Nhà văn Chu Lai tha thiết với đề tài người lính trong văn chương: Bài 3: Đồng hành với người viết trẻ (Tiếp theo và hết)

Càng vào sinh ra tử, cống hiến toàn bộ trí tuệ và sức lực cho cộng đồng, vì những trang văn dựng xây tượng đài người chiến sĩ của nhà văn Chu Lai càng có những cảm nhận đặc biệt, vừa cảm thấy mất mát đến tận cùng vừa bâng khuâng khó tả. Nhưng cuộc sống vẫn diễn ra, chúng ta càng phải tiến về phía trước một cách đường hoàng hơn, mạnh mẽ hơn.

1. Có khi không mấy người biết nhà văn Chu Lai vốn xuất thân khá danh gia vọng tộc. Chu Lai có tên khai sinh là Chu Văn Lai. Ông sinh ngày 5-2-1946, tại xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ông là thứ chín trong mười người con trong nhà. Mẹ ông là con gái quan Án sát tỉnh Hưng Yên. Bà rất giỏi tiếng Pháp, từng học ở trường thuốc và luôn là tâm điểm theo đuổi của các anh tài. Thân sinh nhà văn Chu Lai là nhà viết kịch Học Phi cũng là con một gia đình giàu có ở tỉnh Hưng Yên. Khi chàng thanh niên Học Phi hoạt động cách mạng, bị bắt năm 16 tuổi, cô tiểu thư con ngài Án sát theo cha xử án thấy người tù trẻ đẹp, lại đỗ tú tài nên cảm mến ngay từ cái nhìn đầu tiên. Quan Án sát đã tha cho đương sự vì khi đó Học Phi mới 16 tuổi, chỉ phải chịu sự quản thúc ở quê. Thấy chàng trai ăn mặc phong phanh trên đường đê đang trong mùa đông rét đậm, cô tiểu thư đã chạy theo dúi cho chiếc áo bông trước sự ngỡ ngàng của chàng trai. Rồi cô tiểu thư cũng tham gia hoạt động cách mạng và bị bắt vào nhà tù cùng với chàng trai trẻ Học Phi. Cùng chí hướng, hai trái tim ngày càng chung một nhịp đập. Khi ra tù, họ thành vợ thành chồng cũng là lẽ tự nhiên.

Nhà văn Chu Lai thường lặng đi mỗi khi chúng tôi nhắc về mẹ ông-Bà mẹ Việt Nam anh hùng có hai con là liệt sĩ. Đó là liệt sĩ Chu Viết Tử hy sinh trong đoàn quân Nam tiến thời chống Pháp mà trước khi mẹ nhắm mắt, nhà văn Chu Lai đã phải lặn lội vào tận nơi anh ruột hy sinh mang về nắm đất để cho mẹ yên lòng. Liệt sĩ thứ hai cũng là anh ruột-liệt sĩ Chu Minh An hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Mỗi người con hy sinh, người mẹ đều như đứt từng khúc ruột. Nhưng chiến tranh là như vậy. Và chính từ những đau đớn tột cùng ấy, đã góp phần hình thành nên tính cách và bản lĩnh của nhà văn Chu Lai.

 Nhà văn Chu Lai và vợ là nhà văn Vũ Thị Hồng (ngoài cùng bên phải) giao lưu với công chúng. Ảnh: HOÀNG HOÀNG

Nhà văn Chu Lai và vợ là nhà văn Vũ Thị Hồng (ngoài cùng bên phải) giao lưu với công chúng. Ảnh: HOÀNG HOÀNG

Tôi từng làm phim về cụ thân sinh Chu Lai-lão nhà văn Học Phi và thấy rằng văn chương của cụ, nhất là mảng kịch rất bề thế. Những dãy nhãn xù xì, vòm lá xanh rêu nơi xứ Đông đã không chỉ hun đúc trí tuệ và khí phách của những người con cách mạng mà còn lần lượt gieo những mầm xanh vạm vỡ đi vào khắp các ngả chiến trường. Khi lão nhà văn Học Phi nhắc đến hai người con là liệt sĩ, tôi thấy mắt vị lão trượng tuổi ngót 100 khi ấy ri rỉ nước.

Tôi vẫn luôn cho rằng, để làm nên những trang văn đậm đặc về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, góp phần xây dựng nên tượng đài chiến sĩ trong văn học, mỗi nhà văn trong đội ngũ nhà văn Quân đội, trong đó có Chu Lai đã xác định từ những dòng chữ đầu tiên, trang văn đầu tiên là hướng tới người chiến sĩ, nhân dân và Tổ quốc. Để có được sự xúc động và lay động từ những trang văn, người cầm bút luôn biết trân trọng máu xương của người đã khuất. Gia đình tôi cũng có hai người chú liệt sĩ là Phùng Văn Hữu và Phùng Văn Huy trong chiến tranh chống Mỹ nên tôi rất hiểu nỗi đau mất mát không thể nói hết bằng lời. Khi thực hiện Chương trình “Nhắn tìm đồng đội”, nước mắt tôi đã nhòa mặt giấy khi biên tập và phát sóng tìm người thân của mình trong trùng trùng bia mộ khuyết danh.

Là nhà văn cả đời viết về chiến tranh và người chiến sĩ, Chu Lai rất hiểu đó là cung đường rất dài không dễ dàng đến đích. Chu Lai từng có cách định nghĩa về chiến tranh khiến người đọc phải giật mình: “Chiến tranh là ngày nào cũng chôn nhau nhưng chưa đến lượt chôn mình”. Nhưng Chu Lai cũng bảo, nếu chiến tranh chỉ là sự trần trụi đơn thuần thì người lính sẽ chết vì trầm cảm trước khi trúng đạn bom. Chiến tranh càng không phải là một ngày hội nên nhà văn phải viết về chiến tranh như chính nó. Ông lý giải: “Chiến tranh là một đề tài càng đào sâu càng màu mỡ, càng khai thác càng phì nhiêu, càng lùi ra xa thì trầm tích của chiến tranh càng dội về mãnh liệt. Có một điều hết sức diệu kỳ là chiến tranh không là cái gì nếu không có một nền tình yêu đằng sau được nổi lên ở những trang viết về tình yêu trận mạc, luận về anh hùng”.

Còn đây là Chu Lai luận về anh hùng: “Anh hùng là người sợ chết nhất nhưng vượt qua được cái sợ chết sẽ là anh hùng. Cũng bởi lẽ, những người lính gan dạ nhất cũng có những lúc yếu đuối mượn một trận pháo để tự thương, tự sát, để được về Hà Nội nhìn thấy mẹ, thấy cha một lần. Nhưng sau đó, hơi ấm của đồng đội, hơi ấm của vùng đất, hơi ấm của những người bà con trong ấp chiến lược tạo nên trong họ một khí phách. Khí phách ấy do ngọn gió nghìn năm lịch sử thổi thốc tháo sau lưng và tạo nên lòng tự trọng vô cùng trong mỗi người lính”.

Chu Lai luôn là như vậy.

2. Bàn về chiến tranh cách mạng và cả thời thế hôm nay, nhà văn Chu Lai còn rất “hot” trên truyền hình trong các kỳ cuộc kỷ niệm, nhất là những dịp Tết Nguyên đán nếu có ông góp mặt. Mâm cỗ truyền hình có Chu Lai bỗng sinh động và sang trọng hẳn lên. Chất giọng Chu Lai vốn sang sảng như chuông mà gương mặt biểu cảm mọi sắc độ cũng chẳng thua gì cánh diễn viên gạo cội. Có những điều người khác nói dễ bị suy diễn là chệch hướng, thậm chí là phản động, song nếu là Chu Lai nói những điều đó, câu chuyện lại hoàn toàn khác. Chu Lai luôn biết cách “đi dây” hết sức tài tình bằng trái tim nóng ấm chân thành và trí tuệ sâu sắc vì cái chung, vì nghĩa lớn. Đó cũng là bản lĩnh Chu Lai.

Thế hệ lứa nhà văn chống Mỹ, trong đó có nhà văn Chu Lai dường như đã hoàn thành trọng trách của mình. Những tên tuổi như Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Bảo và Chu Lai với Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 đã và đang đi trọn cuộc đời mình với văn chương và người chiến sĩ. Văn chương và người chiến sĩ đã tượng hình lên các nhà văn cũng chính là vẻ đẹp nhất của cuộc sống trong thời đại Hồ Chí Minh.

Nhà văn Chu Lai trong sáng tác luôn sầm sập như mưa dông chớp giật, song cuộc sống đời thường ông hết sức thong dong. Tôi chưa thấy ông bận bịu điều gì ngoài văn chương chữ nghĩa. Cũng thuộc hạng tay chơi cái gì cũng biết, tháng ngày rong ruổi khắp các cung đường, tự tay ôm vô-lăng ở độ tuổi U.80 khiến đám nhà văn trẻ chúng tôi nhiều lúc thấy ngượng ngùng. Chu Lai lái xe cũng sành điệu và bát ngát lắm. Cao hứng lên, ngài còn giảng giải cách ôm cua lên dốc, đổ đèo, nhất là khi có mấy cô gái xinh xinh ngồi cạnh, Chu Lai càng bốc tợn. Những giai thoại về nhà văn râu ria bặm trợn e rằng phải kể ra ở một cuộc khác.

Chu Lai sớm thành danh nhưng ông cũng rất biết văn chương là vô cùng tận mà tuyệt nhiên không sa vào những tranh cãi, xếp hạng viển vông. Đó cũng là đặc tính của lính trận đánh nhau chí chết xong, tạm nghỉ chơi đẹp rồi lại vào trận đánh tới cùng, tan trận lại nghỉ rong chơi. Đó cũng là đặc tính của những nhà văn đã tự biết mình, đạt đạo trong trường văn trận bút.

3. Đối với cánh nhà văn trẻ, Chu Lai luôn có cách thức rất đàn anh của mình. Chân thành. Trọng thị tài năng. Luôn biết khích lệ những người phía sau vượt qua những giới hạn của mình và tuyệt nhiên không dạy nghề, càng không lên tiếng nhiều về nghề nghiệp. Thành ra, chúng tôi sống với những đỉnh núi như Lê Lựu, Chu Lai mà cứ cảm thấy mình trong ngôi chùa quen thuộc lắm lúc coi ông bụt cũng thường thôi. Cơ mà chúng tôi cũng lập tức hiểu ra rằng thế hệ các ông không chỉ đóng góp máu xương mà còn vắt óc mình ra, nói như Chu Lai là múc óc mình ra để góp phần tạo nên những giá trị tinh thần, những hình tượng cao đẹp về con người, trong đó có người lính với nhân dân, Tổ quốc.

Thế hệ chúng tôi, lứa nhà văn trưởng thành sau dấu mốc đổi mới 1986 luôn hết sức tự hào và cảm thấy sức ép không hề nhỏ từ thế hệ nhà văn đi trước. Viết về bộ đội hôm nay ra sao để không hổ thẹn với các lứa nhà văn đi trước và nhất là phải viết như thế nào về người chiến sĩ hôm nay? Trong thời bình, sức lực, trí tuệ và cả máu của người chiến sĩ vẫn đổ xuống vì cuộc sống bình yên, vì sự phát triển vững vàng của đất nước trong những diễn biến, những chuyển động không ngừng của thời cuộc toàn cầu. Từ những nền tảng lớn ấy, từ vị thế của đất nước và trọng trách của người chiến sĩ với nhân dân, với Tổ quốc, những nhà văn mặc áo lính chúng tôi hôm nay phải sống và viết ra sao? Những câu hỏi lớn ấy luôn dội vào chúng tôi, đặt lên vai nhiệm vụ và phải bước những bước vững vàng tiếp bước lứa cha anh, vững ngòi bút, vững niềm tin xây dựng và tô thắm tượng đài chiến sĩ. Trọng trách và niềm tin được đặt ra. Những người như nhà văn Chu Lai-một tượng đài nhà văn-chiến sĩ luôn như ngọn đèn hải đăng dẫn đường và đồng hành với thế hệ chúng tôi trong đời sống và nghiệp bút.

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/nha-van-chu-lai-tha-thiet-voi-de-tai-nguoi-linh-trong-van-chuong-bai-3-dong-hanh-voi-nguoi-viet-tre-tiep-theo-va-het-787381