Nhà văn Trần Ngọc Phương - Người kể chuyện trên cánh đồng hồi sinh
Đặt tên bài viết như trên để giúp bạn đọc nhớ lại phim 'Cánh đồng chết' (The Killing Fields) do nước Anh sản xuất năm 1984 về chế độ diệt chủng Khmer Đỏ tàn bạo ở Campuchia. Câu chuyện kể về hành trình vượt qua địa ngục của một nhà báo phương Tây và một người Khmer. Trong phim có những cảnh rùng rợn.
Cũng năm 1984, anh lính Trần Ngọc Phương vừa hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, trở về trường đại học. Hơn ba mươi năm tận tụy làm thầy giáo ở huyện Krông Pắc tỉnh Đắk Lắk, năm 2016, anh rời bục giảng. Và khi đó, anh mới có thời gian hồi tưởng lại quãng đời khốc liệt của mình ở chiến trường K. Anh kể những chuyện của mình một cách thong dong, thủ thỉ. Anh tập hợp thành hồi ức mang tên “Mưa trên đồng À na cút” (NXB Đà Nẵng-2022).
À na cút là gì?
Tác giả giải thích: “À na cút trong tiếng Khmer có nghĩa là tương lai. Cánh đồng Tương Lai là một cánh đồng ở làng Kro Lapia. Nơi bọn tôi, hồi đó còn là những chàng lính trẻ, đã cùng dân làng cày cấy, gặt hái. Cái tên Tương Lai như ngụ ý về một ngày mai tươi sáng. Theo nghĩa đó, “Mưa trên đồng À na cút” của tôi, dẫu kể nhiều về quá khứ gian khổ đau thương vẫn chứa đựng trong đó niềm mong ước bình dị về một ngày mai không chiến tranh. Ngày bình yên hạnh phúc”.
Địa danh đó, với nhiều người, còn xa lạ. Nhưng với những người lính tình nguyện, những cái tên như À na cút, Pai lin, Choăm Khsan, Preach Vhia, Phnum Melai… cũng thân thuộc như Trường Sơn, Cà Mau, Đồng Tháp… Những nơi ấy, gắn bó với tuổi trẻ chúng tôi. Bao thân thương máu thịt một thời. Tôi không biết tác giả Trần Ngọc Phương đã xem phim “Cánh đồng chết” chưa? Nhưng đọc tên tác phẩm của anh, tôi nghĩ, anh là người lạc quan.
Và anh biết được cách đặt tên một tác phẩm nghệ thuật. Tên đó nên mang đến cho công chúng niềm vui, niềm hy vọng. Có như vậy, họ mới mua, mới đọc. Không ai mất tiền để mua nỗi buồn, mua sự chán nản. Và mưa, nghĩa là nước. Nước là sự sống. Sự sống trên cánh đồng. Ở đó có bao chuyện thần kỳ diễn ra. Tên tác phẩm thêm sự thành công nữa. Đó là sự gợi cảm. Khích lệ trí tò mò, tưởng tượng của người đọc.
Trong một lần trò chuyện với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, một chuyên gia giàu kinh nghiệm về giúp bạn Campuchia, ông nói với chúng tôi: “Việc đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ là một cuộc chiến vô cùng ác liệt. Song việc quân đội tình nguyện Việt Nam giúp đất nước và nhân dân Campuchia hồi sinh cũng là một cuộc chiến gian khổ không kém”. Luận điểm này đã được nhiều người lính - nhà văn thể hiện qua các tác phẩm đã viết. Và Trần Ngọc Phương đã khắc họa rõ nét hơn.
Trong khoảng bốn mươi câu chuyện, chuyện nào cũng thú vị. Có chuyện đau đớn. Có chuyện đầy thương cảm. Có chuyện bao tiếc nuối. Đặc biệt, anh có tài viết đối thoại. Những đối thoại dí dỏm, bóc tính cách nhân vật một cách từ tốn và luôn bất ngờ. Muốn biết một nhà văn có tài hay không, bạn chỉ cần mở sách, đọc mấy mẩu đối thoại là biết ngay. Trần Ngọc Phương trải qua mấy loại lính. Làm vận tải. Lính đội công tác. Làm chỉ huy trung đội 12ly7. Rồi làm thường dân. Làm thầy giáo. Những quãng đời ấy là minh chứng cho sự trải nghiệm của người viết. Tôi rất muốn trích dẫn nhiều. Nhưng trong bài này, tôi chỉ xin giới thiệu chân dung một nhà văn qua cách anh cảm nhận và kể lại về những con vật.
Trần Ngọc Phương có nhiều thời gian được ở gần dân. Dạo đó, các đơn vị bộ đội Việt Nam đều phải cắt ra một số người, chừng hai chục, thành lập “đội công tác”. Đội này thường đóng quân ở các phum, giúp dân tổ chức các công việc làng xã, giữ an ninh, vận động con em theo địch về lại gia đình… Đây là cơ hội để Trần Ngọc Phương tìm hiểu đời sống của một dân tộc lạ kỳ. Anh say mê học tiếng, học chữ Khmer. Anh nhận thấy tính cách dân tộc Khmer khá gần với dân Nam Bộ. Hào phóng, vô lo và đặc biệt, tối nào cũng thích múa răm-vông.
Ở gần dân, anh phát hiện chuyện lạ kỳ. Dân Khmer không thích ăn thịt ếch - món ăn mà dân Việt gọi là “gà đồng”. Họ thích ăn thịt con ễnh ương hơn. Và bộ đội bắt chước. Bắt về làm thịt. “Dù đã chuẩn bị tinh thần, nhưng khi bắt tay vào làm, nhìn bộ dạng con ễnh ương cũng thấy ớn. Cái bụng như cái trống, khi phình lên, lại lòi ra một lớp bong bóng trước miệng, màu da đen xỉn trông nhớp nhúa gớm chết. Nhưng đã trót hạ quyết tâm, nên ba thằng xúm vào làm. Lột da ra trông cũng không đến nỗi nào, cũng khá giống thịt ếch. Đặc biệt là chùm mỡ của nó màu da cam rất đẹp, trông tựa như cái hoa nhiều cánh. Bọn tôi quyết định làm hai món. Một món chiên vàng chấm muối ớt và một món xào với lá rừng”. Mùi thơm không ngắt cánh bay tung khắp rừng. Lính tráng ăn xong còn mút đũa, liếm chảo. Ai cũng công nhận khẩu vị người Khmer thích thịt con hin (ễnh ương) hơn thịt ếch là đáng khâm phục và cần bắt chước ngay.
Anh kể chuyện người Khmer đánh cá bằng cách đập vỏ cây phờ - lơng bỏ xuống nước, cá say. Rồi dùng rồ - băng kéo lên, được cả xe bò cá. Rồi có lần, anh đi săn cùng dân. “Tôi đi trước, sau tôi là Tà Đưa. Đang đi thì Tà Đưa nổ súng. Tiếng đạn rít bên tai. Bực mình vì sự bất cẩn này, tôi quát lớn: “Bắn gì?”, “Con mang”, “Đâu?”, “Nó chết rồi!”. Trả lời tôi xong, Tà Đưa vượt lên trước đến chỗ con mang nằm. Phát đạn xuyên sọ, con mang chết tức khắc không kịp kêu tiếng nào. Và như làm xiếc, hai tay thợ săn rút dao cứa mấy đường rồi lột da con mang. Chưa đầy năm phút, con mang đã thành bốn đùi nằm trên xe bò”.
Những câu chuyện như trên, có rất nhiều trong sách. Chúng ta nghe tác giả kể tiếp chuyện săn voi: “Với lớp da dày gần một tấc, đạn súng trường hay tiểu liên chẳng ngứa ngẩm gì nó, mà càng làm nó nổi điên, khi đó người đi săn khó thoát khỏi đàn voi. Thường dân làng chỉ săn voi, khi có đàn voi đi ngang qua rừng nhà, chứ không tìm đến khu vực chúng ở để săn. Nhược điểm chết người của đàn voi là đi đến đâu cũng cất tiếng gầm rống gọi đàn, tiếng gầm của chúng cách vài cây số cũng nghe rõ… Mũi voi rất thính, nếu có người ở đầu gió, đàn voi sẽ phát hiện và cảnh giác liền. Nguyên tắc của các thợ săn phải tuân thủ là chỉ bắn con voi đi cuối đàn, khi đàn voi không cảnh giác. Và chỉ được phép bắn con voi này bằng một phát súng vào tử huyệt nằm dưới tai voi, nơi duy nhất đạn có thể xuyên thủng và voi chết tức khắc mà cả đàn không hay biết. Thường một chuyến đi săn cũng chỉ bắn một con. Một con thôi cũng đủ thịt cho cả làng vừa ăn tươi vừa phơi khô. Trong bảng xếp hạng thịt ngon của dân làng, thịt voi đứng đầu bảng, rồi mới đến bò rừng, heo rừng…”. Đọc chuyện của anh, công chúng luôn tin tưởng và cảm thấy thú vị. Thật hạnh phúc được nghe tác giả kể một cách đầy truyền cảm về cuộc sống, phong tục của những người hàng xóm nước mình.
Trần Ngọc Phương là nhà văn có biệt tài kể về các con vật. Với anh, mỗi con vật đều thân thương như con người, như đồng đội. Đây là câu chuyện anh kể về con chó: “Hôm tôi vào nhà mẹ Xường, thấy con chó con gầy trơ xương, đang nằm thiêm thiếp bên cạnh chó mẹ. Mẹ Xường bảo rằng chó mẹ đẻ được bốn con mà chết vì đói, chỉ còn con này là khỏe và hay nhất đàn, được chó mẹ dành sữa cho nên mới sống tới giờ. Tôi hỏi mẹ: “Vì sao mẹ biết nó là con chó hay nhất đàn?”, “Đứa con nào được chó mẹ thương, đi đâu cũng tha nó trước nhất là con chó hay nhất đàn”. Nói rồi bà hỏi tôi có đem về nuôi được không. Nhìn con chó con sắp chết, tôi đã muốn trả lời không, vì nghĩ rằng khó cứu được nó. Nhưng nghe giọng nói tha thiết của bà, tôi không nỡ từ chối.
Chẳng biết con chó mẹ có hiểu gì không mà nhìn tôi đầy cảnh giác. Mẹ Xường lại bên, xoa đầu nó: “Để bộ đội nuôi thằng Khmau, nhà mình không có gì cho nó ăn nữa rồi, nó sẽ chết đấy”. Bà bế chó con lên, chó mẹ cũng đi theo. Khi bà trao cho tôi, chó mẹ còn bước tới liếm vào người con, miệng rên vài tiếng ư ử như từ biệt con và gửi gấm nó cho tôi. Thấy tôi mang một con chó sắp chết về, mấy đứa trong tiểu đội cười: “Mày mang về chôn hả?”.
Phần sau, tôi xin tóm tắt: Anh em vẫn đi xin đường sữa về nuôi. Con chó được cứu sống. Lớn nhanh. Nó còn săn được thỏ rừng, gà rừng. Thậm chí còn linh cảm nguy hiểm cận kề. Đó là buổi tối tiểu đội nấu chè. Nhưng con chó luôn có vẻ bồn chồn, kêu ăng ẳng, đuôi vẫy lia lịa. Rồi nó cắn vào ống quần tác giả lôi đi. Ngọc Phương bước theo nó một đoạn thì bỗng đạn B40, AK của địch tập kích vào ngay sau tiểu đội. Ngọc Phương chỉ kịp nằm xuống tránh đạn. Ngỡ con chó hoảng sợ, nhưng nó vẫn không rời anh. Anh ấn đầu nó và nói: “Nằm xuống”. Cả người nó mồ hôi ướt đẫm và run bần bật. Anh vỗ nhẹ vào đầu, trấn an nó. Tranh thủ lúc ngớt đạn, anh chạy về nhà lấy súng. Con chó bám theo, cùng nhảy xuống giao thông hào. Trong khi đồng đội anh, một hy sinh và một bị thương nặng. Con Khmau đã cứu thoát anh trong gang tấc.
Lần khác, con Khmau cũng báo tin cho đơn vị anh về một tiểu đoàn tăng cường của địch đang áp sát. Nhưng cuối cùng, trong một lần đi tuần, con Khmau phát hiện con chồn. Nó rượt theo. Không may vấp phải mìn. “Tôi ôm xác Khmau. Toàn thân nó bê bết máu. Quả mìn KP2 oan nghiệt đã băm nát người Khmau. Một phút say mồi, linh giác của nó đã đi vắng. Nước mắt tôi trào ra khi vuốt mắt cho nó”.
Ngay cả những con vật mà chúng ta còn định kiến xấu xa, như con quạ, Trần Ngọc Phương cũng nhìn nó với ánh mắt khác thường. Câu chuyện “Con quạ” là một trong những chuyện rất hay về chiến tranh. Chuyện kể rằng, hồi nhỏ, nhà anh có mảnh ruộng. Trong ruộng có cây lớn. Quạ đến làm tổ. Thấy quạ, đám trai làng đuổi. Cho là điềm xúi. Không ngờ, một chú quạ con rơi xuống. Ai cũng sợ. Nhưng ông nội anh lại bảo mang con quạ đó về nuôi. Vì phúc hay họa gì cũng rơi vào mảnh ruộng nhà mình rồi. Vả lại, chả lẽ con quạ bé xíu lại có thể mang họa? Thôi thì, phúc họa tùy duyên.
Lớn lên, đi bộ đội. Anh đóng quân ở huyện Choăm K'san. Một thời làm thủ kho quân khí. Kho quân khí cạnh kho quân nhu. Một hôm, lính C5 nhận cá khô. Quạ ùa tới cắp cá. Lính giương AK nhằm đàn quạ. Con chết. Con bị thương. Một hôm, anh đang ngủ, bỗng thấy một con quạ đến gần. Ánh mắt cầu cứu. Anh đưa tay bắt quạ. Thì ra, nó bị thương ở cánh. Anh xin thuốc của y tá chăm sóc quạ. Hàng ngày, cho quạ ăn. Rồi cuốc giun, bắt sâu nuôi quạ. Vết thương lành, quạ bay đi. Nhưng thỉnh thoảng vẫn bay về thăm anh. Sau đó, anh chuyển đơn vị. Không biết quạ có về kho quân khí không? Nhưng anh tin, con quạ thông minh vẫn trở lại.
Viết về chiến tranh, không tiếng súng. Không xác chết. Ám ảnh đầy tình người trong một không gian đặc biệt . Một thời gian ngắn. Xung đột liên tục. Nhân vật ít. Kết thúc câu chuyện sớm. Và rất riêng biệt, không lẫn bất cứ câu chuyện nào. Nó phá vỡ quan niệm cũ về quạ của người Việt. Những chuyện đời thường này của người lính cho thấy họ ở tận đáy cùng cuộc chiến. Họ nhìn thấy những ngôi sao lấp lánh của nhân vật. Văn học ở đâu? Nhiều người viết cả cuốn sách dày, nhưng không có văn. Chất văn của Trần Ngọc Phương chính là vẻ đẹp của câu chuyện, vẻ đẹp của con người, vẻ đẹp của con vật. Đọc xong câu chuyện, những vẻ đẹp ấy còn ám ảnh, nâng cảm xúc của chúng ta trong việc cảm nhận thế giới tự nhiên.
Sau 5 năm quân ngũ, Trần Ngọc Phương trở về, học tiếp đại học. Đó lại là cuộc hồi sinh của chính anh trong đời thường. Anh còn rất nhiều chuyện để kể. Những câu chuyện của anh như chùm lá nhiều sắc màu trên cây đời. Và anh lấy xuống dâng bạn đọc. “Hái những lá thơm khi đã về già / Những lá mang mùi hương tư tưởng/ Khi cây đã hóa trầm trong ruột/ Lá đủ rồi, cần phải đợi gì hoa” (Chế Lan Viên).