Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một thoáng văn học Italy (Kỳ 3)

Văn học Italy chiếm một vị trí quan trọng trong văn hóa của châu Âu. Thời kỳ này có một số tên tuổi nổi tiếng thế giới.

Bontempelli Massimo (1878-1960) là nhà viết truyện, tiểu thuyết và kịch (theo khuynh hướng “hiện thực diệu kỳ”, tìm huyền diệu trong cái bình thường hàng ngày). Tác phẩm chính: Những con người trong thời gian (Gente nel Tempo, 1937).

Những con người trong thời gian có văn phong nhuốm màu hài hước siêu thực. Tác phẩm kể chuyện một bà cụ tai ngược, độc đoán, tiên đoán trước khi chết là gia đình mình cứ năm năm sẽ chết một mạng và sẽ tiệt giống. Gia đình gồm năm người: con trai là Sylvain cùng vợ là Victoire và hai con gái Nora và Dirce. Một em gái của Sylvain mất tích đã lâu. Sylvain (thích chơi sách) và vợ (ngoại tình) chết đúng thời gian tiên đoán. Lớn lên, Nora bỏ đi theo một anh lính pháo thủ, sinh được một đứa con (sẽ ốm chết). Hai chị em sống với nhau lủng củng. Cuối cùng, Nora tự tử Dirce phát điên.

Carducci Giosúe.

Carducci Giosúe.

Carducci Giosúe (1835-1907) là nhà thơ, nhà phê bình, học giả (dân chủ, truyền thống dân tộc). Ông được nhận giải thưởng Nobel năm 1906. Tác phẩm chính: Thơ dã man (1877 - 1879).

Thơ dã man là tập thơ của Carducci, người được coi là nhà thơ dân tộc của văn học Italy mới. Trong tập thơ này, ông áp dụng thi pháp cổ Hy Lạp – La Mã vào thơ Italy, cố gắng cách tân dựa vào những mẫu thơ Italy châu Âu thời các dân tộc man dã, khi đế chế La Mã suy sụp. Các tác phẩm thơ trữ tình của ông có nội dung yêu nước, ca ngợi dĩ vãng oanh liệt và tương lai huy hoàng của một nước Italy được phục sinh. Phong cách cổ điển, chống lãng mạn. Về chính kiến, ông có tư tưởng cộng hòa, dân chủ, dựa vào lập trường truyền thống dân tộc, chống đạo Thiên chúa và chủ nghĩa lãng mạn.

Casanova Giovanni Giacomo (1725-1798) là nhân vật nổi tiếng về các cuộc tình duyên và phiêu lưu. Tác phẩm: Hồi ký (viết 1791-1798)

Hồi ký (Mémoires) hay Truyện đời tôi (Histoire de ma vie) là tác phẩm được viết bằng tiếng Pháp, xuất bản lần đầu qua bản dịch tiếng Đức, có cải biên năm 1822, mãi 1960-1963 mới xuất bản toàn bộ đúng nguyên văn Italy. Tác giả Casanova (người Italy) nổi tiếng là một khách giang hồ, thích sống một cuộc sống phiêu bạt. Xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ sân khấu, vào nhà dòng, đi lính, Casanova làm đủ nghề (điệp viên, diễn viên, nhạc sĩ, ngoại giao, đánh bạc, buôn lậu, làm tài chính, lừa đảo, làm tiền phụ nữ, phù thủy, mưu sĩ các nhà quyền quý). Casanova lang thang khắp nơi (châu Âu, Cận Đông), sống ở Pháp, từng bị giam ở Italy về tội phù thủy và phỉ báng đạo, nhưng luôn trốn thoát. Casanova đi đến nước nào cũng bị cảnh sát theo dõi, nhưng phụ nữ và các nhà quyền quý lại thích bao che cho ông. Cuối đời, ông làm nghề giữ thư viện và chết ở lâu đài Dux’.

Bộ Hồi ký khổng lồ (14 tập) của ông tuy có nhiều bịa đặt, khoe khoang, tuy văn Pháp có những chỗ chưa nhuần nhuyễn, nhưng vẫn có giá trị về mặt tư liệu. Đó là một bức tranh xã hội bao quát của cả châu Âu trong nửa sau thế kỷ XVIII, đặc biệt đề cao những truyện phiêu lưu tình dục. Cách kể chuyện hồn nhiên và có duyên, phản ánh được sự suy sụp của chế độ cũ, những bất công của xã hội và sự thối nát của Giáo hội. Có thể coi tác phẩm ấy là tâm sự của một kẻ trác táng, đồng thời là một bản phê phán cuộc sống đương thời.

Castiglione Baldassare (1478-1529) là nhà ngoại giao. Tác phẩm chính: Sách của người người bầy tôi triều đình (Il libro del cortegiano, 1528).

Sách của người bầy tôi triều đình là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất và điển hình nhất của thời Phục Hưng Italy. Sách kể lại (trong bốn quyển) những đàm luận trong bốn buổi tối của triều đình Urbino. Đây là một cẩm nang về cách xử sự thanh nhã, một sách giáo huấn về tư tưởng và hành động lịch sự ở triều đình. Quyển I bàn nhiều về sự ra đời ở nơi quyền quý và về đào tạo giáo dục. Quyển II bàn về phẩm chất và thái độ ứng xử của người quý tộc ở triều đình. Quyển III phác họa vị phu nhân lý tưởng. Quyển IV nói về quan hệ giữa kẻ bầy tôi và chúa thượng, về ái tình lý tưởng thanh cao. Người bầy tôi phải giỏi võ nghệ, can đảm, lịch sự, hiểu biết văn học, có ý thức về cái đẹp, ao ước tình yêu, có trí tuệ, nắm được những cái tế nhị của ngôn ngữ. Tác phẩm được dịch và phổ biến nhiều nơi ở châu Âu, đóng góp và việc xây dựng mẫu “người thượng lưu” ở châu Âu vào thế kỷ XVII.

HỮU NGỌC

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-mot-thoang-van-hoc-italy-ky-3-138999.html