NSND Kim Cương: 'Má là tri kỷ của tôi trong suốt cuộc đời'
Không chỉ dạy con làm nghề, NSND Bảy Nam còn dạy con gái về cách sống, cách ứng xử, giúp NSND Kim Cương luôn đứng vững trước những thăng trầm.
Nghệ sĩ đâu chỉ mua vui, bán buồn
NSND Kim Cương sinh năm 1937 tại Sài Gòn trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Cha bà là bầu gánh Đại Phước Cương, một trong những ông bầu quyền lực của sân khấu cải lương. Mẹ bà là NSND Bảy Nam - người được mệnh danh là "Tổ nghề sống" của sân khấu cải lương Nam bộ.
Chia sẻ với PNVN, NSND Kim Cương cho biết: "Sau 20 năm má Bảy Nam qua đời, tôi vẫn không thôi nghẹn ngào mỗi khi kể chuyện về má. Với tôi, má không chỉ là người người thầy, má còn là tri âm tri kỷ, cùng tôi đồng hành trong những thăng trầm của đời sống và nghệ thuật".
NSND Kim Cương kể lại, cách đây gần 100 năm, NSND Bảy Nam và nghệ sĩ Phùng Há, Năm Thủy… là những người đầu tiên dàn dựng sân khấu cải lương. "Lúc đó, công chúng vẫn coi thường nghề hát, gọi các nghệ sĩ là "xướng ca vô loài", tầng lớp thấp trong xã hội.
Thế nhưng má tôi kiên định làm nghề. Bà hiểu rằng nghề này đẹp chứ không xấu, bởi qua mỗi vở diễn, khán giả sẽ nhận được những thông điệp về chân - thiện - mỹ, nhờ vậy họ sống đẹp đẽ, nhân văn và trọng đạo đức hơn", bà kể.
NSND Kim Cương quan niệm, người nghệ sĩ phải hiểu được trách nhiệm, hiểu cái thiêng liêng của nghề. "Một người làm văn hóa dở sẽ "giết chết" không chỉ một thế hệ. Do đó, phận sự của người nghệ sĩ rất thiêng liêng, không chỉ mua vui, bán buồn cho khán giả. Những thứ như danh vọng, tiền bạc đều không phải đích đến".
Đạt được nhiều vinh quanh trong cuộc đời nhưng NSND Kim Cương thổ lộ niềm hạnh phúc lớn nhất của bà là được khán giả đón nhận, từ đó tác động những điều tốt đẹp lên suy nghĩ của họ.
Bà nhớ lại: "Có lần, một người rất trẻ nói với tôi rằng: "Cô ơi, sau khi xem vở "Lá sầu riêng" của cô, con tự hứa sẽ không bao giờ bỏ mẹ mình". Điều đó làm tôi hạnh phúc vô cùng bởi vở diễn đã góp một phần vào việc giáo dục cách sống của con người, nhất là giới trẻ".
Để việc thiện thực sự đến với người cần
NSND Kim Cương kể lại hai kỷ niệm về mẹ được bà coi là kim chỉ nam trong suốt cuộc đời. "Vào những ngày cuối đời của má tôi, có mấy dì trong Hội bảo trợ người nghèo tới thăm. Do thấy không khí ủ dột, tôi nói vui: "Má ơi, mấy dì cứ bắt con đi làm từ thiện, không cho con ở nhà với má".
Lúc đó, má bỗng nhìn tôi nói: "Con nói gì kỳ vậy, sao lại nói mấy bà bắt con đi làm từ thiện? Phải nói mấy bà cho con đi làm từ thiện mới đúng". Vào khoảnh khắc sức khỏe yếu, bà vẫn luôn tâm niệm làm điều tốt đẹp cho mọi người là hạnh phúc của mình, không phải hạnh phúc của người khác".
Sau khi NSND Bảy Nam qua đời, NSND Kim Cương càng xúc động khi thấy tập hóa đơn khi đi gửi tiền từ thiện cho các báo được má cất trong tủ. Số tiền đó được NSND Bảy Nam tích cóp và gửi đi từ số tiền các con biếu mẹ dưỡng già.
"Trong số đó, không có hóa đơn nào để tên bà Bảy Nam. Cái thì má ghi tên bà bán vịt lộn, cái thì là bà Tư bán chè, đó là những vai tuồng của má khi xưa. Đây cũng là bài học cuối cùng má dạy lại cho tôi - rằng mình làm việc thiện không phải để mọi người thấy mình tốt, quan trọng là nó thực sự đến với người cần".
Sau khi mẹ mất, NSND Kim Cương bị hụt hẫng cả năm trời. Có những dịp năm mới, bà vừa nhìn lên bàn thờ, vừa khóc. Hiện tại, ở tuổi 87, NSND Kim Cương vẫn tiếp nối con đường làm từ thiện của mẹ mình, với những hoạt động đều đặn và ý nghĩa hàng năm.
Năm 2023, bà được trao danh hiệu "Nghệ sĩ trọn đời vì cộng đồng" tại Lễ trao giải Mai Vàng, với hơn 50 năm làm thiện nguyện, giúp trẻ em mổ tim, bệnh nhân nghèo...
Nhận Kỷ niệm chương, nữ nghệ sĩ xúc động nói danh hiệu này không chỉ trao cho bản thân bà mà còn vì hàng nghìn người chung tay trên hành trình làm từ thiện.
"Nhìn lại cuộc đời, tôi không mong được vinh danh hay ca ngợi, chỉ mong được nằm cạnh mẹ Bảy Nam ở nghĩa trang sau khi mất", bà bộc bạch.