Nhà văn Đặng Vương Hưng giao lưu tại Hội sách trực tuyến quốc gia

Nhà văn Đặng Vương Hưng sẽ chia sẻ về hành trình 16 năm để ra mắt được bộ sách 'Nhật ký thời chiến Việt Nam'.

Trong khuôn khổ Hội sách trực tuyến quốc gia 2020, 10h ngày 6/6 trên trang book365.vn, đại tá, cựu chiến binh, nhà văn Đặng Vương Hưng sẽ giao lưu cùng độc giả để chia sẻ về "Hành trình 16 năm bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam".

Nhà văn Đặng Vương Hưng tác giả ý tưởng của nhiều dự án văn hóa, trực tiếp tổ chức nhiều Cuộc vận động lớn: Sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến (2008 – 2010) của Bộ Quốc phòng; Sưu tầm và Tuyên truyền những kỷ vật lịch sử CAND (2012 – 2015) của Bộ Công an… hay Công trình Tủ sách Chuyện đời tôi dành cho các mảnh đời bất hạnh tâm sự và cả những phạm nhân đang thi hành án viết tự truyện...

 Đại tá, cựu chiến binh, nhà văn Đặng Vương Hưng.

Đại tá, cựu chiến binh, nhà văn Đặng Vương Hưng.

Sau tuyển tập Những lá thư thời chiến Việt Nam (2015), ông và các cộng sự vừa trải qua hành trình 16 năm, để cho ra mắt bộ sách đồ sộ Nhật ký thời chiến Việt Nam (4 tập, mỗi tập dày hơn 1000 trang khổ lớn)…

Tại buổi tọa đàm, bạn không chỉ được trò chuyện trực tiếp với nhà văn Đặng Vương Hưng - chủ biên bộ sách nêu trên mà được giao lưu với nhiều vị khách mời: Cụ Doãn Ngọc Trâm (96 tuổi, mẹ của anh hùng, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm); PGS-TS, nhà văn Lê Thị Bích Hồng; cựu chiến binh Trương Công Đạo; Đại tá, cựu chiến binh, nhà báo Ngô Văn Học; Thạc sĩ Sử học, nhà giáo Trần Trung Hiếu...

Bộ sách gồm có 4 tập, với mỗi tập dày hơn 1000 trang của 30 tác giả.

Bộ sách gồm có 4 tập, với mỗi tập dày hơn 1000 trang của 30 tác giả.

Bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam - qua những trang nhật ký sinh động, cụ thể từng ngày, tháng của các tác giả, bạn đọc có thể hình dung cuộc sống, chiến đấu vô cùng ác liệt, thiếu thốn ở chiến trường trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Họ là những người con của Tổ quốc trong những ngày đạn bom và máu lửa, với những nỗi niềm chung vì hòa bình, hạnh phúc của nhân dân, đất nước và cả những nỗi niềm riêng tư của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cảnh.

Cũng qua bộ sách, bạn đọc có thể hình dung phần nào cảnh sống, sinh hoạt của những người dân khu Bốn - vùng tuyến lửa - nói riêng và miền Bắc nói chung trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ...

Bộ sách được Trung tướng, Tiến sĩ Khoa học Quân sự, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng (nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp; nguyên Tư lệnh Quân khu 4), Chủ tịch Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” đánh giá như sau: "Đây là công trình, có giá trị cao về nội dung tư tưởng, mang thông điệp về cái đẹp và mang tính nhân văn sâu sắc. Có thể xem bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam như một tượng đài Di sản phi vật thể, mà các anh hùng - liệt sĩ, các cựu chiến binh đã để lại dấu ấn của tâm hồn mình cho thế hệ sau".

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng Thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á-Phi) khẳng định: “Bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam mang một giá trị lớn lao mà ngay lúc này chúng ta cũng chưa thể nhận ra hết giá trị của những trang nhật ký ấy. Nhiều năm sau chiến tranh Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu chiến tranh của Mỹ đã khẳng định: phát hiện lớn nhất của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là phát hiện ra nền văn hóa Việt Nam”.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/sach/nha-van-dang-vuong-hung-giao-luu-tai-hoi-sach-truc-tuyen-quoc-gia-2020-645911.html