Nhà văn Lê Lựu: Một đời mặn biển xanh dâu

Thực ra từ khi nhà văn Lê Lựu còn sống, không riêng gì lứa nhà văn trẻ chúng tôi, mà rất nhiều người thuộc các giới khác nhau đều đã đinh ninh điều đó. Một cuộc đời thơm thảo mặn biển xanh dâu đích thị là Lê Lựu chứ còn ai khác?

Ông cởi mở tấm lòng dành cho văn chương, dành cho tất thảy mọi người. Thảo thơm, nghĩa tình mộc mạc quấn quýt như những sợi dây trầu xanh thắm thân cau. Miếng trầu mà ông bà, cha mẹ, đến Lê Lựu truyền sang đời con đời cháu cũng đều thảo thơm nghĩa tình xóm giềng quê mạc. Đến với văn chương càng như vậy.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà văn Lê Lựu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà văn Lê Lựu.

Trong tự bạch bộ “Tổng tập nhà văn quân đội”, ông từng viết: “Tôi là con út thứ (thứ tám) của một gia đình nhà Nho nghèo. Đến đời cha tôi là năm đời dạy chữ Nho. Năm tôi lên ba tuổi, cách mạng thành công nên không còn ai học chữ Nho. Tôi không biết một chữ Nho nào nhưng những gì cha tôi nói với chú và anh ruột tôi, tôi đều nhớ. Chẳng hạn như: “Chú và anh làm việc phải nhớ lúc lui lúc về” hoặc “Hãy giúp người hết lòng mình. Nó như một thứ của để dành. Nhưng không được đòi, không được kể lể. Đòi và kể là hết”. Tôi là người ít học, ít đọc và lười nghĩ ngợi. Toàn bộ những trang viết của tôi chỉ theo đuổi một nguyên tắc là Thật. Tôi không thể viết được nếu không bám lấy sự thật. Tôi chỉ là người kể chuyện thật có gì viết nấy”.

Con người Lê Lựu đến với văn chương là như vậy.

Trước sau, đến lúc mất, nhà văn Lê Lựu đều không đòi một thứ gì cho riêng mình. Khi ông còn minh mẫn, Quỹ nhà văn Lê Lựu đều giao cho những người có uy tín quản lý điều hành. Kể từ khi ông gây dựng và đóng góp công sức to lớn, tạo sự thành công của Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam, đã có nhiều doanh nhân tâm huyết đã và luôn sẵn sàng giúp đỡ vật chất, tinh thần cho nhà văn, nhưng ông tuyệt đối không lạm dụng điều này vào mục đích cá nhân. Ông rất hiểu rằng đồng tiền luôn thấm đẫm mồ hôi còn mặn hơn muối biển. Dâu xanh phải tự chính mình. Dâu xanh tự đất đai nguồn cội để dâng hiến thảo thơm cho rộng dài phía trước. Sống ở trên đời phải hữu ích trong từng giây phút sống của mình.

Nhiều người cho rằng, cuộc sống của Lê Lựu là đắng cay cơ cực. Gia đình riêng muôn nỗi phân ưu. Như trong tiểu thuyết “Hai nhà”, ông dành nhiều tâm huyết nhưng bạn đọc, bạn văn, các nhà phê bình lại rất ít khi nhắc tới. “Hai nhà” là một thông điệp quyết liệt về sự tha hóa, đổ vỡ đến tận cùng thành tố gia đình - một thành tố quan trọng bậc nhất góp phần tạo nên nền tảng xã hội, bộ mặt và bản chất xã hội. “Hai nhà” khiến chúng ta thảng thốt và buốt nhói. Nhiều người nhất mực cho rằng ông viết về chính mình, cũng như chính ông là Giang Minh Sài trong “Thời xa vắng”. Nếu cứ thế thì các nhân vật Núi, Sông, Biển cũng là nhà văn Lê Lựu ở ngoài đời chăng? Tư duy như thế là chưa hiểu thấu đáo ngọn ngành văn chương vậy.

Tôi từng cho rằng, trong cơ bản cuộc đời, Lê Lựu hoàn toàn khác. Trong một buổi trưa ngồi cùng chị Lương - con gái nhà văn, tôi nói rằng Lê Lựu là một người hạnh phúc. Xưa nay, nhiều người cho rằng ông quá lam lũ, cơ cực, đắng cay, khúc khuỷu trên suốt chặng đường đời có lẽ còn chưa thấu đáo chăng? Lê Lựu từ bé đã được độc lập làm người lính, độc lập làm báo, làm văn, độc lập mở mang sự nghiệp, lại còn được bao nhiêu người xúm vào nghe ông nói, các thế hệ đua nhau đọc tác phẩm của ông, các lãnh đạo lắng nghe và tạo điều kiện vật chất, tinh thần cho ông... Tóm lại là muốn sao được nấy. Vậy thì cơ cực nỗi gì? Lê Lựu đích thực là một người hạnh phúc! Trời đất! Còn phải nghi ngờ gì nữa?

Tôi được tiếp xúc với nhà văn Lê Lựu từ khá sớm (năm 1995) trong trại viết Văn nghệ quân đội tại Đồ Sơn - Hải Phòng. Lê Lựu khi đó nổi tiếng lắm. Lãnh đạo các tỉnh, thành rất mến Lê Lựu và tất nhiên trong đó có lãnh đạo thành phố Hải Phòng. Các tiểu thuyết của ông khi đó được làm phim, được trình chiếu khắp nơi. Các sách về nước Mỹ của ông đang tạo cơn sốt, được đọc vào băng đĩa bán rất chạy. Lúc nào cũng thấy ông tất bật, sục sôi với mái đầu xoăn tít, nhưng đừng hòng Lê Lựu để sót việc gì. Đến cỡ như tôi, anh binh bét tập viết văn Lê Lựu càng quan tâm. Ông bảo: “Mảnh đất Như Quỳnh - Văn Lâm - Hưng Yên nhà cậu có ngôi Đền Lăng ngày xưa nghĩa binh của cụ Tám Thuật là Tuần Vân, Đốc Tít nổi tiếng với trận đánh Quán Chuột khiến binh tướng của Hoàng Cao Khải phải mấy lần ôm đầu máu chạy dài chính là tiền đồn của đại bản doanh Bãi Sậy. Sau đó, các nghĩa binh rơi rụng, một số theo cụ Tám Thuật sang Trung Quốc chờ thời. Một số ở lại chính là tiền bối của các vị lão thành cách mạng hôm nay. Tớ còn biết, sát nhà cậu đang ở chính là gia đình cụ Lê Đức Thịnh - nguyên Chủ tịch thành phố Hải Phòng, sau làm Bộ trưởng Bộ Nội thương, công lao với cách mạng lớn lắm, mà bây giờ muốn xây dựng một Nhà lưu niệm cho cụ lại chẳng biết trông cậy vào đâu? Để mấy hôm nữa rảnh rỗi, cậu đưa tớ về bàn với Chủ tịch xã Đào Văn Chiến, Chủ tịch huyện Cao Hưng Lâm xem có giúp được gì không?”.

Tôi lúc đó chỉ biết lặng đi như không tin vào tai mình. Với binh bét như tôi lúc đó, các vị Chủ tịch xã, Chủ tịch huyện cao vời lắm, đừng hòng mình được gặp mặt, càng đừng hòng tham gia thắc mắc, kiến nghị điều gì.

Vậy mà nửa tháng sau, nhà văn Lê Lựu về thật. Các đồng chí Chủ tịch, Bí thư đón tiếp Lê Lựu rất ân cần. Mọi người đều đã thuộc Lê Lựu từ thuở Trường Sơn và ai nấy đều lắng nghe nhà văn nói về những dự định, những việc phải làm cấp bách phía trước. Không riêng gì dự kiến một căn nhà lưu niệm nhỏ cho các vị lão thành cách mạng, mà cái chính yếu là phát triển bền vững một vùng đất nơi địa đầu xứ Đông, nơi kề cận Hà Nội mà đang phải ngửa tay xin Trung ương cân đối thu chi từng đồng mới là điều Lê Lựu quan tâm. Câu chuyện càng lúc càng mở ra dài rộng. Càng quan trọng hơn, khi đúng lúc đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy điện thoại về chỉ đạo những gì nhà văn Lê Lựu nói đều là chủ trương của Tỉnh ủy, của Hội đồng nhân dân, cũng chính là phương lược của Trung ương nên các đồng chí hãy hết sức lắng nghe và mạnh dạn thực hiện. Tai tôi càng như ù đi, vừa sợ hãi vừa khâm phục.

Liền sau đó, như có phép màu, cùng với cả nước chuyển mình thì Hưng Yên cũng chuyển mình, dẫn đầu là khu công nghiệp Như Quỳnh với các doanh nghiệp lớn về làm ăn phát đạt đã góp phần tạo bộ mặt mới cho tỉnh Hưng Yên.

Như thế đích thị nhà văn Lê Lựu là người hạnh phúc với tư duy và thực hành tư duy của mình theo một cách riêng ông.

Cô giáo Lê Thị Lương, con gái đầu nhà văn Lê Lựu.

Cô giáo Lê Thị Lương, con gái đầu nhà văn Lê Lựu.

Trong chặng đường tổ chức quản lý và phát triển Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam ở tầm quốc gia, những sóng gió đã dội vào ông không ít. Ở nơi đây, trí tuệ và tài năng của nhà văn Lê Lựu đã được phát huy ở đỉnh cao nhất. Trong những năm đầu, Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam hoạt động, vị Giám đốc - nhà văn đã thực sự cống hiến, đặt những viên gạch đầu tiên trong việc hình thành văn hóa doanh nhân. Những viên gạch đầu tiên ấy thật hữu ích biết bao cho việc hoàn thiện cơ chế và thể chế của chúng ta. Nó như một trọng lực cân bằng, nền tảng vững chắc để mở ra những khung trời mới mẻ. Đó là toàn bộ tâm huyết của ông dành cho khu vực văn hóa doanh nhân.

Nhưng chính Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam cũng phải chịu những đợt sóng lớn của kinh tế thị trường. Hơn ai hết, Lê Lựu thấu hiểu điều này tới tận chân tơ kẽ tóc. Ông không quản ngại mọi điều, kể cả là miệng lưỡi thế gian trong quá trình quản lý và phát triển Trung tâm. Biết bao người, trong đó có những người tài năng, đức độ đến rồi đi, có trụ lại được chăng nữa cũng chỉ là những khoảng thời gian nhất định. Điều này là tại sao? Một câu hỏi tôi đã trả lời bằng hơn trăm trang sách ''Lê Lựu như tôi biết'' và dường như hôm nay, ngày nào tôi cũng phải trả lời thêm. Một vị giáo sư thầy tôi từng nói một câu ngắn và rất đúng: ''Cái nước mình nó thế''. Và bây giờ, ở cõi thiên thu, hãy để ông thanh thản nghỉ ngơi, hãy để những học trò như chúng tôi gánh vác câu trả lời lớn lao này.

Nhà văn Lê Lựu, suốt một đời mặn biển xanh dâu, suốt một đời quả cảm với ngọn bút đứng về phía nhân dân, về phía cần lao lam lũ. Ông đã ra đi và đã trở về đồng đất quê hương, nơi hoa sậy nở trắng bãi sông mùa gió bấc, nơi hương nhãn, hương sen, hương bưởi, hương cau thơm mát khôn cùng. Trong đám tang ông, mọi người ai cũng hiền hậu bần thần không nói. Và nhà văn càng im lặng. Đó cũng là một vẻ đẹp của hạnh phúc của ông chăng?

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nha-van-le-luu-mot-doi-man-bien-xanh-dau-i681651/