Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc: Chắt lọc ngôn từ trên từng trang viết

Viết văn, viết báo và viết cả kịch bản phim truyền hình, ở lĩnh vực nào nhà văn Nguyễn Minh Ngọc cũng có dấu ấn riêng. Trên trang viết, nhà văn khoác áo lính đi sâu vào nội tâm nhân vật, đồng thời chú trọng đến văn hóa, ngôn ngữ vùng miền. Từ những trang viết của ông hiện lên bao thân phận, bao vẻ đẹp con người...

1 Gặp lại nhà văn - đại tá Nguyễn Minh Ngọc tại trại sáng tác văn học ở Vũng Tàu, tôi thấy ông chẳng già đi chút nào và vẫn gần gũi, đôn hậu. Nhà văn khoác áo lính chia sẻ rằng ông đang viết bộ tiểu thuyết về không quân. Chất liệu cho bộ tiểu thuyết này là từ 50 tập kịch bản phim truyền hình Cao hơn bầu trời do chính ông chấp bút. Có vẻ như nhà văn đi ngược.

Thường thì người ta sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết, sau đó chuyển thể thành kịch bản phim, còn ông viết kịch bản phim trước rồi lại bắt tay vào viết tiểu thuyết. Dường như sau khi khép lại 50 tập kịch bản phim Cao hơn bầu trời, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc vẫn còn nhiều điều để viết về những người lính phòng không - không quân - đồng chí đồng đội của ông.

Nhà văn - đại tá Nguyễn Minh Ngọc. Ảnh: YÊN LAN

Nhà văn - đại tá Nguyễn Minh Ngọc. Ảnh: YÊN LAN

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc sinh năm 1957, quê ở Đức Quang (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). 18 tuổi, ông nhập ngũ, khi đất nước còn chiến tranh. Tháng 10/1975, ông về quân chủng Phòng không - Không quân.

Tràn đầy nhiệt huyết, anh lính trẻ hăng say rèn luyện và trưởng thành trong quân ngũ. Năm 1980, ông Nguyễn Minh Ngọc được cử đi học tại Trường Sĩ quan Không quân. Học xong, ông gắn bó với ngôi trường này, từng giữ cương vị Trưởng ban Tuyên huấn của trường.

Có thể nói, những năm tháng tươi trẻ và đẹp nhất của người lính Nguyễn Minh Ngọc là khoảng thời gian làm nhiệm vụ trong quân chủng Phòng không - Không quân. Chính vì vậy, ông ấp ủ viết một bộ tiểu thuyết về đề tài này.

Biết Nguyễn Minh Ngọc “có cả kho vốn” về phòng không - không quân, Nghệ sĩ Ưu tú Văn Lê - nhà biên kịch - đạo diễn phim tài liệu, đồng thời cũng là nhà văn - một người bạn vong niên mà ông rất quý trọng về tài năng lẫn nhân cách, động viên ông viết kịch bản phim.

Giữa năm 2011, qua sự kết nối của Nghệ sĩ Ưu tú Văn Lê, Giám đốc Hãng phim Giải phóng mời nhà văn Nguyễn Minh Ngọc đến, đề nghị ông viết kịch bản một bộ phim truyền hình nhiều tập về quân chủng Phòng không - Không quân, hướng tới kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972-12/2017).

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc (hàng đầu, đội mũ) chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà văn, nhà báo trong chuyến đi thâm nhập thực tế đến Trại giam Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: YÊN LAN

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc (hàng đầu, đội mũ) chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà văn, nhà báo trong chuyến đi thâm nhập thực tế đến Trại giam Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: YÊN LAN

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc bất ngờ, bởi ông vốn rất mê kịch bản phim nhưng chưa từng viết bao giờ. Quãng thời gian sống và làm việc ở Nha Trang, ông thân thiết với nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Khắc Phục.

Vì thương quý Nguyễn Minh Ngọc nên tác giả các kịch bản phim truyện nhựa Chiến trường chia nửa vầng trăng, Sơn ca trong thành phố, Tự thú trước bình minh, Nhiệm vụ hoa hồng... thường đưa cho ông đọc các kịch bản phim. Nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Khắc Phục không hề nói viết kịch bản là phải thế nào.

Trước lĩnh vực quá mới mẻ và thấy nhiệm vụ quá nặng nề, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc chạy đến gặp Nghệ sĩ Ưu tú Văn Lê: “Khó quá anh ạ”. Bậc đàn anh cười nhẹ: “Dễ xơi chả tới lượt mình”. Ông Văn Lê nói vắn gọn: “Kịch bản phim là câu chuyện bằng hình ảnh”. Nghe vậy, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc hình dung mình cần phải làm gì.

Sau khi đề cương được duyệt, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc bắt tay vào viết, và ông viết thành kịch bản phân cảnh luôn. Viết say sưa, mê mải, ông nói vui là như bị “ma ám”. Thậm chí có những lúc đang đi trên đường, thấy một nơi mát mẻ, có thể ngồi viết được là ông dừng xe ngồi lại, bật laptop lên và viết. Thời gian đầu, ông mất khoảng 10 ngày để viết xong kịch bản một tập phim, sau đó ông rút xuống còn khoảng 7 ngày cho mỗi tập.

Cứ viết xong 5 tập, ông giao hãng phim để hãng quay cho kịp tiến độ. “Viết được 25 tập thì tôi bị té xe, gãy đôi xương bánh chè. Lúc đó, Đài Truyền hình Việt Nam đã công bố lịch chiếu phim rồi, có nghĩa là tôi đã ngồi lên lưng cọp rồi. Không còn cách nào khác. Chân đang bó bột, tôi vẫn ngồi viết cho xong 50 tập, hết 2.500 trang kịch bản trong vòng 11 tháng”, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc nhớ lại.

Một phần tư thế kỷ gắn bó với Trường Sĩ quan Không quân đã giúp “nhà biên kịch trẻ” Nguyễn Minh Ngọc rất nhiều. Ông kể: “Viết về cuộc đối đầu với siêu pháo đài bay B52, đánh nhau bằng tên lửa, bằng MiG-21 trên bầu trời..., quan trọng nhất vẫn là công tác chỉ huy, công tác tham mưu. Người ngoài dù có tưởng tượng giỏi mấy cũng chịu. Tôi là người gắn bó với Không quân trọn 30 năm nên thuộc nhiều ngõ ngách và số phận”.

Bộ phim Cao hơn bầu trời do Hãng phim Giải phóng sản xuất, được Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng từ tháng 11/2017, nhân kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Phim tái hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân, dân miền Bắc, điểm nhấn là cuộc chiến trên không Hà Nội 12 ngày đêm.

Phim về đề tài lịch sử, song tác giả không chép lại lịch sử mà xây dựng theo lăng kính thẩm mỹ của mình, khắc họa sống động hình ảnh những người con của miền Nam đánh giặc trên bầu trời miền Bắc, các sĩ quan điều khiển tên lửa, các pháo thủ và trắc thủ radar… gan dạ, mưu trí trong chiến đấu, lãng mạn và hào hoa trong cuộc sống đời thường. Phim có 140 nhân vật, biên kịch đặc biệt chú trọng ngôn ngữ của họ. Tác giả xoáy sâu vào thân phận con người trong cuộc chiến chứ không mô tả chiến trận theo kiểu “ùng, oàng, ta thắng, địch thua”.

Những cây bút trẻ luôn có sự mới mẻ, có sự đam mê và chắc chắn là họ có cách nhìn khác với lớp cha anh. Họ sẽ thổi luồng sinh khí mới cho văn học.

Nhà văn - đại tá Nguyễn Minh Ngọc

2Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Huế, khoa Ngữ văn (năm 1991), ông Nguyễn Minh Ngọc từng nhiều năm làm biên tập viên văn xuôi Tạp chí Nha Trang và cộng tác biên tập cho Báo Khánh Hòa. Rời thành phố biển sau 25 năm gắn bó, ông được Bộ Quốc phòng điều về Chi nhánh NXB Quân đội nhân dân, thường trực Tạp chí Văn hóa Quân sự tại TP Hồ Chí Minh từ năm 2005 đến năm 2015 cho tới khi nghỉ hưu.

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc đã ra mắt bạn đọc hàng chục đầu sách, trong đó có 5 tập truyện ngắn: Cành mận trắng, Bay đêm, Chị Ngần, Người đàn bà trước biển, Đất lành; 2 tập truyện dài Một cõi ấu thơ Đất thiêng. Được biết đến nhiều hơn trong vai trò nhà văn song với vai trò nhà báo, cây bút Nguyễn Minh Ngọc rất có duyên với thể tài bút ký, ký sự.

Ông đã in 5 tập bút ký: Một thời và mãi mãi, Trong nắng gió Trường Sa, Một thoáng đất và người, Danh thơm một vùng đất, Núi rộng sông dài, 2 tập ký sự: Những bông hoa Đất Thép Địa đạo Củ Chi. Ông sắp ra mắt cuốn tiểu thuyết đầy dặn Miền cỏ tranh cùng 2 cuốn khác.

Như bao nhà văn khoác áo lính, ông luôn xúc cảm mạnh mẽ khi viết về chiến tranh cách mạng. Xem nhà văn Kim Lân là người thầy đầu tiên nên ông Nguyễn Minh Ngọc đặc biệt chú trọng đến văn hóa, ngôn ngữ vùng miền trong từng tác phẩm. Theo ông, ngôn từ phải phù hợp với không gian, bối cảnh tác phẩm và phải được chắt lọc.

Hãy đọc đoạn mở đầu truyện ngắn Đêm chiến tranh của ông: “Thằng nhỏ bận quần cụt, phơi mảng bụng và tấm lưng trần mốc cời, loang lổ. Từ trong nhà, nó nhảy cò cò ra sân rồi nhót về phía cuối vườn, nơi có đám khói mỏng ngoằn ngoèo bò loang trong nắng sớm. Thiếu phụ vận bà ba đen, tóc buộc sợi thun đỏ, dáng cân đối, khỏe mạnh.

Lum khum trước cửa lò đắp nổi, hai tay chị cầm que cời chọc qua, kéo lại. Lửa cháy phực lên. Bên trên là chiếc nồi bự có gắn cái thùng được trét kỹ quanh miệng, nối với bình ngưng ngùn ngụt tỏa hơi. Dưới đất, ngổn ngang củi cành, lủ khủ đồ đựng, phễu… Hơi nóng phả lên vừng trán thiếu phụ lấm tấm những giọt mồ hôi. Đôi gò má chín ửng như vừa nếm thử ly rượu gốc. Nghe bước chạy lấp vấp, chị đưa tay quệt ngang trán rồi ngửng lên trìu mến nhìn con. Một gương mặt trái xoan đầy đặn, mặn mòi. Như sợ ai đó nghe thấy, đứa nhỏ xáp vô ôm ngang lưng mẹ nó, thì thào:

- Ổng thức rồi má ơi!

- Thiệt hả? Con nghe ổng nói gì hông?

Thằng bé lắc đầu. Thiếu phụ gỡ con ra rồi đưa tay xoa mớ tóc dựng rễ tre của nó. Chị quày quả đứng lên.

- Coi lửa giùm má. Có ai đến, con nhớ kêu liền nghen! Kêu to…

- Dạ, con biết rồi!”...

Ngôn từ rặt Nam Bộ. Đọc tác phẩm này, hẳn sẽ có không ít độc giả tin rằng tác giả là người miền Tây Nam Bộ. Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc thổ lộ: “Tôi chỉ đi qua miền Tây Nam Bộ thôi. Đến một vùng đất nào, mình cũng tìm hiểu về văn hóa, nhất là lời ăn tiếng nói và đời sống người dân ở đó”.

Trên những trang viết của mình, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc đi sâu vào nội tâm nhân vật. Ông nói rằng phải khai thác suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của con người thì tác phẩm mới có chiều sâu. Từ những trang viết của ông hiện lên bao thân phận, bao vẻ đẹp con người.

Tác giả Bay đêm, Người đàn bà trước biển, Đất thiêng... đánh giá cao vai trò của các nhà văn trẻ. Ông nói: “Tương lai của văn học thuộc về lớp trẻ. Những cây bút trẻ luôn có sự mới mẻ, có sự đam mê và chắc chắn là họ có cách nhìn khác với lớp cha anh. Họ sẽ thổi luồng sinh khí mới cho văn học. Văn học cần sinh khí”.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/317725/nha-van-nguyen-minh-ngoc--chat-loc-ngon-tu-tren-tung-trang-viet.html