Nhà văn Thạch Lam thương người
Nhà văn Thạch Lam chiêm nghiệm đời người cực khổ đủ trăm đường, nên tạo cho mọi người có niềm vui để mà sống.
Trong nhóm văn chương Tự Lực Văn Đoàn, nhà văn Thạch Lam nổi tiếng có tính thương người. Ông thường nói: Xét cho cùng ở đời ai cũng khổ, người khổ cách này, người cách khác. Bí quyết là tìm cái vui trong cái khổ. Vì sống, chỉ sống thôi cũng đã quý lắm rồi. Người ta không bao giờ nên phí phạm cái sống, coi thường sự sống.
Một lần đang đi với nhà văn Vũ Bằng trên các tuyến phố Hàng Bông, Thợ Nhuộm của Hà Nội bỗng nghe có tiếng khóc, đến gần phía đó, thì ra có đứa trẻ bị kẻ gian móc tiền bán lạc rang, sợ về người bố dượng đánh. Thạch Lam động lòng hỏi han mới biết bố nó chết, mẹ đi bước nữa, gặp phải người bố dượng rượu chè, say xỉn ác đòn. Hôm nào về không có tiền đưa cho gã thì bị đánh đòn ác hiểm. Cảm thương, Thạch Lam vét túi còn hai hào đưa cho thằng bé.
Đi một đoạn, Vũ Bằng chợt nhớ ra điều gì, bèn nhắc khéo Thạch Lam có thể chúng ta đã bị đứa trẻ đánh lừa, bởi hôm trước chính ông cũng gặp một tình huống như thế. Thạch Lam trả lời: "Bị lừa hay không, cái đó không quan trọng lắm. Mình cần làm một việc xét ra phải làm, theo ý của mình… Tôi quan niệm về sự sống của tôi, đúng hay không tôi không biết. Nhưng óc tôi nghĩ như thế, lòng tôi cảm thấy như thế".
Khoảng năm 1935, Thạch Lam được giao quản trị báo Ngày Nay (thuộc Tự Lực Văn Đoàn). Ông vừa viết bài vừa phải kiêm chức quản lý tài chính. Ngày ấy báo có nhiều cộng tác viên, thường đến tòa soạn xin tạm ứng tiền trước, rồi viết bài trả sau. Rồi có một người bạn cộng tác viên làm thơ cảnh nhà túng quẫn, đến gặp Thạch Lam xin viết giấy đề nghị, ký nhận tạm ứng tiền nhuận bút cho báo Ngày Nay. Lần nào Thạch Lam cũng chuẩn chi, nhưng bạn thơ thì vay 10 mà trả bài chỉ có 3. Cảnh nghèo, "tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống", tạm ứng rồi không có thơ gửi cho tòa soạn để trừ tạm ứng. Đã nhiều lần diễn ra như vậy nên có người trong tòa soạn nhắc Thạch Lam nếu không chặn lại sẽ có ngày "thụt két", tòa báo sẽ gặp khó khăn.
Thạch Lam vẫn cho tạm ứng và bảo: "Chẳng ai muốn làm một việc như thế, người ta không còn con đường nào khác mới phải làm như vậy. Nếu không giúp đỡ, họ sống ra sao?".
Thì ra trong văn chương cũng như ngoài đời, lúc nào Thạch Lam cũng ý niệm về cái sống: đời người cực khổ đủ trăm đường, nên tạo cho mọi người có niềm vui để mà sống.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nha-van-thach-lam-thuong-nguoi-374048.html