'Nhà văn tài năng của tôi ơi, thôi đi nhé, mưa tháng 3, Hà Nội tiễn bạn'
Trong buổi sáng tiễn đưa 'ông vua truyện ngắn' Nguyễn Huy Thiệp về với đất mẹ, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nghẹn ngào với nhiều kỷ niệm cũ.
Sáng 24/3, tang lễ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp diễn ra tại Nhà tang lễ Quốc gia (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Trong niềm tiếc thương, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: "Nguyễn Huy Thiệp đặc biệt trên văn đàn bởi có giọng văn không giống ai. Phong cách và giọng điệu của ông giúp phân biệt mình giữa những người khác. Nếu không có phong cách, giọng điệu riêng, không thể thành nhà văn. Nguyễn Huy Thiệp có giọng điệu đặc biệt tới nỗi dù không viết bút danh, người ta vẫn nhận ra ông. Điều đó chỉ có ở vài người, không nhiều".
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: "Đóng góp của Nguyễn Huy Thiệp là có cái nhìn rất mới về cuộc sống đương đại. Trong khi nhiều người phải chau truốt thì Nguyễn Huy Thiệp lại "bê" từng mảng đời sống lên nên có sự bỗ bã, bụi bặm nhưng đằng sau đó là sự sắc sảo. Vì thế, sự ra đi của Nguyễn Huy Thiệp là một tổn thất lớn cho văn đàn Việt Nam".
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ khóc nghẹn khi nhắc về người bạn thân thiết của mình. Ông bày tỏ: "Thiệp đi rồi, lại thêm một người của thời kỳ vừa cầm súng, vừa cầm bút ra đi! Với sự soi sáng của văn chương, sự đòi hỏi của nhân dân cấp thiết trong việc đối mới, ông ấy đã ghi một dấu ấn không thể sâu sắc hơn, không ai có thể vượt qua Nguyễn Huy Thiệp về mặt truyện ngắn. Thiệp mất để lại mất mát rất lớn trong lòng độc giả, bè bạn. Những nhà văn ở lại, nếu còn chút bút lực nào, hãy gom góp cho mảnh đất này".
Cả hai là bạn vong niên, chia sẻ với nhau vui buồn của nghiệp viết từ buổi đầu. Khi truyện ngắn Chảy đi sông ơi của Nguyễn Huy Thiệp đăng trên báo Văn Nghệ năm 1987 với nhuận bút 200 nghìn đồng, ông rủ Nguyễn Văn Thọ đi ăn mừng. Nguyễn Văn Thọ cũng ở bên bạn những ngày cuối đời, chứng kiến ông run rẩy viết những câu thơ cuối khi tai biến.
Với mối duyên quen biết hơn 30 năm và thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện về văn chương, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhớ vẻ hiền lành, tướng mạo lù khù như một lão nông của Nguyễn Huy Thiệp. Thế nhưng, trò chuyện lâu mới thấy "ông vua truyện ngắn" ấy có tư tưởng thâm trầm, sâu sắc của một nhà văn hóa lớn, rất chu đáo với bạn bè.
Phạm Xuân Nguyên kể: "Năm ngoái, khi tôi sang thăm còn được Nguyễn Huy Thiệp vẽ chân dung trên đĩa gốm, vẽ hai lần đến ưng ý mới thôi. Mồng 4 Tết năm ngoái, tôi đến thăm anh tại nhà, lúc đó anh Thiệp đã yếu. Thế nhưng anh vẫn vẽ chân dung tôi với râu tóc xồm xoàm trên đĩa gốm. Nhưng anh không ưng vì cho rằng như thế chưa ra được "chất" của Phạm Xuân Nguyên. Sau đó, anh vẽ lược nét hơn, gọn ghẽ hơn thì rõ nét hơn về chân dung của tôi. Lúc nằm ở khoa Thần kinh – Bệnh viện Bạch Mai, anh đã bảo con trai mời tôi đến để trao tận tay tôi món quà này. Đó cũng là kỷ niệm của tôi với anh Nguyễn Huy Thiệp sau mấy chục năm chơi với nhau".
Có mặt tại lễ viếng, nhà văn Trần Thị Trường cho biết, trong vòng 10 năm mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết truyện ngắn là độc giả hầu như chỉ đọc truyện của ông. Đến mức, nhà văn Nguyễn Khải từng khẳng định, nếu cho ông đánh đổi 30 truyện của của mình để lấy 1 truyện "Tướng về hưu" của Nguyễn Huy Thiệp, ông cũng sẵn lòng.
Cũng theo nhà văn Trần Thị Trường: "Dù ông Thiệp bằng tuổi tôi nhưng tôi luôn coi ông là bậc đàn anh của mình, vẫn gọi vợ chồng ông ấy là anh chị và rất ngưỡng mộ ông ở văn chương. Con người chói sáng trong 10 năm đã là quá xuất sắc, nhưng văn chương của ông chúng ta sẽ còn phải bàn đến nhiều trong nhiều năm nữa".
Xúc động đọc điếu văn cho Nguyễn Huy Thiệp tại lễ truy điệu, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khẳng định sức ảnh hưởng lớn lao của cố nhà văn trong đời sống văn học và đời sống xã hội nước nhà.
Theo ông Nguyễn Quang Thiều, kể từ năm 1975 cho tới lúc này, chưa có nhà văn nào có khả năng làm thay đổi một cách sâu sắc thi pháp và tinh thần văn xuôi Việt Nam như ông. Ông vẫn là người trị vì ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại.
"Bút pháp của cố nhà văn "trần trụi đến nghiệt ngã", "đau đớn đến kinh hoàng. Nhưng đó là sự đau đớn của tình yêu thương con người. Những tác phẩm của ông mang vẻ đẹp của một lưỡi dao mổ: chói sáng, chính xác và đau đớn. Con dao ấy đã phẫu thuật những khối u ẩn giấu trong tâm hồn con người. Nó là con người đau đớn đến mức tưởng không thể chịu nổi để rồi được bình phục và lớn lên… Sự buốt lạnh ấy chính là lời cảnh báo cao nhất về lương tri... Nguyễn Huy Thiệp từng tuyên ngôn về sứ mệnh người cầm bút: "Khó nhất không phải là tiền bạc, khó nhất không phải là tri thức, mà khó nhất là đạo đức, nhà văn chỉ là người đi tìm đạo đức cho dân chúng", Nguyễn Quang Thiều nhận định.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng cho biết: "Trong cuộc sống đời thường, Nguyễn Huy Thiệp sống lặng lẽ, khiêm nhường, im lặng trước mọi khen chê, đố kỵ, khiêu khích. Ông thường ngồi chìm sâu giữa một đám đông, với dáng hình như cố thu nhỏ để không ai nhìn thấy. Nhưng từ nơi chốn ấy, ông có một cái nhìn xuyên qua đời sống để thấu hiểu, giải phẫu nó. Và với những gì ông đã viết cho cuộc đời, ông được nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008). Nhưng giải thưởng lớn nhất cho những sáng tạo của ông chính là bạn đọc. Họ đã trao huân chương cho ông bằng chính trái tim mình".
Tang lễ nhà văn diễn ra ngắn gọn giữa thời dịch. Giây phút mặc niệm, giai điệu ca khúc "Một cõi đi về" của Trịnh Công Sơn vang lên qua tiếng saxophone của nghệ sĩ Quyền Văn Minh như một lời tiễn biệt cuối cùng với nhà văn tài hoa.