Nhà văn Tống Phước Bảo trải lòng với chữ 'thương'
Nếu đã dõi theo hành trình văn chương của Tống Phước Bảo (Hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh), đọc những tác phẩm gần đây anh đã cho ra mắt bạn đọc như: 'Cả một trời thương' (2018, NXB Hội Nhà văn), 'Mình gọi nhau là cưng' (2019, NXB Hội Nhà văn), 'Đừng vội ghét khi chưa kịp thương' (2020, NXB Hội Nhà văn), 'Sài Gòn còn thương thì về' (2021, NXB Đà Nẵng), 'Hỗn kỳ đài' (2021, NXB Hội Nhà văn) và gần đây nhất là tập tản văn 'Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình' (2022, NXB Thanh Niên), độc giả sẽ mỉm cười mà rằng: Đường văn ấy đã vận vào chữ 'thương', không dứt ra được. Người ta có thể gai góc, có thể sắc lạnh hoặc tưng tửng, giễu nhại,... nhưng Tống Phước Bảo vẫn luôn thủ thỉ, tâm tình xen chút hoài niệm mà lay động, rưng rưng.
“Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình” là tập tản văn mới nhất của nhà văn Tống Phước Bảo ra mắt bạn đọc. 32 tản văn nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng thấm đẫm tình người, tình đời, gửi gắm thông điệp sống ý nghĩa, nhân văn. Đó là những câu chuyện về phận đời lưu dân trên mảnh đất Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh (sau đây thống nhất sử dụng cách gọi tên Sài Gòn) hoa lệ, hồi ức, kỷ niệm tuổi thơ trong trẻo, ngọt ngào, là những mảnh ghép gợi nhớ về cố hương tưởng đã xa mà thực lại rất gần, mãi gieo neo trong tâm khảm mỗi phận người tha hương... Tống Phước Bảo đã chọn cách lặng lẽ ngồi bên cạnh những phận đời lưu dân, cởi mở tâm tình, chân thành lắng nghe những tiếng nấc nghẹn ngào, tiếng thở dài dù rất khẽ khàng, tiếng cười chưa trọn trong câu chuyện của họ về cuộc đời, quê hương, bản quán... Chữ nhớ, chữ thương đã vẽ nên hành trình văn hóa - ẩm thực rất riêng của Tống Phước Bảo khi gợi nhắc về cố hương của những con người lữ thứ giữa chốn thị thành hoa lệ bậc nhất. Đã ly hương suốt chặng đường đời mưu sinh, suy cho cùng, với họ, hai tiếng “quê hương” là tất cả nỗi nhớ, niềm thương, có cả hạnh phúc, ngọt ngào và chút gì xa xót, tủi phận. Cố hương, bình dị mà thân thuộc, da diết nhớ, da diết thương.
Những phận đời lưu dân
Bước vào thế giới văn chương của “Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình”, độc giả sẽ không khỏi rưng rưng xúc động trước câu chuyện của những phận đời lưu dân. Vì vòng xoáy mưu sinh khắc nghiệt, những con người vốn da diết yêu quê hương lại phải chấp nhận sống những ngày ly hương nhọc nhằn, vất vả. Mỗi con người mỗi số phận, nhưng tựu chung lại, đều có chung mục đích khi quyết định chọn Sài Gòn là "nơi neo đậu”, “bến đỗ”. Từng câu chuyện được nhà văn Tống Phước Bảo dụng công lắng nghe, tinh tế cảm nhận, tỉ mỉ lưu giữ lại trong tâm trí.
Đó là câu chuyện về ngoại Mười - cụ bà vẫn thường lang thang dọc đường Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai rồi lần mò ra tới nhà thờ Đức Bà với mẹt đậu phộng, vài ba chùm tré, mấy bịch bánh tráng, dăm ba trái xoài, chục bịch trứng cút... Như cánh lục bình dạt theo con nước, ngoại đặt chân đến Sài Gòn cũng đã tính mấy chục năm, ấy vậy mà vẫn chưa hết vòng luẩn quẩn. “Ngoại đâu có con cháu gì đâu con” - nghe cái giọng trọ trẹ Quảng Nam thấy thương đứt ruột. Mỗi lần nhớ quê, ngoại “chỉ cần nghe cái thổ âm bản xứ trúc trắc của dân miền Trung là lại hết buồn”; những ngày lễ, tết cũng cố thu vén cái mẹt hàng đủ thứ quà quê như chút hy vọng “mình đem quê đến gần chính mình”, ngó thấy mấy món bánh quê ấy, “cũng coi như mình biết vọng cố hương, biết thương xứ mình”.
Đó cũng có thể là một người phụ nữ chẳng biết tên, biết tuổi, nặng trĩu trên vai đôi quang gánh chè tàu hủ vội vã nép mình dưới mái hiên tránh mưa. Chị bảo: “Cái nghề chè cũng ngót nghét theo mình vào Sài Gòn đã hơn mười lăm năm, đắp đổi qua ngày. Anh làm thợ hồ theo mấy công trình cao tầng đang nhan nhản mọc lên trong cái phố thị xa hoa, chị tảo tần với gánh chè. Vậy mà cũng lây lất đủ sống cùng hai đứa con tại mảnh đất đắt đỏ này.
Những phận người lưu dân trong các trang văn của Tống Phước Bảo, có khi là người bà, người má. Như cái cách Tống Phước Bảo phác họa hình ảnh má “hay ngồi trước khoảng hiên vắng chờ những tiếng rao” của các mẹ, các dì miền Tây qua bán bánh quê - những đôi quang gánh mang đầy ký ức của má. Từ miền Tây bôn ba tha hương lập nghiệp rồi chọn nơi này gá phận mình theo ba. Cuộc sống xoay vần tới chừng hiu hắt tuổi heo may gõ ngang đời mình, má thưa dần những chuyến về quê. Chỉ chờ những bận giỗ chạp hay lễ, tết mấy đứa con rảnh thì mới thủ thỉ biểu đưa má về quê...
Chuyện quá khứ đan xen hiện tại, tất cả vẫn xoay quanh hai chữ quê hương. Thương biết mấy những trang văn Tống Phước Bảo viết về cuộc sống bộn bề lo toan, thiếu khó nhưng ấm áp tình của những lưu dân cố bám trụ lại Sài Gòn giữa đại dịch COVID-19: “Hẻm nhỏ giăng dây theo cơn dịch tràn qua thành phố. Dân cũng toàn tứ chiếng đổ về làm lụng buôn gánh bán bưng nên cái lo bữa no, bữa đói in hằn theo tiếng thở dài”. Thị thành mải gót điêu linh, bán mua mấy thứ vụn vặt, nhiều khi lẫn trong nỗi đời nhọc nhằn, vẫn là cái ký ức dội về... Ấy vậy mà, muôn nỗi đời vẫn nương tựa vào nhau, cùng thấp thỏm, cùng lạc quan, vui sống. Điều kết nối họ mãnh liệt nhất chính là: nỗi nhớ quê hương: “Giữa những biến chuyển của thời gian, không gian, cả những mưu cầu đời người ai rồi cũng đến lúc nhìn lại hành trình sống của mình. Khi ấy tự khắc sẽ biết vọng cố hương, biết thương xứ mình...”.
Qua miền ẩm thực dân gian - “Vọng cố hương” trong niềm thương, nỗi nhớ
Điểm thú vị, độc đáo trong cuốn tản văn mới nhất của Tống Phước Bảo, đó là dễ gợi cho độc giả cảm giác được bước vào hành trình du lịch, qua các miền ẩm thực dân gian hấp dẫn trên khắp dải đất hình chữ S. Nỗi nhớ quê hương gợi lên từ những điều giản dị, gần gũi, chân thực nhất. Đó là những thức quà quê, món ăn dân giã gọi hồn cốt xứ sở, thấm đẫm chiều sâu lịch sử - văn hóa - ẩm thực bản địa. Đó là sự gắn bó thủy chung, máu thịt, giản dị mà thiêng liêng. Tựa như mỗi người sinh ra, bú mớm sữa mẹ mà khôn lớn nên muôn nẻo đường đời chẳng bao giờ quên được vị ngọt ngào, ấm nóng đê mê ấy.
Tống Phước Bảo như người hướng dẫn viên chuyên nghiệp, kết nối tình người, kết nối vị quê. Là chàng trai gốc thị thành nhưng giới thiệu các món ngon ăn tết đặc trưng của người miền Trung cứ như “sinh ra từ làng” vậy. Nào thịt heo ngâm mắm, thịt bắp bò kho mật mía, bánh thuẫn, bánh nổ, bánh tổ, bánh lăn, bánh in... điểm mặt, gọi tên chẳng thiếu món nào. Rong ruổi cùng những trang văn của Tống Phước Bảo, độc giả biết đến một Sài Gòn “dọc ngang cũng ngàn tiệm phở” để thấy dẫu bước chân tha hương ngàn, vạn dặm, người Bắc vẫn không quên mang theo bên đời hương vị quê hương. “Nghiêng mình nhớ quê”, xuôi theo con nước về với Vũng Thơm, thưởng thức món bánh pía mà tấm tắc khen người nơi đây khéo tay hay làm. Rì rào sóng nước Cửu Long, nhớ kỷ niệm tuổi thơ í ới chơi trò giặc giả, trốn tìm, bịt mắt bắt dê và thích thú ăn món canh đọt nhãn lồng tép rong... Tìm tết Bắc giữa Sài Gòn thì la cà, dạo quanh ăn miến dong Bắc Kạn - đậu phụ làng Mơ, ghé chợ ăn bánh chưng Tranh Khúc... Hoặc đơn thuần chỉ là món bánh chuối, bánh đúc gân, các loại bánh chế biến từ bì lợn,... mộc mạc quá đỗi mà chốn thị thành, người nhà quê vẫn cứ bồi hồi nhớ, thèm: Thị thành còn bánh quê, là người ta còn thương tưởng và níu giữ chút hồn quê miệt thứ đồng bưng cho nhiều thế hệ mai sau. Mấy thứ bánh quê suy cho cùng cũng là cả một nền văn hóa ẩm thực dựa vào hoa trái quê mình chẳng mai một đâu mà lo!”.
Sài Gòn hoa lệ cũng đâu chỉ biết đến những nhà hàng, khách sạn với thực đơn sang trọng món Á, Âu, Tàu... Cơm tấm “ma”, sủi cảo “xuyên đêm”, chè “âm phủ”, gánh chè tàu hũ, hủ tiếu, gánh xôi nhỏ, sền sệt cà phê kho... cũng là phong vị rất riêng, rất duyên của phố thị.
Với Tống Phước Bảo, Sài Gòn chẳng thiếu chuyện để kể, chỉ là tấm lòng chúng ta có đủ rộng mở, chân tình, bao dung. Mỗi thân phận làm nên một câu chuyện mà thiếu họ có lẽ Sài Gòn sẽ chẳng còn là Sài Gòn. “Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình” là tình người, tình đời chan chứa, mênh mang. Tống Phước Bảo đã đưa thành phố yêu thương, gắn bó của mình đến gần hơn với độc giả muôn phương bằng chính chữ “thương” rộng lớn trong tâm hồn mình.