Nhà văn Nguyên Hồng: Từng trang chữ là trọn vẹn trái tim và linh hồn trao gửi
Mới đây, NXB Kim Đồng cho ra mắt ấn bản mới của tập truyện Dưới chân Cầu Mây - một trong những tập truyện đầu tiên dành cho thiếu nhi của tủ sách Kim Đồng khi mới thành lập. Tác giả của Dưới chân Cầu Mây là nhà văn Nguyên Hồng (1918 - 1982). Từ dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Nguyên Hồng cuối năm 2018 đến nay, liên tục nhiều tác phẩm của nhà văn đã được xuất bản và tái bản như Một tuổi thơ văn, Những ngày thơ ấu, Dưới chân Cầu Mây, Nhật ký Nguyên Hồng.
Ấn bản mới Dưới chân Cầu Mây bao gồm 3 câu chuyện đặc sắc: Cháu gái người mãi võ họ Hoa đầy xót thương về cuộc đời đầy thăng trầm của cô bé Tiểu Hoa từ lúc theo cha mãi võ bên bờ sông Tam Bạc đến khi chiến tranh xảy ra. Dưới chân Cầu Mây là câu chuyện cảm động về anh thương binh bị giặc Pháp bắt và tra tấn dã man nhưng đã tìm cách trốn thoát khỏi nhà tù.
Trong khoảng thời gian chờ liên lạc với đơn vị, ở phố Cầu Mây, anh không phút nào ngồi yên mà đã dạy bình dân học vụ, hướng dẫn bà con đào hầm tránh đạn, dìu dắt các em thiếu nhi khối phố tăng gia sản xuất, hoạt động văn thể... Đôi chim tan lạc là tác phẩm lần đầu tiên được ra mắt công chúng. Đây là một trong những truyện miêu tả về thiên nhiên và thế giới loài vật hay nhất của nhà văn, được nhà văn viết vào khoảng thời gian năm 1967 - 1970.
Nhà văn Nguyên Hồng xưa nay vẫn được gọi “đính kèm” với nhiều cái tên như “nhà văn của những người cùng khổ”, “nhà văn viết cho phụ nữ và trẻ em”. Là bởi, ông dành tình cảm sâu sắc cho những người ở tầng lớp lao động nghèo, thân phận phụ nữ và đặc biệt là số phận của rất nhiều trẻ em trước Cách mạng Tháng Tám.
Có thể tìm thấy những đứa trẻ đói rách, nghèo khổ, bất hạnh, không có tuổi thơ, phải làm đủ mọi nghề để tồn tại mà vẫn thường xuyên bị đọa đầy trong rất nhiều câu chuyện của nhà văn như Những mầm non, Hai nhà nghề, Giọt máu, Đi, Hơi thở tàn, Tết của tù đàn bà… Không được xã hội bảo vệ, phải chịu nhiều cay đắng bất công, những đứa trẻ ấy vẫn vượt qua những gian lao của tuổi thơ mà lớn lên nhưng không lúc nào không cháy lên khao khát được sống, hy vọng được hạnh phúc một cách chân thành và hướng thiện.
“Sáng tác! Thật là rứt thịt mình ra” - có lẽ Nguyên Hồng viết về số phận những đứa trẻ thiếu tình yêu thương của một gia đình không vẹn toàn như là ông viết về chính tuổi thơ cam chịu, khốn khó của mình. Những ngày tháng gian nan ấy, tuổi thơ lớn lên trong gia đình không êm ấm ấy, nhà văn cũng đã bộc bạch trong tự truyện đặc sắc Những ngày thơ ấu mà các thế hệ học sinh Việt Nam sau này đều biết đến qua đoạn trích Trong lòng mẹ đầy xúc động được giới thiệu trong sách giáo khoa.
Sau này, nhà văn tiếp tục viết về cuộc đời của mình qua nhiều trang hồi ký khác như Bước đường viết văn của tôi, Những nhân vật ấy đã sống với tôi, Một tuổi thơ văn. Cách đây không lâu, những trang nhật ký của nhà văn cũng lần đầu tiên được gia đình công bố. Những trang nhật ký của ông được viết từ 1941 - 1982 đã không chỉ cho bạn đọc được biết về cuộc sống của nhà văn mà còn như được thấy cả một giai đoạn lịch sử, đặc biệt là về đời sống văn nghệ của đất nước trong suốt hơn nửa đầu thế kỷ XX. Nhật ký Nguyên Hồng ngay khi vừa ra mắt đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của bạn đọc.
Nhà văn Nguyên Hồng nổi tiếng là người viết được ở nhiều thể loại. Khởi đầu là truyện ngắn Linh hồn ông viết năm 17 tuổi, như con gái của nhà văn đã viết trong lời đầu của cuốn Nhật ký Nguyên Hồng: “Tác phẩm đầu tay của cha tôi đã ra đời như thế đấy!... Một chàng trai mười bảy tuổi, nghèo đói đến lằn ranh của sự sống và cái chết, đã viết như ngày mai sẽ chết, để dâng tặng cho cuộc đời, cho tất cả những kiếp người đói khổ và cùng cực “những rung động cực điểm” của trái tim mình”. Sống và viết như thể ngày mai không còn, sau này, nhà văn Nguyên Hồng tiếp tục có các truyện ngắn và vừa như Bảy Hựu, Hai dòng sữa, Miếng bánh, Giọt máu, Đêm giải phóng, Giữ thóc...
Song, những tác phẩm làm nên tên tuổi của nhà văn phải kể đến dòng tiểu thuyết với Bỉ vỏ, Cửa biển, Núi rừng Yên Thế, Khi đứa con ra đời, Sóng gầm… Luôn cảm thấy mình chung số kiếp với những người nghèo khổ cùng kiệt đang sống cuộc đời lầm than khó khăn và tủi nhục nhưng vẫn một lòng tin yêu cuộc sống, lạc quan một ngày mai đây những nỗi áp bức bất công, những sự tàn bạo độc ác sẽ được vạch ra và trừ bỏ đến tận ngọn nguồn... là động lực để Nguyên Hồng lần lượt hoàn thành từng con chữ, từng trang viết như “những dòng máu không chết nặng trĩu đầu ngòi bút”.
Ông viết để gửi tặng những số phận ấy, mong muốn họ làm chứng cho sự sống của ông, việc làm của ông, nhận lấy từng trang chữ là trọn vẹn trái tim và linh hồn mà ông trao gửi. Đó cũng là một trong những nhân cách sống cao đẹp của Nguyên Hồng mà bạn văn đương thời và hậu thế luôn nhắc đến. Năm 1996, nhà văn Nguyên Hồng đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1).