Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Chấm phá văn học cổ La Mã (Kỳ 1)

Văn học Tây Âu (cụ thể là văn học Âu - Bắc Mỹ) bắt đầu bằng văn học cổ Hy Lạp-La Mã.

Nền văn học này bị chi phối bởi ba yếu tố chủ yếu: Văn học cổ Hy Lạp - La Mã ; Đạo Kitô; và tinh thần nhân văn tư bản chủ nghĩa, xuất phát từ thời Phục hưng (thế kỷ XIV-XVI) qua Chủ nghĩa Duy lý (thế kỷ XVII), Triết học ánh sáng (thế kỷ XVIII), Chủ nghĩa thực chứng (thế kỷ XIX) và nhiều luồng tư tưởng ở thế kỷ XX.

Văn học cổ đại Hy Lạp-La Mã thể hiện chủ nghĩa nhân văn, nghĩa là thừa nhận giá trị con người, thiết tha với cuộc sống trần gian. Là nền văn học cổ nhất châu Âu, nó tạo ra nhiều hình thức và thể loại văn học sẽ là khuôn mẫu sau này.

Khoảng 50 năm TCN, La Mã đã làm chủ miền Địa Trung Hải, bao gồm cả Hy Lạp. Nền văn học tiếng La tinh kế thừa văn học Hy Lạp và phát triển sắc thái riêng của mình. Trong giai đoạn đầu, đáng kể có những nhà viết hài kịch Plautus, Terentius. Thời huy hoàng của văn nghệ La Mã là thời Hoàng đế Augustus với những nhà thơ Vergilius, Horatius (thế kỷ I). Trong năm thế kỷ sau đó, đế chế và nền văn học suy dần. Đến thế kỷ thứ năm, đế chế sụp đổ. Sau đây là tóm tắt một số tác phẩm của các tác giả tiêu biểu cho nền văn học cổ đại La Mã.

Augustinus Aurelius (354 - 430) là linh mục đạo Thiên Chúa và nhà thần học. Tác phẩm còn giữ lại được của ông là Đô thành của Thượng đế (viết 413 - 426).

Đô thành của Thượng đế là tác phẩm ca ngợi đạo Kitô, viết để bác sự lên án của những người ngoại giáo: những người này cho là La Mã mắc tội phế bỏ việc thờ cúng những thần linh truyền thống, do đó, bị rợ Goth tàn phá. Sách trình bày một quan niệm thần học về lịch sử dựa trên sự đối lập thường xuyên giữa “đô thành tinh thần” và “đô thành vật chất”, giữa đạo và đời.

***

Caesar Gaius Julius (100-44 TCN) là chính khách, võ tướng, nhà văn. Tác phẩm chính: Bình luận về chiến tranh ở Xứ Ga-li-cô.

Bình luận về chiến tranh ở Xứ Ga-li-cô là hồi ký lịch sử do tướng Caesar soạn sau khi chinh phục được xứ Gaule (ngày này là nước Pháp), khoảng năm 52-51 TCN. Mục đích là trình bày những hoạt động và biện minh cho chính sách đối ngoại của Caesar, bác những ý kiến ở La Mã cho là Caesar tàn sát những dân tộc vô tội do muốn có danh tiếng. Sách gồm bảy chương, mỗi chương dành cho các sự kiện của một năm (bắt đầu từ năm 58 TCN).

***

Epiktetos (138-50 TCN) là nhà triết học khắc kỷ. Ông có hai tác phẩm nổi tiếng là Đàm luận và Sách giáo huấn.

Đàm luận tập hợp những lời dạy của nhà triết học khắc kỷ Epiktetos do đồ đệ là Arrhianos ghi và biên soạn. Ngoài những lời bình luận về trước tác của những nhà triết học khắc kỷ Stoa (về logic và vật lý), sách đặt trọng tâm vào những vấn đề luân lý.

Sách giáo huấn là tác phẩm triết học, chủ yếu tóm tắt quan niệm đạo đức học của nhà triết học Epiktetos gốc Hy Lạp, nhưng sống ở La Mã (thế kỷ I), do đồ đệ là Arrhianos ghi và biên soạn. Sách gồm những cách ngôn ngắn gọn. Con người có vốn quý nhất là tự do, tự do nằm trong nội tâm mỗi cá nhân. Sự vật có hai loại: một loại phụ thuộc vào ta, mang tính tự do (nhận xét, khuynh hướng, yêu ghét) và có giá trị đạo đức; một loại không phụ thuộc vào ta (thân thể, sức khỏe, may rủi, giàu sang, danh lợi) không mang giá trị đạo đức. Người hiền phân biệt được hai loại ấy, nên được hoàn toàn tự do. Không ai cướp được cái phụ thuộc vào ta. Ta phải sử dụng ý chí làm chủ dục vọng, bản năng, tham vọng, thất vọng, sợ bệnh, sợ chết, không để sự việc bên ngoài ảnh hưởng đến tâm hồn.

***

Quintus Horatius Flaccus (65-8 TCN) là nhà thơ trữ tình, ca ngợi đời sống nông thôn giản dị, cái nhàn, tình bạn. Ông có hai tác phẩm là Ca thi và Nghệ thuật thi ca.

Ca thi là tập thơ gồm bốn quyển (103 bài) đánh dấu cao điểm sáng tác của Horatius. Horatius đề cập những vấn đề thần thoại, dân tộc và bản thân (thơ tặng, thù tạc, biệt ly, đời sống nông thôn với hạnh phúc giản dị, ca ngợi rượu và tình yêu, tình bạn).

Nghệ thuật thi ca là tác phẩm của Horatius gửi tặng chính khách Piso là bố vợ của Caesar và hai con trai của ông, do đó có tên là “Thư văn vần gửi cho các người họ Piso”. Tác giả đề cập đến những quan hệ giữa nghệ sĩ và nghệ thuật, dưới hình thức đàm luận nhẹ nhàng hơn là đưa ra những giáo điều. Phần một nhấn mạnh về tính vững chắc của tác phẩm. Phần hai bàn nhiều về sân khấu. Phần ba bàn về bản thân nhà thơ, chủ trương nhà thơ vừa phải có năng khiếu vừa phải có cái tôi luyện. Horatius khuyên nên bắt chước các mẫu cổ Hy Lạp, phê phán sự tầm thường, thô thiển, rườm rà.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-cham-pha-van-hoc-co-la-ma-ky-1-129628.html