Nhà văn Nguyễn Một: Luôn lạc quan dưới mọi góc nhìn
Nguyễn Một được nhiều người biết đến là nhà văn, nhưng trời còn phú cho ông cả tài hoa về thơ, họa, thư pháp và cách ăn nói hài hước. Từ những người bạn tri kỷ cho đến người trẻ lần đầu được trò chuyện cùng ông đều có cảm nhận, ở Nguyễn Một luôn có những góc nhìn lạc quan, nhẹ nhàng mà sâu sắc.
Chiến tranh đã cướp đi cha mẹ cùng tuổi thơ ở mảnh đất xứ Quảng, nhà văn Nguyễn Một sau đó đã lưu lạc cùng người cậu ruột vào xứ Đồng Nai với gạo độn củ mì. Ông tiếp tục giữ ý chí học hành rồi trở thành thầy giáo ở một ngôi trường dưới chân núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc). Cơ duyên với văn chương đã dẫn lối đưa thầy giáo nghèo Nguyễn Một dấn thân vào nghề báo, rồi trở thành Giám đốc cấp cao Văn hóa - truyền thông của Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group).
Người “mắn” giải văn chương
Làm giám đốc cấp cao của một tập đoàn lớn vốn bộn bề công việc quanh năm nhưng nhà văn Nguyễn Một vẫn không “dứt” ra được với tình yêu văn chương. Đến nay, ông đã cho ra đời gần 20 đầu sách thuộc nhiều thể loại như: tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký… Nhiều tác phẩm của ông đã được công chúng đón nhận như: Trước mặt là dòng sông (Giải thưởng Truyện ngắn hay Tuần báo Văn nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002), Đất trời vần vũ (giải C tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010).
Năm 2023, nhà văn Nguyễn Một tiếp tục gây chú ý trong giới văn chương chuyên nghiệp khi ông cho ra mắt tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, một tiểu thuyết viết về chiến tranh. Tác phẩm này đã giành được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và sau đó được tái bản nhiều lần. Đặc biệt, tiểu thuyết này còn giúp ông giành được Giải thưởng Nhà văn Đông Nam Á (S.E.A Write Award), do Hoàng gia Thái Lan và Hội Nhà văn Thái Lan tổ chức vào đầu tháng 11-2024.
Nói về những đứa con tinh thần của mình, nhà văn Nguyễn Một chia sẻ: “Để có một tiểu thuyết đi vào lòng công chúng, tôi luôn kỳ công nuôi dưỡng, bởi một tác phẩm muốn được công chúng đón nhận thì không thể viết hời hợt. Có tác phẩm tôi đã phải đầu tư tới 10 năm rồi mới quyết định ra mắt độc giả. Mỗi cuốn sách với tôi là một công trình để đời cho thế hệ sau nên càng phải nghiêm túc”.
Từng được nhận khá nhiều giải thưởng văn chương uy tín nhưng nhà văn Nguyễn Một chia sẻ, ông cảm thấy tự hào nhất là khi được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 2023 dành cho tác phẩm Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín. Với ông, một tác phẩm ra đời được bạn đọc và công chúng đón nhận đã là hạnh phúc với người cầm bút, nhưng nếu có thêm giới chuyên môn của Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá và công nhận nữa thì hạnh phúc càng trọn vẹn.
Đưa chất nhân văn Nguyễn Một vào sách
Dù trải qua tuổi thơ bất hạnh cùng quá khứ nghèo khó nhưng từ đời thực cho đến các tác phẩm văn học mà nhà văn Nguyễn Một cho ra đời luôn toát lên sự lạc quan, tử tế, vị tha và giàu tính nhân văn.
Nhà văn Nguyễn Một cho hay: “Khi sinh ra không ai được quyền lựa chọn số phận, vì vậy phải học cách chấp nhận nó. Điều quan trọng là mình phải làm cho số phận của mình tốt hơn và phục vụ cho nhân loại tốt hơn”.
Nhà văn Nguyễn Một tâm sự, ông thường nói với nhân viên của mình rằng: “Đừng trách những gì chống lại mình như số phận không may mắn. Ví như cái tựa lưng ghế thôi, nếu không có nó thì người ta sẽ không bao giờ ngồi vững vàng trên cái ghế đó lâu được. Hay như một cái cây khi mới trồng, nếu như không có vài ba cái cây khác chống lại nó, thì hỏi sao nó có thể đứng vững trước dông gió của thiên nhiên. Những khó khăn trong cuộc sống sẽ thực sự khiến ta vững vàng, bản lĩnh hơn nếu như tìm được những góc nhìn tích cực”.
Có nhiều người đã từng hỏi nhà văn Nguyễn Một, bằng cách nào ông có thể chịu được bất hạnh, vượt qua được khó khăn, khổ ải? Ông trả lời đầy lạc quan rằng: “Khó khăn trong quá khứ chính là gia sản của tương lai hiện tại. Tôi chỉ phát huy gia sản ấy, làm cho nó tốt hơn lên mà thôi. Ngay trong các tác phẩm tôi viết thường rất khốc liệt, nhưng tôi luôn nhìn cuộc sống, số phận con người bằng một lăng kính tích cực, nhân văn, hiền hòa”.
Nhà văn Nguyễn Một: Hãy bổ sung kiến thức cho mình bằng sách
Ngày xưa, tôi chỉ tốt nghiệp trung học sư phạm, sau này có điều kiện mới học đại học tại chức nên tôi thiếu rất nhiều kiến thức. Tôi tìm cách bù đắp lại bằng cách đọc thật nhiều sách ở các thể loại, thiếu cái gì đọc cái nấy. Đọc nhiều thì phát triển được tư duy, trí tưởng tượng, còn xem, nghe nhiều sẽ giúp bạn có được nhiều thông tin hơn.
Tin vào sức sống của sách
Giới văn chương luôn lo ngại văn hóa đọc của công chúng, nhất là trong giới trẻ, đang thay đổi và mai một, khiến sách mất dần vị thế vốn có của nó. Thay vì đọc sách, nhiều người chuyển qua tiếp cận thông tin bằng các thiết bị thông minh, hay những thiết bị nghe nhìn khác. Thế nhưng, dưới góc nhìn của nhà văn Nguyễn Một, điều đó không thực sự đáng ngại, thậm chí ông tin rằng sách sẽ lấy lại vị trí lẫn giá trị vốn có của nó trong đời sống người Việt. Ví như cuốn tiểu thuyết Ngược mặt trời, hay Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của ông. Sau khi ra mắt, cả 2 tác phẩm này đã được tái bản nhiều lần, trong đó có rất nhiều người tìm đọc lại là bạn đọc trẻ tuổi.
Chẳng hạn như nhiều nước phương Tây, hay gần hơn chúng ta là Nhật Bản cũng đã có thời bùng nổ thông tin, mọi người tiếp cận thông tin bằng thiết bị thông minh, nhưng rồi đến khi bão hòa thông tin thì phương Tây hay Nhật Bản đã trở lại với sách. Không tìm đâu xa, nhiều người nước ngoài đến Việt Nam ngày nay luôn mang theo sách và ngồi đọc chăm chú ở bất cứ nơi đâu có thể.
So sánh với cách tiếp cận thông tin của thế hệ trước đây và ngày nay, nhà văn Nguyễn Một cho rằng, ngày xưa thông tin rất ít nên rất quý giá với mọi người. Ví như ông khi còn là học sinh, chỉ cần tờ giấy gói bánh mì có chữ thôi là ông mê mẩn ngồi đọc, hay phần lớn thời gian là ngồi trong thư viện, đọc đủ mọi loại sách, nhờ vậy có thêm nhiều kiến thức quý giá phục vụ cả cuộc đời.
Nhà văn Nguyễn Một cho rằng, ngày nay thông tin quá nhiều nên không nhất thiết phải bắt người trẻ quá chú tâm vào cách đọc, hay nhất thiết phải đọc sách, chỉ cần họ còn đọc là đã quý lắm rồi. Ông cũng cho rằng: “Hãy để cho người đọc, đặc biệt là giới trẻ, đọc theo cách của riêng họ, biết đâu một chút gì đó đọng lại sau những lần đọc đó lại có thể thay đổi được cả cuộc đời của họ”.