Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Người Pháp nghĩ gì?
Dân tộc Pháp là dân tộc hình thành và thống nhất sớm ở châu Âu, nhưng tâm tính của người Pháp lại đầy mâu thuẫn, nghịch lý.
Cách mạng Pháp 1789-1799.
Tâm tính dân tộc là một vấn đề hết sức phức tạp, nhất là khi phải tóm gọn trong vài trang giấy. Dựa vào những tài liệu tự đánh giá của chính người Pháp, những nhận xét của người nước ngoài và chút ít thể nghiệm bản thân, xin nêu một số nét về tâm lý Pháp, hầu như đã thành cổ điển.
Mâu thuẫn giữa thực tế và viển vông
Dân tộc Pháp là dân tộc hình thành và thống nhất sớm ở châu Âu, nhưng tâm tính lại đầy mâu thuẫn, nghịch lý. Trước hết, do hoàn cảnh địa lý, lịch sử, ngôn ngữ dân tộc Pháp không thuần nhất và từ xưa đã chia ra thành một nước Pháp miền Bắc sông Loire và một nước Pháp miền Nam sông ấy, với hai mẫu người khác nhau. Đi sâu hơn, lại có nhiều tính cách địa phương ở Bắc và Nam. Người miền Flande hay miền Alsace to lớn, tóc vàng hoe; người miền Bretagne hay miền Địa Trung Hải tóc đen nâu, thấp bé hơn; người miền Gascogne cởi mở, lém lỉnh; người miền Normandie thích lý sự, kiện cáo; người miền Nam ba hoa; người miền Bretagne và miền Auvergne lầm lì...
Tuy người Pháp đa dạng, họ cũng vẫn có những nét chung, khiến cho họ khác người Anh, người Đức, người Italy... Vậy những nét chung ấy là những nét gì? Trong tính khí Pháp có hai yếu tố ngược nhau: yếu tố nông dân và yếu tố hiệp sĩ.
Yếu tố nông dân có những điểm hay như: a) Thực tế: “Tâm hồn người Pháp không có chỗ để “chạnh lòng nhớ cảnh giang hồ”. Nó gắn bó thầm kín với ruộng đất của ông cha bởi một tình cảm giống như lòng yêu luống cày của nông dân”- E.R.Curtius. b) Tiết kiệm: “Dành dụm thuộc bản năng, nằm trong máu người Pháp, y như cảm tính về sự tồn tại quốc gia” – Sieburg. Tôi còn nhớ đến ăn nhiều lần ở nhà một bà bạn Pháp rất hào phóng, vậy mà lần nào cũng thấy bà cầm mẩu bánh mì vét đĩa cho đến sạch bóng. c) Thận trọng: “Sự lo xa là cái chủ yếu sâu sắc nhất trong đầu óc Pháp” – S.de Madariaga. Mặt trái của những nét tốt ấy là những thói xấu: thực tế có khi tầm thường, tiết kiệm có khi đến nhỏ nhen, thận trọng có khi đến nghi kỵ.
Yếu tố “hiệp sĩ” ở người Pháp đối lập với yếu tố “nông dân”. Dân tộc nông dân Pháp ít di dịch, gắn bó với ruộng đất, nhưng lại có những giai đoạn lịch sử chinh chiến, phiêu lưu, đã từng biết tác phong mã thượng phong lưu của quý tộc Trung Cổ. Do đó, yếu tố “hiệp sĩ” thể hiện ở một số điểm hay như: a) Có lý tưởng, hào hứng: “Người Pháp lâu lâu lại mắc một cơn điên cuồng, ngăn họ trở thành quá ư biết điều. Bất cứ lúc nào, họ cũng sẵn sàng hy sinh cái gì mà họ rất thiết tha để đổi lấy một cử chỉ đẹp đẽ” – Ch.Washburn. b) Hào hiệp: “Người Pháp rất hoang phí của cải của mình lẫn của người khác” – Machiavel. c) Ý thức cá nhân: “Ở Pháp, ý thức cá nhân thái quá khi nó trở thành thù địch với ý thức công dân, là yếu tố đã từng đóng vai trò cao đẹp và những thời điểm sống còn”. – H.Ahlenius.
Yếu tố “hiệp sĩ” cũng có nhiều mặt trái: say mê lý tưởng có thể dẫn đến không tưởng, hào hiệp có thể dẫn đến hoang phí, ý thức cá nhân có thể gây ra mất kỷ luật, ích kỷ, vô chính phủ.
Qua lịch sử, yếu tố “nông dân” tạo ra khuynh hướng bảo thủ, đề cao truyền thống (trong chính trị) và khuynh hướng hiện thực (trong văn học). Còn yếu tố “hiệp sĩ” thì tạo ra khuynh hướng cách mạng (trong chính trị) và khuynh hướng tao nhã, cung đình (trong văn học).
Tính cách phức tạp và mâu thuẫn cũng có thể xét dưới góc độ chủng tộc. Qua các giai đoạn lịch sử, nước Pháp ở ngã ba châu Âu đã phải tiếp nhận hoặc bị xâm lược, chiếm đóng, chiến tranh, nhập cư, và phải thuần nhất rất nhiều nhóm chủng tộc, và dân tộc khác nhau. Vào đầu thời kỳ lịch sử, những người Gaulois thuộc các tộc Celtes ở trên lãnh thổ Pháp. Các tộc Celtes hình thành do sự trà trộn của ba chủng tộc di cư từ phía Đông sang, vào thời kỳ tiền sử thời đại đồ đá cũ, chủng tộc Địa Trung Hải (đầu dài, du mục, săn bắn) rồi đến chủng tộc Bắc Âu (to lớn, tóc hoe); vào thời đại đồ đá mới, chủng tộc vùng Alpes đầu ngắn, làm nông nghiệp.
Những cuộc xâm lăng của người La Mã (thế kỷ I TCN), Germain, nhất là người Franc - vào thế kỷ V, người Bắc Âu Normand vào thế kỷ X, đều để lại dấu vết trong tâm tính người Pháp, tuy không thay đổi nhiều về cấu trúc dân cư. Có nhà nghiên cứu cho là người Celtes đã mang lại cho tâm tính Pháp ý thức cá nhân, người La Mã ý thức về luật pháp và trật tự hình thức, người Germain thiên tài xây dựng, người Normand óc sáng tạo.
Đến nay, khoảng 1/4 dân số Pháp là người nhập cư: Bắc Phi, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Việt Nam...; quá trình hấp thụ, thuần nhất các dân tộc mới đến vẫn tiếp diễn không ngừng. Thực hiện được sự đối thoại giữa các thành phần dân tộc để bảo vệ bản sắc dân tộc Pháp, giữ cho được những sự khác nhau, mẫu thuẫn nhau giữa các tính cách của các thành phần ở mức hài hòa, đó là vấn đề sống còn của quốc gia Pháp.
Liệu những nhận định trên về tính cách Pháp sẽ còn có giá trị đến đâu? Nhất là vào những thập kỷ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, khi làn sóng nhập cư (nhất là từ châu Phi) dâng lên rất cao, việc Pháp gia nhập EU và ý tưởng toàn cầu hóa. Những cuộc biểu tình “Áo vàng” liên miên, chỉ là một hiện tượng trong cuộc khủng hoảng sâu sắc của tính cách dân tộc Pháp.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-van-hoa-huu-ngoc-nguoi-phap-nghi-gi-116500.html