Nhà văn Nông Viết Toại - Người kết nối văn hóa Tày - Việt
Nhà văn Nông Viết Toại là con út trong gia đình có bốn anh em trai. Cha là thầy tào, biết chữ Hán, làm thơ, đối đại tự khá đẹp và có tiếng trong vùng, mẹ làm ruộng, cần cù lao động thành thạo cáng đáng gia đình, thông minh nhanh nhạy ứng xử các việc xóm giềng xã hội. Năm 1937, ông thi sơ học yếu lược, đỗ loại ưu nhưng phải bỏ học do bố mất, mẹ và anh cả chỉ lo cho anh trai thứ hai ra học ở tỉnh hết lớp nhất. Sau gia đình có mời những thầy đồ về dạy chữ Hán tại nhà nên ông được học với 4 thầy, trong đó có đồ Hậu tức nhà thơ Hoàng Đức Hậu.
Ngay từ thuở nhỏ ông đã được theo bố đi làm tào, đi đám cưới, mẹ ông cũng thuộc rất nhiều bài Phong slư, lượn, những bài về mối tình ngang trái… điều đó ghi dấu ấn sâu đậm trong ông.
Ông kể lại: “Khi 16 tuổi đã chớm nở biết yêu đương. Trong lũ trẻ chơi với nhau từ ngày còn nhỏ, khi lớn lên tôi thân với hai bạn gái. Hai năm trước đó, những ngày chăn trâu trên triền núi, các bạn cứ níu giữ tôi ngồi lại trò chuyện nhưng tôi chỉ muốn cùng với nhóm bạn trai trèo cây lấy tổ chim hoặc lên rừng chặt cây dựng lều ở trên đồi. Trong số bạn gái có cô cùng xóm Hoàng Phài là bạn tri kỷ tâm huyết nhất. Mẹ tôi đã ngầm đi nhờ thầy Nho so mệnh nhưng mệnh không hợp nên đã không thành vợ chồng “Gạo tẻ là chồng, gạo nếp là bạn” là thế (Ngạn ngữ Tày: Khẩu chăm pỏ phua, khẩu nua pỏ chụ)”.
16 tuổi, phải chia xa tình yêu chớm nở để đi ở rể ở một làng xa, Nông Viết Toại đã viết bài Phong slư đầu tiên gửi gắm niềm tâm sự của mình. Bức Phong slư đó ông đã vận dụng khá nhiều vốn “lượn cọi, phuối pác” vào thực tiễn tình yêu của mình, lại được anh trai thứ ba sửa chữa, bổ sung nên có thêm phần lâm ly thống thiết.
“Một chiều cuối tháng 4 âm lịch năm 1942, tôi cùng anh trai (nhà thơ Nông Quốc Chấn) đang đắp bờ ruộng thì được anh Đồng Văn Đàn ở bản Hoàng Phài đến tuyên truyền vào Hội Việt Minh, dù mới 16 tuổi còn lơ mơ về tôn chỉ, mục đích của Việt Minh nhưng nghe anh Đàn nói vào hội thì sau này có thể được đi học bên Tàu, bên Nga khiến tôi rất thích thú. Sau đó ít hôm, một buổi tối tôi được triệu tập dự một cuộc họp trên đồi Còi Slằm. Tại đây, tôi đã được kết nạp vào Hội Việt Minh. Dưới ánh trăng đầu tuần tháng năm, tôi giơ nắm tay lên thề vào hội. Trước khi giải tán cuộc họp, mọi người cùng giơ tay hô khẩu hiệu: “Toàn dân đoàn kết! Đánh Tây đánh Nhật! Hồng quân Nga đại thắng! Tổng bộ Việt Minh vạn tuế!”.
Nhà văn Nông Viết Toại chia sẻ.
Từ đây ông bắt đầu con đường hoạt động cách mạng, đây cũng là bắt đầu cuộc đời hoạt động nghệ thuật.
Đầu năm 1945, trong Đội Tuyên truyền kháng Nhật của huyện Ngân Sơn, có một chàng thanh niên Tày hoạt động sôi nổi. Cùng với các đội viên khác, chàng thanh niên ấy đã nhen nhóm ngọn lửa yêu nước trong trái tim những người dân miền núi nghèo bằng việc phổ biến một số bài ca sang lời Tày từ Tiến Quân ca, Nhớ chiến khu, Đàn chim Việt, Mùa đông chiến sĩ… Hoạt động tích cực của Đội tuyên truyền kháng Nhật đã góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.
Sau ngày Nhật đảo chính (09/3/1945), ông được đồng chí Doanh Hằng (là một trong 3 đảng viên của Chi bộ Chí Kiên, Chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn, nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn; nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Thái) giao phụ trách các xã vận động Nhân dân ủng hộ cách mạng, chống Nhật, sau đó tham gia Đội Thông tin tuyên truyền chống Nhật của châu do đồng chí Nông Quốc Chấn và Việt Tước phụ trách.
“Không khí công tác hồi đó vui lắm, cán bộ đoàn thể đến từng xóm chỉ cần thông tin là bà con già trẻ trai gái nhanh chóng có mặt. Nơi họp có thể là đám ruộng, sân nhà hoặc trong nhà, ngày hoặc đêm, sau khi các cán bộ nói chuyện, tuyên truyền, còn tôi thì bắt nhịp bà con hát theo những bài hát cách mạng hồi bấy giờ như: Hai lủng quang, Pì noọng ơi, Than mất nước bằng tiếng Tày… ai ai cũng chăm chú nghe cán bộ nói chuyện và cùng hát ca với tinh thần rất phấn chấn”.
Nhà văn Nông Viết Toại kể lại
Thời gian này, ông còn tham gia soạn thảo những tờ bản tin của huyện, nó là những tờ báo sơ khai tiền thân của báo chí cách mạng của tỉnh Bắc Kạn hiện nay.
Ông bắt đầu làm thơ vào năm 1947-1948. Những bài thơ sáng tác trong thời gian đầu của Nông Viết Toại mang hơi hướng thơ của thầy đồ Hoàng Đức Hậu – người được coi là “ông hoàng” thơ nôm Tày, cũng là người thầy dạy chữ và dạy cách làm thơ cho ông.
Về sau, thơ Nông Viết Toại có sự thay đổi dần về hình thức, đến với cách thể hiện mới để thơ theo kịp với sự phát triển của thời đại. Các bài: Bâư toong van tải hả (Tàu lá dong thứ năm), Bại bâư tranh (Những bức tranh), Kha tàng mừa Thái (Con đường về Thái), Đồng hồ (Cái đồng hồ), Lẩn toẹn tức Mỵ (Kể chuyện đánh Mỹ), Pjá nỉ (Trả nợ)… cho thấy rõ điều đó.
Những bài thơ được viết là do yêu cầu của cuộc sống lúc bấy giờ đã góp phần động viên thanh niên tòng quân, động viên Nhân dân tham gia sửa đường phục vụ kháng chiến. Những bài thơ Pây bộ đội (Đi bộ đội), Đông quá, xuân mà (Đông qua, xuân tới), Chiếc đồng hồ… đã được nhiều người thuộc, thậm chí coi là sáng tác dân gian. Đét chang nâư (Nắng ban trưa), tập thơ đánh dấu một chặng đường thơ của Nông Viết Toại.
Ông còn là tác giả đặt lời Tày với ngôn từ rất đẹp cho nhiều ca khúc như “Mà thâng Phya Byóc” trên nền nhạc bài hát “Việt Nam quê hương tôi” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận hay đặt lời cho điệu dân ca “Lập Xuân” được yêu thích và lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng ở Việt Bắc.
Sau khi dự lớp bồi dưỡng về công tác văn hóa quần chúng do Vụ Nghệ thuật mở tại Hà Nội năm 1957, có điều kiện để đọc, để học, ông đã trưởng thành hơn về bút lực. Đoạn đường ngoặt (Boỏng tàng tập éo) là tập truyện tiêu biểu nhất của ông từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp đến hết thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Khác với một số cây bút thường đi vào mô tả thiên nhiên miền núi, Nông Viết Toại tập trung bút lực vào các tình huống khác nhau làm rõ gương mặt chung về người dân miền núi. Đọc những trang viết của ông, người dân miền núi càng thêm tự hào yêu quê hương mình hơn. Hiểu về dân tộc mình, sử dụng thành thạo ngôn ngữ của dân tộc mình nên các tác phẩm của ông đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc. Ông được đồng bào dân tộc vùng Việt Bắc gọi với cái tên trìu mến nhà văn của dân tộc Tày – Nùng. Các nhà nghiên cứu về văn học các dân tộc thiểu số vùng Việt Bắc đánh giá: Sau Nông Minh Châu, Nông Quốc Chấn, Nông Viết Toại là một trong những người tiếp tục đặt nền móng cho văn xuôi Tày – Nùng.
15 năm làm Trưởng đoàn Nghệ thuật ca múa nhạc Khu tự trị Việt Bắc, nhiều năm làm việc tại Sở Văn hóa Khu Tự trị Việt Bắc và Hội Văn nghệ Việt Bắc, rồi giữ chức vụ Giám đốc Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bắc Kạn… những đóng góp của ông đối với đời sống văn hóa vùng Việt Bắc là không nhỏ. Những sáng tác văn học của ông cũng đã góp phần làm phong phú hơn đời sống tinh thần người dân miền núi. Ông còn tham gia nghiên cứu sưu tầm, giới thiệu vốn văn hóa dân gian ở Việt Bắc mà tiêu biểu nhất là truyện thơ Nam Kim – Thị Đan.
Mặc dù có một sự nghiệp cách mạng vẻ vang và nhiều đóng góp đối với văn hóa, văn nghệ dân tộc Tày, Nùng, nhưng nhà văn Nông Viết Toại rất giản dị, khiêm tốn, chân thành, nhiệt tình giúp đỡ tất cả mọi người. Các thế hệ văn nghệ sĩ đặc biệt là Nhân dân vùng Việt Bắc luôn yêu quý, kính trọng và tự hào về ông. Dù chuẩn bị bước vào tuổi 99, tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn giữ thói quen đọc sách, miệt mài nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa dân tộc Tày. Ở ông là một sức sống mãnh liệt, tinh thần lao động không ngừng nghỉ… tất cả với ông là trách nhiệm với dân tộc, với truyền thống văn hóa của quê hương.