lai-một tượng đài trong văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.

Nhà văn Chu Lai (đứng thứ 6, từ trái sang) nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết "Mưa đỏ". Ảnh: TUẤN LINH

Nhà văn Chu Lai (đứng thứ 6, từ trái sang) nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết "Mưa đỏ". Ảnh: TUẤN LINH

Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong các tác phẩm của Chu Lai rất đa dạng, phong phú, sâu sắc và có phần gai góc. Văn chương là để phục vụ con người. Người chiến sĩ trong chiến tranh luôn phải bộc lộ tới tầng bản chất. Chiến tranh không dành cho những sự nửa vời. Các nhân vật trong tiểu thuyết của Chu Lai đều luôn bộc lộ tính cách đến tận cùng, kể cả sự tráo trở, hèn nhát cũng đều có căn nguyên sâu xa của nó. Chu Lai dường như không chỉ hiểu đến tận cùng mà ông còn dám viết ra đến tận cùng những tha hóa, biến chất của con người trong và sau chiến tranh. Các tiểu thuyết của ông đều là những tiểu thuyết kép. Chúng rất giàu tính kịch và nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành kịch sân khấu. Chúng rất giàu tính điện ảnh và chính ông đã chuyển thể chúng thành những bộ phim lớn về chiến tranh, như: “Ăn mày dĩ vãng”; “Phố”; “Khúc bi tráng cuối cùng”... và tiểu thuyết “Mưa đỏ” đang được Điện ảnh Quân đội nhân dân khởi quay với sự đóng góp tâm huyết của chính tác giả Chu Lai.

Từ những thế mạnh trong văn chương của ông, hình tượng người chiến sĩ-Bộ đội Cụ Hồ đã hiện hình trung thực và sâu đậm trên các loại hình nghệ thuật để từ đó ăn sâu bám rễ trong đời sống văn hóa tinh thần của người chiến sĩ và nhân dân. Chu Lai là nhà văn có công rất lớn khi thể hiện xuất sắc hình tượng người chiến sĩ trong chiến tranh và cả thời kỳ hậu chiến. Điều này có lẽ trong đội ngũ các nhà văn Quân đội thời kỳ chống Mỹ và sau dấu mốc Đổi mới 1986, Chu Lai là một trong những người xuất sắc nhất.

2. Cách thức xông vào vùng đất khó-đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng của Chu Lai hết sức tự nhiên. Ông có cái nhìn rất tinh về những điểm nhấn trong chiến tranh, nhất là gương mặt người phụ nữ trong chiến tranh và thời kỳ hậu chiến. Tôi còn nhớ như in, một hôm, sau khi tôi phỏng vấn Đại tá, nhà văn Vũ Thị Hồng-vợ Chu Lai, ông đã nói với tôi rành rọt: “Khai ơi! Chú có một đề tài mà truyền hình nên sớm vào cuộc. Đó là các nữ chiến sĩ lái xe tải quân sự Trường Sơn sau chiến tranh trở về đời thường đang gặp muôn vàn khó khăn. Chúng ta phải phản ánh họ lên truyền hình bằng một cuộc giao lưu để mọi người không chỉ thấy công tích mà phải thấy được rằng chiến tranh là khốc liệt đến mức những người phụ nữ đã nhập cuộc, đã hy sinh, đã trở về mà còn chưa hết tội tình. Có nhiều chị bị nhiễm chất độc da cam, không thể sinh con. Có cháu ra đời không lành lặn. Đó chính là tội ác chiến tranh. Chúng ta hãy làm một điều gì đó nhanh lên. Các chị đều đã già rồi”.

Tôi lặng người trước câu nói của ông. Trong thời bình hôm nay, nhiều khi chúng ta đã quá hồn nhiên đến vô tâm để dễ quên đi những vết thương từ chiến tranh. Nếu điều đó cứ diễn ra, chúng ta sẽ bị vỡ những khu vực về văn hóa, về đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Mà những khu vực đó bị vỡ hổng sẽ vô cùng nguy hại. Chúng ta đã hy sinh máu xương khủng khiếp trong chiến tranh để có được nền hòa bình mà chúng ta quên đi ơn nghĩa, không biết tri ân, không biết chia sẻ với những nỗi đau ở xung quanh mình cũng là có tội.

Tôi lập tức lên đường bằng xe máy đi các tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương để tìm các chị nhân chứng là những nữ lái xe tải quân sự Trường Sơn để thực hiện kịch bản văn học cho cuộc giao lưu “Nữ chiến sĩ lái xe tải quân sự Trường Sơn ngày ấy-bây giờ”. Tôi đi đến đâu cũng được các chị tiếp đón rất xúc động. Tôi còn nhớ như in cuộc gặp chị Nguyễn Thị Phàn ở Thái Bình. Người chị gầy sắt lại chỉ hơn 30kg. Chị ứa nước mắt bảo: “Ngày trước, các chị ở chiến trường đều gầy nhỏ như vậy. Vô-lăng các xe tải đều nặng như cùm. Các chị phải đệm chăn chiếu mới với được tới vô-lăng mà vẫn vượt qua bao bom đạn. Máy bay đuổi theo sát sạt trên đầu. Bom nổ trùm lên cả xe mà hàng vẫn đêm ngày chuyển ra tiền tuyến. Những vòng vô-lăng khói lửa ấy đêm nào cũng hiện hình trong giấc mơ của các chị”.

Trong cuộc giao lưu, tôi đã mời chính nhà văn Chu Lai dẫn chương trình. Ông đắn đo rất lâu rồi quyết định nhận lời. Và cũng chỉ có ông ngồi giữa các chị trong một chương trình truyền hình đặc biệt nói về chiến tranh, cả sự tàn khốc của nó, cả sự lãng mạn của nó mới đạt đến chiều sâu lay động trái tim người. Chương trình đó đầy ắp kỷ niệm máu thịt nhất của không chỉ các nữ lái xe tải quân sự Trường Sơn mà nhiều thế hệ cảm thông và chia sẻ, đồng hành, nhập cuộc, để chúng ta có sự tri ân đúng đắn với máu xương, công sức của những người đã bước vào và bước ra từ khói lửa chiến tranh.

3. Các tác phẩm đậm đặc nhất và ở đó hình tượng người chiến sĩ được hiện ra góc cạnh nhất, trung thực nhất và cũng con người nhất phải kể đến, như: “Ăn mày dĩ vãng”; “Ba lần và một lần”; "Cuộc đời dài lắm”; “Khúc bi tráng cuối cùng”; “Út Teng”... và nhất là “Mưa đỏ”. Ở các tác phẩm kể trên, người chiến sĩ không chỉ giáp mặt quân thù nơi chiến trận mà còn phải vượt qua chính số phận, có chỗ là những bước ngoặt sinh tử ở thời bình. Chu Lai dường như có một biệt tài về tả tâm lý lính tráng trước những bước ngoặt của cuộc đời, những éo le của số phận, những thử thách ghê gớm và nghiệt ngã nhất mà người lính phải vượt qua. Người lính trong tác phẩm của Chu Lai luôn nổi hằn lên từ vẻ bên ngoài tới nội tâm bên trong, luôn rất cá tính, rất “chịu chơi”.

Đó là nhân vật Vũ Hà Nguyên trong “Cuộc đời dài lắm”. Sau chiến tranh, Vũ Hà Nguyên nhận chức giám đốc một công ty cao su đang đà sa sút. Những khó khăn, phức tạp của kinh tế thị trường ập vào rất nhanh. Những cám dỗ và mưu mô ập đến rất nhanh. Một người lính chỉ biết sống đẹp, sống thẳng, yêu ghét rõ ràng như Vũ Hà Nguyên sẽ đối diện ra sao với những ganh ghét và hãm hại của nhiều người xấu? Nhất là mối tình của anh với Hà Thương vừa lung linh vừa gay cấn trong tiểu thuyết đã làm cho vẻ đẹp của người lính trên thương trận bộc lộ đầy đủ nhất.

Đó là nhân vật Sáu Nguyện-một người lính quân báo trong tác phẩm “Ba lần và một lần” đã thể hiện rõ chất lính chiến được bộc lộ đến tận cùng trong cuộc sống xô bồ thời mở cửa. Ở bước ngoặt mới, Sáu Nguyện đã thể hiện phẩm chất và bản lĩnh của mình, đơn thương độc mã tuyên chiến đến cùng với những người đại diện cho hình thế kinh tế biến tướng thời mở cửa. Đã có những đớn đau. Đã có những trả giá và ngòi bút già dặn của Chu Lai đã thể hiện rất xuất sắc. Sáu Nguyện là một trong những nhân vật nổi trội nhất trong hệ thống nhân vật của Chu Lai.

Viết về chiến tranh, tạo dựng tượng đài người chiến sĩ là biệt tài của nhà văn Chu Lai thì đến “Mưa đỏ”, ông dường như đã ở đỉnh cao của một ngòi bút thiện chiến. Cuộc chiến thành cổ Quảng Trị nổi tiếng qua “Mưa đỏ” đã thể hiện sự toàn diện nhất, khốc liệt nhất, trung thực nhất, đau thương nhất và cũng nhân văn đến tận cùng. Cái giá của chiến thắng, cái giá của hòa bình đã là như vậy đó. Chỉ có ngòi bút Chu Lai ở thời điểm đỉnh cao mới dẫn dắt bạn đọc đi đến tận cùng cảm xúc, nhất là những hy sinh máu xương vô bờ bến của chiến sĩ ta, nhân dân ta.

Nhà văn Chu Lai, trong tất cả các trang văn của ông, cái chất hào hoa của người ở Thủ đô từ tấm bé, luôn phảng phất như ngọn gió mùa thu thổi mãi. Những trang lẫm liệt nhất, bi tráng nhất thì cái chất hào hoa ấy càng tỏa ngát hương thơm. Chu Lai luôn nhất quán trong giọng văn, từ trang viết đầu tiên cách đây gần nửa thế kỷ đến hôm nay. Ông viết bút ký hay truyện ngắn cũng đều một chất hào hoa, ngang tàng mà trầm bổng loang thấm đến tim óc người đọc. Ông phát biểu cũng vậy. Ông trả lời phỏng vấn cũng vậy. Đều là một Chu Lai mạnh mẽ, phóng khoáng, trầm bổng, sâu sắc và thanh thoát.

(còn nữa)

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/nha-van-chu-lai-tha-thiet-voi-de-tai-nguoi-linh-trong-van-chuong-bai-2-tai-hoa-khac-hoa-chan-dung-nguoi-linh-787248