Nhà văn hóa Hữu Ngọc bàn về văn hóa xe máy ở Hà Nội

Xe máy trở thành dụng cụ gắn bó các thành viên gia đình, kéo rộng gia đình từ nhà ra phố phường thành thị. Tính cộng đồng còn thể hiện ở chỗ cả một dòng dày đặc xe máy, có khi đi ngược chiều, mà ai cũng để ý để khỏi đâm nhau, để ý để khỏi chẹt phải người đi bộ vượt ngang. Vô tổ chức mà theo một trật tự tự phát!

Bị cấm đường, người dân leo lên vỉa hè đường Lê Văn Lương đi ngược chiều. (Ảnh: Ngọc Thành)

Nhà sử học Pháp F.Braudel đã đưa ra một khái niệm sâu sắc về “văn minh vật chất”. Trong lĩnh vực này, giao thông có một vị trí quan trọng, “văn hóa giao thông” thể hiện rõ nét trình độ văn minh và tâm lý xã hội của một dân tộc vào một thời điểm lịch sử.

Không lạ gì khi nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp Đức Marus Steffen làm việc ở Hong Kong lại tha thiết làm một cuốn sách ảnh về xe máy ở Hà Nội, vì ông cho là hiện nay, “văn hóa xe máy” ở Việt Nam độc đáo, “có một không hai” trên thế giới (unique motorcycle culture).

Braudel nhận định, trên thế giới, giao thông đường bộ tiến rất chậm. Hà Nội hiện đại hóa từ thời Pháp chiếm đóng cũng trong tình trạng ấy. Từ năm 1884 đến giữa thập niên 1920, đi bộ là chính. Ngoài ngựa, chỉ có kiệu cho nhà quyền quý, võng cho mọi tầng lớp từ thường dân đi xa, khiêng người ốm, người già. Người Pháp đưa vào một số xe song mã. Xe kéo (xe tay người kéo) gốc Nhật Bản được nhập cư vào năm 1884. Xe ôtô xuất hiện vào đầu thập niên 1890. Tiếp đó đến những xe buýt chở hàng và khách, chủ yếu phục vụ liên tỉnh. Tàu điện bắt đầu chạy năm 1902.

Giai đoạn từ giữa 1920 - 1954, giao thông Hà Nội đã hiện đại hóa một bước dài, bỏ kiệu và cáng. Bộ mặt Hà Nội thay đổi theo hướng tây hóa về kinh tế và xã hội, tạo thành một giai cấp tư sản-tiểu tư sản bên cạnh giai cấp công nhân. Cách mạng tháng Tám 1945 giải phóng đất nước, nhưng Hà Nội lại bị chiếm đóng từ cuối 1946 đến tháng 10/1954. Trong khoảng 60 năm, xe ôtô ít, đa số xe chỉ người Pháp sử dụng. Phương tiện giao thông công cộng chủ yếu là tàu điện và xe kéo. Tàu điện ở Hà Nội có 4 đường, nối trung tâm với ngoại ô, chuyên chở dân thường, công nhân, công chức, nhất là các bà gồng gánh bán rau quả và thức ăn tươi từ ngoại ô vào.

Những người có việc vội hoặc có tiền thì thuê xe kéo. Những nhà phong lưu có xe xe kéo riêng và thuê “anh xe”. Xe đạp dần dần rất phổ biến, những phụ nữ đầu tiên đi xe đạp được coi là “tiểu thư tân thời”.

Năm 1954, Hà Nội giải phóng, nhưng chục năm sau, đương đầu với cuộc chiến tranh của Mỹ cho đến 1975. Đến cuối thập kỉ 80, Hà thành sống trong bao cấp thiếu thốn. Cái nghèo hầu như được chia sẻ cho tất cả mọi người. Xe ôtô ít hẳn đi. Xe kéo thay bằng xe xích lô. Bom Mĩ khiến cho tàu điện chạy rất thất thường. Dù nhiều khó khăn, cuộc sống Hà Nội trong giai đoạn này vẫn bình thản. Xe đạp ngự trị các phố đến những năm 80. Nữ tác giả Úc Rosemary kể lại: “Năm 1989, lần đầu tiên tôi đến Hà Nội và mê ngay thành phố và người dân. Xe đạp chạy qua các phố không ô nhiễm vì động cơ xe cộ và tiếng còi ôtô ầm ĩ, chỉ nghe thấy tiếng bạn bè và người trong gia đình đạp xe bên nhau, vừa đạp vừa nói chuyện và cười đùa. Ban đêm, có những phụ nữ quét rác ngoài phố và lơ thơ một vài xe xích lô đạp trong phố tối”.

Văn hóa xe đạp và xích lô đột nhiên chấm dứt vào đầu thập kỉ 90. Khi đó, chính sách Đổi mới năm 1986 đã mang lại kết quả. Hai thập kỉ gần đây, thủ đô đã biến thành một thành phố tiêu thụ rạo rực, khuấy động bởi chủ nghĩa vật chất tầm thường. Giao thông loạn xạ, vô tổ chức biểu hiện tình trạng ấy.

Năm 1985, tàu điện đã bị dỡ đi. Tôi luyến tiếc tiếng leng keng của tàu điện chạy chậm như rùa, học trò trường Bưởi đua nhau nhảy tàu trêu những người “xơ vơ” soát vé.

Đổi mới đã tạo ra một tầng lớp trung lưu có mức sống khá. Không ít người có xe ôtô riêng. Xe taxi mọc như nấm. Tàu điện biến mất, xe xích lô cũng biến theo. Những xe buýt kềnh càng và nhiều xe cam nhông chở hàng đầy các phố. Xe đạp bớt dần, nhường ngôi cho xe máy, có tới vài triệu chiếc, đóng góp lớn vào sự ùn tắc giao thông.

Xe máy trở thành cơ sở đời sống của người Hà Nội trung bình, “cần câu cơm” của nhiều gia đình lao động. Một số nhà nghiên cứu và nhà báo nước ngoài đã quan tâm đến hiện tượng “văn hóa xe máy” của Hà Nội trong giai đoạn này. Có thể đó là một sự thỏa thuận trong tiềm thức người dân Hà Nội giữa tinh thần cộng đồng truyền thống và chủ nghĩa cá nhân hiện đại, một sự thỏa thuận mang tính thực dụng. Mặc dù Cách mạng và chiến tranh đã đảo lộn xã hội, gia đình vẫn là giá trị văn hóa được tôn trọng.

Xe máy trở thành dụng cụ gắn bó các thành viên gia đình, kéo rộng gia đình từ nhà ra phố phường thành thị. Người trong nhà đèo nhau, có khi chỉ có một xe máy, đi học, đi làm, đi chơi, đi thăm ông bà họ hàng, đi bệnh viện, đi chợ… Tính cộng đồng còn thể hiện ở chỗ cả một dòng dày đặc xe máy, có khi đi ngược chiều, mà ai cũng để ý để khỏi đâm nhau, để ý để khỏi chẹt phải người đi bộ vượt ngang. Vô tổ chức mà theo một trật tự tự phát! Mặt khác, xe máy phục vụ ý thức cá nhân phát triển mạnh từ sau chiến tranh và Đổi mới: có xe máy, ra khỏi nhà, thoắt một cái đã bù khú ở hiệu cà phê, sàn nhảy, đi chơi ngoại thành, đèo người yêu…

Giai đoạn “văn hóa xe máy” chắc chắn sẽ chấm dứt ở Hà Nội với bá chủ là xe ôtô và các loại xe công cộng khác như ở các thành phố hiện đại. Trong 5, 10 hay 20 năm nữa? Ta cùng chờ xem!

Hữu Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-ban-ve-van-hoa-xe-may-o-ha-noi-107467.html