Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Cây đời và thuốc lá
Mỗi người có thói quen xấu nào đó, đều có một lập luận để bảo vệ chúng. Như nghiện thuốc lá chẳng hạn. vậy 'Tại sao ta lại dùng thuốc lá để hủy hoại cái đẹp ta đang có nó trong người?'
Ông bạn Lê H.H, 80 tuổi, người xương xương nhỏ nhắn, nhưng sức dai, hàng chục năm không phải uống thuốc. Có lẽ ông có cách riêng sinh hoạt và luyện tập đều, nhất là do một thời gian dài được tôi luyện trong bưng biền miền Nam thời chống Pháp. Trong cuộc sống hàng ngày, ông rất mẫu mực, nhất nhất điều gì cũng theo lý trí. Duy có một nhược điểm làm tôi bất ngờ: ngày nào ông cũng hút vài điếu thuốc lá, theo ông… “để giữ gìn sức khỏe”. Lập luận của ông là: thần kinh của ta cần được kích thích, hít vài điếu đủ cho chất nicotin kích thích, chỉ cần không được nghiện hoặc hút nhiều. Mỗi người có thói quen xấu nào đó, đều có một lập luận để bảo vệ chúng.
Đầu xuân vừa rồi, ông vừa ra khỏi nhà tôi thì bác sĩ người Anh G.Farrer-Brown cùng bà vợ đến thăm tôi. May quá, nếu hai ông gặp nhau mà ông Lê H.H. lại trình bày lý luận vừa rồi thì thật khó xử cho tôi. Vì ông bác sĩ Anh này là một chiến sĩ tâm huyết trong mặt trận bài trừ thuốc lá. Ông là thành viên tích cực của Quỹ tim mạch Anh (British Heart Foundation (BHF) một tổ chức từ thiện có uy tín nhằm giúp các bệnh nhân tim mạch đỡ khổ đau, thông tin cập nhật cho họ và gia đình về các thầy thuốc và các phương thuốc điều trị, cung cấp những máy móc chữa tim mạch. Bệnh tim mạch là bệnh gây tử vong nhiều nhất ở Anh. Một trọng tâm của tổ chức BHF là bài trừ hút thuốc lá, vì thuốc lá trực tiếp gây bệnh tim mạch. Bản tuyên ngôn của BHF cho biết: Ở Anh, đau tim là bệnh gây tử vong lớn nhất và nhiều nhất ở tuổi dưới 65. Hút thuốc là một trong 4 nguyên nhân của bệnh tim. Cứ 100 ca tử vong về bệnh tim thì 18 ca liên quan đến hút thuốc lá. Còn ba nguyên nhân kia là colesterol cao, huyết áp cao và hoạt động cơ thể quá sức. Người hút thuốc lá có khả năng bị bệnh tim mạch gấp đôi người không hút. Dưới tuổi 50, nguy cơ này tăng gấp 10 lần. Người trẻ hút thì nguy cơ càng tăng. Đối với phụ nữ, bệnh tim mạch cũng gây nhiều tử vong mặc dù một số nội tiết nữ phần nào bảo vệ họ trước tuổi mãn kinh.
Cũng như đối với nam giới, phụ nữ hút thuốc nhiều cũng dễ bị bệnh tim mạch, ung thư và ho kinh niên. Uống thuốc phá thai lại gây thêm nguy cơ cho phụ nữ hút thuốc. Phụ nữ hút vài điếu mỗi ngày phải ý thức được là họ bị tăng gấp đôi tử vong do bệnh tim mạch. Phụ nữ có thai hút thuốc có thể đẻ non, sinh con thiếu cân hoặc hài nhi bị chết, con bị chậm phát triển về thể xác và tâm thần.
Hút thuốc còn gây nhiều tai biến khác. Trong 5 người chết vì ung thư phổi thì có 4 do hút thuốc lá. Ung thư phế quản, dạ dày, đều có liên quan đến hút thuốc lá. Hút thuốc cũng gây bệnh mạch ở chân có nguy cơ phải cắt bỏ một phần.
Để phổ biến rộng rãi việc bảo vệ tim mạch, quỹ BHF dùng nhiều phương pháp, trong đó có cách gắn nghệ thuật với y tế, khiến ý tưởng thấm nhuần qua tình cảm. Do đó mà Quỹ BHF tài trợ cho cuộc triển lãm nghệ thuật Cây đời do BS Farrer-Brown chủ trương. Mục tiêu cuộc triển lãm này làm người xem thấu hiểu được cái đẹp của trái tim và các mạch máu, còn nguyên vẹn thì tốt tươi đến thế nào, bị hủy hoại thì tàn héo thế nào do hút thuốc lá.
BS Farrer-Brown cho biết:
- Ở một người tuổi 70 thì trái tim đập trên 2 tỷ lần. Cuộc triển lãm Cây đời nhằm cho thấy sự quan trọng của trái tim và về lưu thông máu. Mười một nghệ sĩ ở các ngành nghệ thuật khác nhau đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Cây đời (hệ động mạch và tĩnh mạch) một cách đa dạng. Thảo luận với các nghệ sĩ trước khi họ sáng tác, tôi cho họ xem ảnh trái tim lành mạnh và trái tim bị tổn thương và sự cung ứng máu.
Điều hấp dẫn của cuộc triển lãm là trong khi sáng tác, mỗi ngành nghệ thuật đều có đặc trưng riêng, nguyên tắc riêng. Tuy sáng tác theo yêu cầu làm giảm bớt tự do của nghệ sĩ, nhưng lại làm phong phú thêm sáng tạo khi thực hiện đề tài. Các tác phẩm triển lãm bao gồm khắc gỗ, bát gốm, vải chắp, đồ thủy tinh, tượng gỗ, sơn dầu, điêu khắc đá, đồ kim khí, tranh màu nước… Những tác phẩm đòi hỏi trình độ nghệ thuật và kỹ năng cao. Có nghệ sĩ phải mất hàng năm trời mới hoàn thành tác phẩm. Phải mất đến 5 năm chuẩn bị mới thực hiện được triển lãm Cây đời.
Tôi coi cuộc triển lãm này là sự thể hiện của y học phòng bệnh, khuyến khích người xem hưởng được cái đẹp của trái tim lành mạnh và lưu thông máu để tự đặt ra câu hỏi: “Tại sao ta lại dùng thuốc lá để hủy hoại cái đẹp ta đang có nó trong người?”
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-cay-doi-va-thuoc-la-99032.html