Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, người trầm lặng giữa đám đông
Đám tang của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không chỉ có những người yêu văn chương Việt Nam mà còn có cả những người bạn quốc tế tới viếng cố nhà văn. Nguyễn Huy Thiệp và các tác phẩm của ông được yêu mến và chào đón ở các quốc gia hàng đầu thế giới như Mỹ, Pháp... Tất cả họ đều bày tỏ niềm tiếc thương và ngưỡng mộ một tài năng kỳ lạ và hiếm hoi của văn đàn Việt Nam cuối thể kỷ 20.
Với độc giả quốc tế, Nguyễn Huy Thiệp là một người rất đáng nể trọng về tài năng. Các tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và phát hành ở các quốc gia như Nga, Pháp, Anh, Mỹ...
Ông Nicolas Warnery, Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho biết, đây là lần đầu tiên ông đến viếng một nhà văn Việt Nam vừa qua đời và ông vô cùng xúc động chứng kiến tình cảm của bạn đọc dành cho nhà văn này: "Tôi nhìn thấy những nhà văn lớn của nhà văn Việt Nam đang có mặt ở đây. Nhà văn dù có mất đi, nhưng tác phẩm của họ còn mãi với bạn đọc" - ông nói.
Ông Nicolas Warnery nói ông đã đọc 2 tuyển tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp bằng tiếng Pháp là Tướng về hưu và Chuyện tình kể trong đêm mưa. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp được bạn đọc Pháp rất yêu thích. Ở Pháp, nói đến văn học Việt Nam là nói đến Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp.
Còn nhà sử học người Mỹ Jason Picard chia sẻ, ông đã đọc "Tướng về hưu" của Nguyễn Huy Thiệp cách đây hai mươi mấy năm. Trong đó có chi tiết, cô con dâu tên Thủy mang nhau thai trẻ con từ Bệnh viện Sản – nơi mình làm việc về để xay ra nuôi đàn chó béc giê. Chi tiết đó làm người đọc như Jason Picard hãi hùng, kinh sợ. Nhưng qua "Tướng về hưu" làm ông hiểu con người Việt Nam vào thập niên 80 đã phải làm quen và thích nghi với nhiều sự thay đổi. Đọc truyện ngắn của cố nhà văn, nhà sử học này đánh giá ông là cây bút tuyệt vời với một tư duy phi thường dựa trên cái gốc là một người học Sử.
Vài lần được gặp gỡ cố nhà văn, cảm nhận của Jason Picard về Nguyễn Huy Thiệp là một người sống nội tâm, một người suy nghĩ nhiều, trong lòng đang nghĩ về các chuyện xảy ra nhưng không nói ra, nên ông có phần trầm lặng giữa đám đông. Đặc biệt, nhà sử học người Mỹ vẫn nhớ kỷ niệm về những củ khoai lang được chia sẻ từ cố nhà văn trong một lần tới quán "Hoa ban" do Nguyễn Huy Thiệp mở.
Nhà văn Bảo Ninh, tác giả của "Nỗi buồn chiến tranh lại bảo: "Nguyễn Huy Thiệp đứng một mình một góc trên văn đàn bởi không ai có thể đứng chung được với ông. Nay ông mất đi, ngày mai sẽ có người khác, nhưng vươn tới tầm cao như ông thì chắc chắn không thể có được. Tôi cho rằng, nên chọn lọc một số tác phẩm của ông đưa vào giảng dạy trong trường để lớp trẻ biết thế nào là văn chương của thời đại mới".
Tiến sĩ khoa học Ngữ văn Đoàn Hương bày tỏ sự tiếc nuối khi ở nước ta chưa có nhiều các quỹ văn học nghệ thuật để hỗ trợ kinh phí cho các tài năng văn chương tập trung vào công việc sáng tác. Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn lớn trên văn đàn và không phải lúc nào cũng xuất hiện những tài năng kỳ lạ và hiếm hoi như thế. Các hội VHNT đông hội viên là điều đáng mừng, song lĩnh vực này lại cần tới các tài năng hơn là sự tăng lên về số lượng.
"Vì nếu không có tài năng thì không bao giờ có một nền văn học xuất sắc. Đó là một nguyên tắc. Nếu không có Lev Tonstoy, Dostoesky... thì không bao giờ có một nền văn học Nga vĩ đại. Không phải một nền văn học lớn làm nên bởi một đội ngũ các nhà văn. Đông nhưng không có tác phẩm hay. Phải có những tài năng nổi trội mới làm nên một nền văn học xuất sắc", TS. Đoàn Hương nói.
Trong điếu văn đọc tại tang lễ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đánh giá" "Văn của ông là sự trần trụi đến nghiệt ngã, nhưng đó là sự trần trụi của một người dám nhìn thẳng vào sự thật và gọi đúng tên sự thật. Văn của ông là sự nổi giận tựa như cơn hỏa hoạn nhưng đó là sự nổi giận của lương tâm trước sự suy đồi, giả dối của con người. Văn của ông là sự đau đớn đến kinh hoàng nhưng đó là sự đau đớn của tình yêu thương con người. Những tác phẩm của ông mang vẻ đẹp của những lưỡi dao mổ: chói sáng, chính xác và đau đớn. Con dao ấy đã phẫu thuật những khối u ẩn giấu trong tâm hồn con người. Nó làm con người đau đớn đến mức tưởng như không chịu đựng nổi để rồi được bình phục và lớn lên".
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đến với văn chương khá muộn. Nhưng khi "Những ngọn gió Hua Tát" và những truyện ngắn khác của ông xuất hiện thì cũng là lúc cơn bão mang tên Nguyễn Huy Thiệp trỗi dậy, thổi qua cánh rừng đời sống văn chương Việt và nó làm tất cả rung lên. Kể từ năm 1975 cho tới lúc này, chưa có nhà văn nào có khả năng làm thay đổi một cách sâu sắc thi pháp và tinh thần văn xuôi Việt Nam như ông. Và cho tới lúc này, ông vẫn là người trị vì ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại.