Nhà văn Nguyễn Hiếu: Đầy ắp đam mê cho sân khấu
Nhà văn Nguyễn Hiếu là một cây bút đầy sung mãn. Gần 40 năm cầm bút, ông đã cho ra đời 26 tiểu thuyết, 10 tập truyện ngắn, hơn 60 kịch bản sân khấu (đã dựng trên 10 vở), gần 20 kịch bản điện ảnh (đã làm 8 phim), hơn 400 bài thơ đã in báo. Đặc biệt với sân khấu, ông đã để lại những dấu ấn đáng nể.
Từ 2013 đến 2019, trong số gần chục kịch bản đã dựng thì Nguyễn Hiếu đã tạo dựng cho mình ba cột mốc tiêu biểu cho sự sáng tạo, cách tân. Năm 2013, vở diễn "Chu Văn An - người thầy của muôn đời" do Nhà hát Chèo Quân đội dựng theo kịch bản "Thầy Chu" của Nguyễn Hiếu đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu Chèo, đồng thời đoạt giải thưởng Văn học Nghệ thuật cùng danh hiệu "vở diễn hay nhất năm".
Năm 2016, Nhà hát Kịch Việt nam dựng "Kiều" theo kịch bản Nguyễn Hiếu chuyển thể từ danh tác của thi hào Nguyễn Du. Vở diễn này đoạt "Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 2017". Và năm 2019 này, sân khấu Lệ Ngọc dựng "Tấm, Cám" theo kịch bản của Nguyễn Hiếu chuyển thể từ chuyện cổ tích nổi tiếng, quen thuộc của nước ta. Vở diễn này sẽ tham gia Liên hoan sân khấu Thử nghiệm quốc tế cuối năm nay và hai Liên hoan sân khấu quốc tế ở Nhật năm 2020.
Nếu "Chu Văn An - người thầy của muôn đời" đã có nhiều bài viết khẳng định sự sáng tạo của Nguyễn Hiếu khi viết về danh nhân Hà Thành, ông kết hợp nhuần nhuyễn sự kiện trong chính sử với truyền thuyết để làm nên một kịch bản chân thực về nhân cách một nhà giáo vĩ đại thì "Kiều" và "Tấm, Cám" lại thêm một lần chứng minh bản lĩnh của Nguyễn Hiếu khi đưa những kiệt tác, chuyện cổ nổi danh lên sân khấu.
Kịch bản "Bốn trái tim đau" của Nguyễn Hiếu được nhóm nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam dưới sự đạo diễn của NSƯT Lê Chức dàn dựng năm 1990 và kịch bản "Linh hồn đông lạnh" do Nhà hát Kịch Việt Nam dựng năm 2008, mới thấy sự cách tân cũng như bản lĩnh nghệ thuật của Nguyễn Hiếu đã được hình thành từ lâu.
"Bốn trái tim đau" vẻn vẹn 4 nhân vật có thể xếp vào kịch phi lý, khi yếu tố phân tâm của nhân vật được thể hiện mạch lạc với những xung đột ngầm ngay trong tâm trạng của họ, còn "Linh hồn đông lạnh" cho đến nay, cùng với "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" của Lưu Quang Vũ, là hai kịch bản giả tưởng hiếm hoi trong gia tài kịch bản sân khấu nước ta.
Trung thành với dòng chảy cách tân đầy bản lĩnh đó, Nguyễn Hiếu viết kịch bản "Kiều" và "Tấm, Cám", với những đặc trưng bút pháp sân khấu riêng của mình.
"Kiều" của Nguyễn Du là một kiệt tác ra đời hơn 200 năm nay, và đã không ít lần được chuyển sang sân khấu ở các loại hình khác nhau, trong đó nổi tiếng nhất là vở diễn "Kiều" của Đoàn cải lương Chuông vàng Thủ đô cách đây hơn 60 năm với cặp diễn viên lừng danh Tiêu Lang - Kim Xuân. Đến nay có thể khẳng định Nguyễn Hiếu là một trong những tác giả đầu tiên đưa Kiều lên sân khấu kịch nói.
"Kiều" của Nhà hát kịch Việt Nam thực sự tạo ra một tiếng vang vì những hiệu ứng sân khấu thông qua những mảng miếng đầy sáng tạo của cố NSND Anh Tú. Sự sáng tạo của Anh Tú được chắp cánh trên nền kịch bản Nguyễn Hiếu.
Thực hiện hợp đồng từ Nhà hát khi viết "Kiều", Nguyễn Hiếu không chỉ dừng ở việc khám phá, làm mới kiệt tác quá quen mà thông qua kịch bản này ông muốn khái quát một chủ đề "cái đẹp bị dập vùi trong một xã hội bất công".
Về mặt thủ pháp, tác giả kịch bản mạnh dạn dùng dàn đồng ca trong bi kịch Hi Lạp. Tùy bối cảnh kịch dàn đồng ca này có thể là người du xuân, kĩ nữ trong lầu xanh Tú Bà, hay binh sĩ của Từ Hải. Dàn đồng ca này đồng thời cũng là cách hiện đại hóa tiếng đế của sân khấu chèo để dẫn dắt câu chuyện làm không gian kịch trở nên tự nhiên, linh hoạt, cũng là cách đưa xung đột lên cao trào mà không mất cốt chuyện của nguyên tác.
Với thế mạnh của cây bút tiểu thuyết, Nguyễn Hiếu cũng cắt nghĩa tính cách và tâm trạng nhân vật trong tiểu thuyết thơ của Nguyễn Du. Xem kịch của Nguyễn Hiếu, người xem hiểu thêm vì sao Thúc Sinh, Từ Hải yêu Kiều đến thế. Xin trích đoạn thoại của Từ Hải khi nhận Kiều là tri âm, tri kỉ.
"Từ Hải: - Nàng là nhi nữ, song dưới mắt ta, nàng có trí lực, có lòng dũng cảm của kẻ anh hùng… Ta là một trượng phu… Không biết sợ ai, nhưng với nàng, ta cúi lạy vì kính trọng, cảm phục nghĩa cử hiếu tử quên thân mình để cứu người thân… Điều này không phải đấng nam nhi nào cũng làm được".
Cảnh kết thúc trong kịch bản là một sáng tạo của Nguyễn Hiếu khi ông tạo nên một tình huống bi kịch, khi để Kiều ôm xiết trái tim mình, xõa tóc chạy xung quanh vòng tròn gồm hầu hết các nhân vật trong Kiều đã thành dàn đồng ca hát lên lời cảnh tỉnh: "Vì lòng tham đang ngự trị thế gian/ Đã giết cái đẹp mang cho đời niềm vui/ Tình yêu luôn bị dập vùi/ Muôn vẻ đẹp vẫn tơi bời gió sương/ Chuyện xưa ngân mãi tiếng chuông…".
Nhận lời viết "Tấm, Cám" cho sân khấu Lệ Ngọc, Nguyễn Hiếu cũng gặp khó khăn như khi viết kịch bản "Kiều". Vì đây là câu chuyện đã nằm lòng với hầu hết người Việt Nam, không những thế mô típ "thử hài" còn là một mô típ tầm quốc tế ở chuyện dân gian của không ít quốc gia.
Chuyện này đã nhiều lần đưa lên sân khấu (ấn tượng nhất là vở chèo "Tấm, Cám" của Lưu Quang Thuận) và cả lên điện ảnh (Tấm, Cám chuyện chưa kể ). Nguyễn Hiếu một lần nữa là người đưa chuyện cổ tích này lên sân khấu kịch nói...
Khi đọc kịch bản "Tấm, Cám" của Nguyễn Hiếu, chúng tôi ghi nhận bản lĩnh trong sáng tạo nghệ thuật của ông. Cũng như khi viết "Kiều", Nguyễn Hiếu đã rút ra được một thông điệp mà sau này trở thành "lô gô" trên Panô quảng cáo vỡ diễn. Đó là "tình yêu thương chính là phép nhiệm màu".
Để thể hiện thông điệp này Nguyễn Hiếu đã mạnh dạn thay nhân vật Bụt truyền thống thành hồn mẹ Tấm. Cũng để nhấn thêm thông điệp này, trong kịch bản còn có cảnh đối thoại giữa hồn mẹ Tấm và dì ghẻ nói về tình yêu con và cách yêu con khác nhau của họ. Mẹ Tấm yêu con bằng cách khuyên con hãy sống thánh thiện còn dì ghẻ thì yêu con bằng những việc làm độc ác đối với người khác.
Và quy luật nhân quả nổi tiếng trong chuyện cổ tích này, được Nguyễn Hiểu đẩy đến bi kịch, khi vì hiểu lầm, dì ghẻ đã tự tay bóp chết đứa con của mình. Trong kịch bản với bút pháp hài hước, Nguyễn Hiếu còn tạo thêm nhân vật người chú của chị em Tấm Cám. Một gã nghèo hèn, tham ăn, nói lắp sau trở thành viên quan chuyên nếm thức ăn cho Hoàng tử, và đã tạo ra một tình huống quan trọng trong hành động kịch là giết chim vàng anh, để biến thành món ăn cho Hoàng Tử.
"Tấm, Cám" là kịch bản ưu tiên đối tượng khán giả nhỏ tuổi, như yêu cầu của sân khấu Lệ Ngọc - người đặt hàng - nên tác giả kịch bản đã truyền vào tác phẩm không khí cổ tích thông qua cách dẫn, bằng lời kể chuyện của một cụ già cho đàn cháu nhỏ dưới ánh trăng cùng tiếng đồng dao, có tiếng đàn bầu phụ họa khi mở và kết mỗi cảnh diễn.
Mặc dù kịch bản được phủ không khí cổ tích huyền ảo, nhưng Nguyễn Hiếu cũng không quên thổi không khí đương đại, thông qua sự hài hước như cảnh dân thử hài phải đút tiền cho Thái giám, để được ưu tiên vào thử, cảnh Cám vênh váo đi trong cung Hoàng tử và đối đãi với người hầu…
Trong một bài viết cách đây 5 năm, chúng tôi đã nói về sự vất vả trên con đường cách tân sân khấu trong khâu kịch bản của nhà văn - kịch tác gia Nguyễn Hiếu. Hôm nay nhìn lại những sáng tác gần đây của ông, tôi vẫn thấy hiển hiện một cây bút bản lĩnh, trung thành với mục tiêu của mình - một nhà văn đầy ắp lòng đam mê sân khấu…
Lê Huy Quang