Nhà văn Nguyễn Một: Những ám ảnh trong tâm thức
Sau thành công của hai cuốn tiểu thuyết 'Đất trời vần vũ' và 'Ngược mặt trời', nhà văn Nguyễn Một tiếp tục phủ sóng diễn đàn văn chương với cuốn tiểu thuyết mới tinh, nóng hổi vừa ra mắt bạn đọc giữa tháng 6/2023 'Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín'.
Có lẽ đề tài về chiến tranh chưa bao giờ vơi cạn trong tâm thức của nhà văn Nguyễn Một, nên một lần nữa anh đã dành trọn vẹn cảm hứng, sự sáng tạo nghệ thuật cho thể tài này. Và viết với anh cũng như là một cách cô đặc lại những trầm tích ký ức, đóng khung lại một “album lịch sử” bi tráng một thời của dân tộc mình theo cách riêng của Nguyễn Một.
Dù với cách nào thì nhà văn Nguyễn Một cũng đã để lại những giá trị lớn lao cho văn học, cho lịch sử và cho tâm hồn của mỗi chúng ta biết cách lớn lên trưởng thành trong thời đã qua và thời ta đang sống. Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Một xung quanh vấn đề này.
- Thưa nhà văn Nguyễn Một, tên tiểu thuyết mới của anh khá lạ. Nhưng nếu bạn đọc chưa đọc sẽ không hiểu vì sao anh chọn “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín?” trong 24 giờ của một ngày. Anh có thể chia sẻ một chút về tên cuốn sách?
+ Vâng nếu bạn nào chưa đọc thì sẽ không hiểu nhưng nếu ai đã đọc hoặc người Công Giáo thì sẽ hiểu. Tôi trích Kinh Thánh Công giáo đoạn Chúa Giê Su tử nạn để ẩn dụ cuộc chiến khủng khiếp trên đất nước tôi như “chén đắng” mà Ngôi hai Thiên Chúa đã gánh chịu khi giáng thế làm người. Tất nhiên qua theo dõi trên Facebook thì bạn đọc có nhiều cách lý giải khác nhau và thậm chí còn thú vị hơn cả tác giả!
- Được biết anh chưa một ngày nào cầm súng trên chiến trường, nhưng vì lẽ gì chiến tranh luôn trở đi trở lại day dứt trong các trang viết của anh, dày vò tâm thức anh, hiện ra sống động và hiện thực đến như thế? Đã đành nhà văn trí tưởng tượng là điều kiện tiên quyết để đi đến thành công trong sáng tạo. Nhưng với tiểu thuyết mới này, cảm tưởng như anh vừa bước ra từ hiện thực ám khói, hăng mùi thuốc súng và tươi ròng những được mất, những số phận, những mảnh đời…
+ Tôi xin trích một đoạn trong bài viết của nhà triết học Nguyễn Hoàng Đức để trả lời câu hỏi này của chị vì tôi cho là anh ấy đã giải mã được vấn đề chị đặt ra: “Với nhà văn Nguyễn Một, trong cuốn “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” ta thấy rất rõ sứ mệnh của tác giả viết cuốn này ngay từ trong bào thai định mệnh. Nguyễn Một quê ở Quảng Nam, chiến trường rung chuyển ác liệt của cuộc chiến. Cha của anh bị bắn chết khi anh chưa đẻ. Lúc anh bốn tuổi, mẹ đang bồng anh ngủ thì bị một viên đạn vu vơ bay vào trúng đầu, máu tuôn xối xả ướt cả thân anh… Nguyễn Một lớn lên trong tiếng súng, mà không phải từ lúc đó anh mới trải nghiệm tâm cảm của chiến tranh, bởi lẽ ngay từ lúc là thai nhi anh đã cùng nhịp đập với mẹ mình, hoảng hốt, lo sợ, ngay ngáy trăn trở về cuộc chiến, mẹ anh thảng thốt, buồn đau, sợ hãi khi cha anh mất, rồi cùng gia đình, hàng xóm chui rúc hầm tối, tang thương trước những cái chết lãng nhách… Người ta còn có cả tiềm thức và vô thức nữa, cái anh lớn lên chứng kiến cuộc chiến chỉ là ý thức thôi so với đại dương vô thức của anh và cả cộng đồng…”.
- Đề cập một chút đến bút pháp của anh ở tiểu thuyết này. Nếu như trước đó sở trường của anh là nghệ thuật huyền ảo, anh khá thành công khi chạm đến trái tim độc giả phong cách này, thì với “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” anh sử dụng triệt để bút pháp hiện thực. Làm cách nào để anh vẫn giữ được sự uyển chuyển trong hai bút pháp khi sử dụng để sáng tạo nghệ thuật?
+ Nhà văn Sương Nguyệt Minh đã từng nhận xét: “Trong bút pháp nhà văn Nguyễn Một không bao giờ chấp nhận đi theo con đường xưa cũ”. Có thể nói “Đất trời vần vũ” tôi chọn bút pháp “hiện thực huyền ảo”, nhưng “Ngược mặt trời” tôi nghĩ ra bút pháp “rời rạc” để bạn đọc tự kết nối. Còn với tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”, nhiều người nhận xét cho rằng đó là bút pháp hiện thực, nhưng tôi “mới” bằng lối viết “tiểu thuyết trong tiểu thuyết”, cho tới giờ này thì nhà phê bình văn học Bùi Quang Huy là người đầu tiên nhận ra điều này sau ba lần đọc kỹ cuốn sách của tôi.
- Vậy nếu xét về phong cách thì anh thấy ở cách viết nào thuộc anh hơn?
+ Xin trả lời chị là đối với tôi không lệ thuộc bất kỳ cái “khung” nào định trước, tới giờ này tôi vẫn giữ tính cách luôn ngạc nhiên với cuộc đời kiểu “vô rừng gặp gái, ra đường cái gặp cọp” nên tôi không lệ thuộc phong cách! (cười).
- Tôi hỏi như vậy là bởi vì bản thân tôi cũng như nhiều độc giả, khi đọc xong “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” đều xen lẫn cảm xúc như thể đọc chính cuộc đời của nhà văn, hay cuộc đời của một ai đó mình từng bắt gặp. Những mảnh kí ức gần gũi đâu đây như được cắt ra, được xúc lên, được bày biện trong bữa tiệc ngôn từ… mà đâu đó vẫn gây liên tưởng cho người đọc tới những nhân vật thật. Vậy giữa hiện thực và hồi kí nếu không có sự mạch lạc và vững chắc trong bút pháp, nhà văn có bao giờ bị lạc lối không?
+ Khi tôi ngồi vào bàn để gõ phím thì câu chữ tuôn ra, lúc ấy tôi không chú tâm bút pháp, dù trước khi viết tôi có định vị là viết theo kiểu gì, nên một người bạn nhận xét: “Nguyễn Một viết như ma ám!”. Rất may là đến giờ này tôi vẫn chưa bị “ma chữ” dẫn đi lạc và thú thật khi viết tôi cũng có hình dung là bạn đọc liên tưởng điều gì, nhưng hình dung được hết những phong phú mà đọc liên tưởng, nhiều nhận xét bạn đọc khiến tôi giật mình vì quá thông minh vượt xa sự tưởng tượng của tôi! Thật lạ ở chỗ là tôi viết cùng lúc hai cuốn sách đó là tiểu thuyết chị đã đọc và trong máy tính còn cuốn hồi ký tạm đặt tên “Mây đen bay qua” đã hoàn tất nhưng tôi chưa muốn xuất bản. Cả hai cùng viết xen kẽ nhau mà vẫn không bị lẫn vào nhau, tôi nghĩ chắc là Chúa phù hộ! (lại cười).
- Gương mặt chiến tranh trong “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” là một gương mặt đồng hiện thực tại và quá khứ. Chiến tranh trong ngòi bút của Nguyễn Một đã xé nát tất cả cuộc đời của các nhân vật. Chiến tranh qua lâu rồi nhưng tiếp tục còn âm ỉ một chiến trường của hiện tại với ngổn ngang những yêu thương, mất mát, đổ vỡ… làm cách nào để nhà văn chúng ta trước hiện thực cuộc sống có thể làm tốt được thiên chức của người nghệ sĩ, và nghệ thuật giúp chúng ta vá lấp và chữa lành được cả những vết thương sâu hoắm trong tâm hồn ta ở đời sống hôm nay?
+ Câu trả lời có ngay trong tác phẩm ở trang 314 (cuốn tái bản), nhân vật Tâm nói với người yêu mình: Tình yêu của em quá lớn khiến anh mới thấy mình không xứng đáng. Lịch sử là điều mà con người không thể thay đổi, đừng để lịch sử giày vò tương lai của chúng ta…”. Hay trong tiểu thuyết "Ngược mặt trời" tôi có viết: “Có thể sai nhưng đừng ác, có thể ghét nhưng đừng hận thù”. Tôi luôn bám vào triết lý này để sống và viết, còn có “chữa lành” được hay không thì tôi không biết!
- Là một nhà văn với nội lực sáng tạo lớn với lí lịch tác phẩm văn chương dày dặn từ khi còn là một cây bút trẻ với bút danh Dạ Thảo Linh; một nhà báo lão luyện; một người làm truyền thông khá nổi tiếng của tập đoàn ô tô Trường Hải. Công việc của anh khá phong phú và nhiều màu sắc, anh có thể chia sẻ cách làm thế nào để cân bằng giữa con người sáng tạo nghệ thuật và con người thực tế của truyền thông marketing.
+ Thực ra mọi nghề nghiệp tưởng chừng bình thường như nấu ăn, cắt tóc hay bất cứ nghề gì thì khi đạt đến “tác phẩm tốt” đều giống nhau là ở chỗ có “trí tưởng tượng phong phú”, như nhà bác học Einstein từng nói: "Logic sẽ đưa chúng ta từ điểm A đến điểm B. Trí tưởng tượng sẽ đưa chúng ta tới mọi nơi", nên tôi thấy chẳng có gì khác nhau giữa cuộc sống, công việc và viết văn. Tôi không thích dùng chữ “sáng tạo” vì chữ đó là công việc của Chúa, con người không có “sáng tạo” gì thoát ra khỏi “tạo hóa”, chữ đó chỉ làm cho con người trở nên kiêu ngạo tưởng mình là “Đấng sáng thế” và mọi tội lỗi từ đó mà ra! Tôi cũng nói thêm đối với công việc quản trị sếp tôi dạy chỉ cần làm tốt ba việc chính là: Chọn đúng người, giao đúng việc và ra quyết định đúng thời điểm, nên tôi vẫn có thời gian cho đam mê của mình.
- Trân trọng cảm ơn anh!
Nhà văn Nguyễn Một sinh ngày 14/12/1964. Ông sinh ra và lớn lên trong những năm tháng chiến tranh, và chiến tranh đã biến ông thành trẻ mồ côi khi mới tròn 4 tháng tuổi. Nỗ lực để sống và vươn lên với ông đã là một kỳ tích.
Ông còn là một nhà báo, nhà văn thành công, là tác giả của hơn 20 đầu sách đa dạng thể tài như truyện ngắn, tiểu thuyết, bút kí, tản văn… trong đó có 3 cuốn tiểu thuyết gây tiếng vang trên văn đàn là “Đất trời vần vũ”; “Ngược mặt trời” và mới đây nhất là “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”.
Ông từng đoạt giải C cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn 2010 với tác phẩm “Đất trời vần vũ”. Tiểu thuyết này được dịch và đưa vào thư viện Quốc hội Mỹ với nhan đề “Heaven and Earth in Tumult”. Hiện nhà văn đang là Giám đốc cao cấp phụ trách Văn hóa – Truyền thông của Tập đoàn THACO.