Nhà Văn hóa Hữu Ngọc: Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện vẫn hiện đại

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cố gắng sử dụng những từ và khái niệm thuộc văn hóa truyền thống của ta để lồng vào những khái niệm tâm lý học phương Tây. Như vậy, người Việt Nam không bỡ ngỡ, hiểu nhanh và sâu.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện

Từ Paris, ông Nguyễn Tấn Lộc, giáo sư tâm lý trị liệu cho biết: sau cuộc hội thảo Pháp – Việt về tâm lý trị liệu lần thứ nhất ở TP. Hồ Chí Minh (tháng 7/2006), cuộc hội thảo lần thứ hai sẽ được tổ chức tại Hà Nội đúng một năm sau, vào tháng 7/2007, đề tài thảo luận là Văn hóa đối mặt với toàn cầu hóa: mất linh hồn hay có sức tái sinh? Ông Nguyễn đặt câu hỏi "Làm thế nào có thể áp dụng tâm lý trị liệu vào một nước Việt Nam đã từng bị những vết thương trên lãnh thổ và những đau xót trong tâm hồn cộng đồng?... Làm thế nào để sự chăm sóc tâm hồn vốn gắn với cá thể có thể nhập vào khuôn khổ một nền văn hóa thấm nhuần Khổng học, đặt ưu tiên vào gia đình và trật tự xã hội?". Ông Nguyễn tự trả lời: "Trên thực tế, nếu phải vượt qua điều kiện hóa nền văn hóa, cũng có thể dựa vào tâm hồn cộng đồng của văn hóa và thiên nhiên để bồi dưỡng cho tâm hồn cá thể của mình".

Tôi cũng vừa nhận được từ Paris gửi đến một bài luận văn của bà Marie Eve Hoffet – Gachelin, nhà tâm bệnh học, cũng nêu những vấn đề ấy, nhưng hướng về trẻ em Việt Nam: “Từ vài năm nay, những vấn đề tâm lý trẻ em đã thực sự là mối quan tâm ở Việt Nam. Có những bệnh trước đây chưa có đã xuất hiện: tự khép mình, hoạt động thái quá, rối loạn ăn uống... Nhưng cũng có cả những vấn đề của thiếu niên: nghiện hút, muốn tự sát, lên cơn động kinh... Đến mức nhiều hiệp hội của Pháp (hoặc nước khác) được mời đến đào tạo chữa bệnh tâm thần trẻ em. Vấn đề được đặt ra là có thể nào đưa thẳng vào Việt Nam những phương thức Pháp hay Tây phương, hay không cần tính đến sự khác biệt về văn hóa, tức là sự gặp nhau của văn hóa truyền thống với toàn cầu hóa các mối giao lưu, công nghệ hiện đại, sự phát triển của các phương tiện thông tin, cái có thể mệnh danh là văn hóa hiện đại”.

Như vậy là những ý tưởng của M.E.Hoffet - Gachelin và Nguyễn Tấn Lộc đã gặp nhau trong cùng một hệ thống vấn đề.

Tên bài của M.E.Hoffet - Gachelin là "Tính chất hiện đại của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện". Theo tác giả, muốn giải quyết trong tâm lý trị liệu các vấn đề tiếp biến văn hóa, mối quan hệ truyền thống và hiện đại, không gì bằng tham khảo những công trình có tính chất khai phá của Nguyễn Khắc Viện (1913-1997), bác sĩ nhi khoa, nhà tâm lý học, nhà văn được giải thưởng lớn Pháp ngữ của Viện hàn lâm Pháp, người sáng lập tổ chức N.T. nghiên cứu về tâm lý trẻ em Việt Nam.

Nguyễn Khắc Viện biết là nói chung, người Việt Nam chưa có ý thức về sự cần thiết của tâm lý học và môn tâm lý trị liệu, cho đó là một sự “xa hoa” đối với trẻ em. Quả thực, đất nước ta chưa ra khỏi tình trạng chậm tiến, còn phải đối phó với những vấn đề cấp bách hơn nhiều: trẻ em suy dinh dưỡng, những bệnh truyền nhiễm, thiếu bệnh viện, bệnh viện trẻ em thì chật cứng, thiếu bác sĩ nhi khoa. Nhưng ông cho là khoa nghiên cứu tâm lý trị liệu là một sự xa hoa cần thiết. Nguyễn Khắc Viện nhận xét: “Không một xã hội nào có thể tiến bộ nếu không có vài hoạt động xa hoa thúc đẩy tư duy và những cố gắng”. Mà đây lại là xa hoa cần thiết: bệnh và rối loạn tâm thần trẻ em có thể phá hoại giống nòi không kém gì bệnh thể xác. Nếu giờ ta bí quá, chưa chữa được đại trà như ở các nước phát triển thì cũng phải chuẩn bị ngay con người, phương tiện, bộ máy cho khoa học tâm lý trị liệu trẻ em có thể hoạt động trong vài thập kỷ nữa khi đất nước khấm khá lên. Và Nguyễn Khắc Viện đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em N.T, bước đầu là gây ý thức về tâm lý trị liệu trẻ em cho các bác sĩ, y tá, nhà báo, cán bộ chính trị, nêu vấn đề, tạo công cụ (soạn tài liệu, từ điển, dịch sách chuyên môn nước ngoài), lập một số điểm khám chữa bệnh về rối loạn tâm lý trẻ em. Nguyễn Khắc Viện chủ trì việc biên soạn cuốn Từ điển tâm lý đầu tiên bằng tiếng Việt, một công trình điển hình cho phương pháp Nguyễn Khắc Viện-tiếp biến văn hóa Đông Tây. Ông cố gắng sử dụng những từ và khái niệm thuộc văn hóa truyền thống của ta (dân gian, Phật, Khổng, Lão học) để lồng vào những khái niệm tâm lý học phương Tây. Như vậy, người Việt Nam không bỡ ngỡ, hiểu nhanh và sâu.

Tôi nghĩ đến cách làm của cụ Hồ Chí Minh, sử dụng những từ Khổng học như trung, hiếu, cần, kiệm, liêm, chính nhưng đưa vào nội dung cách mạng và hiện đại.

Làm thế nào thực hành được tâm lý trị liệu ở một nước Việt Nam đang biến chuyển nhanh và mạnh sau Cách mạng 1945 và 30 năm chiến tranh, với di sản văn hóa truyền thống phải đối đầu với toàn cầu hóa?

Bà M.E Hoffet - Gachelin cho là phải trở lại với Nguyễn Khắc Viện, với những công trình và thực hành của ông: “Ông đã đi sâu phân tích xã hội Việt Nam, đề ra một chương trình nghiên cứu để thấu hiểu thực tế thể nghiệm của gia đình, đã đưa ra những biện pháp ta cần phát triển thêm, và vạch ra lộ trình theo ý chúng tôi hiện nay, hoàn toàn có giá trị!”.

HỮU NGỌC

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-bac-si-nguyen-khac-vien-van-hien-dai-95478.html