Nhà văn Trần Thị Tú Ngọc - Thời gian ủ sáng những trang văn

Đến với văn chương khá muộn so với những cây bút cùng thời, nhưng trong vòng sáu năm chính thức dấn thân với nghiệp viết, nhà văn Trần Thị Tú Ngọc đã nhanh chóng khẳng định một vị trí tương đối vững chắc trong làng văn trẻ, được bạn đọc đón nhận tích cực và được giới chuyên môn đặt nhiều kì vọng. Vừa qua chị vinh dự được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Chiếc kén an toàn

Công việc ở trường thuận lợi, đời sống gia đình hạnh phúc khiến tính cách của nhà văn Trần Thị Tú Ngọc có phần an phận. Chị thường trộm vía nói đùa rằng, cuộc đời chị phẳng lặng đến mức đôi khi, chị thấy mình như một con nhộng không chịu thoát xác thành bướm, cứ trốn mãi trong cái kén tơ êm ấm, an toàn. Và rồi, chính văn chương đã kéo chị bước ra khỏi nhịp sống bình lặng ấy, đưa chị đến thế giới của sự trải nghiệm và trí tưởng tượng.

Chị khởi đầu tương đối thuận lợi. Những truyện ngắn của chị trong giai đoạn này chỉ dừng lại ở mức được đăng với những cốt truyện giản đơn, cách viết còn gò bó tính tuyên truyền khiên cưỡng. Mặt khác, chị còn bộc lộ điểm yếu thiếu vốn sống, vốn đọc khiến chị viết một cách bản năng và chưa có kỹ thuật gì đáng kể, nhất là khi triển khai các chuỗi sự kiện gắn liền với diễn biến nội tâm nhân vật.

Sớm nhận ra điều đó, không chấp nhận bỏ cuộc, Trần Thị Tú Ngọc quyết tâm lấp đầy những khoảng trống ấy bằng cách ngừng viết để đọc. Một thời gian sau, chị quay trở lại hành trình sáng tác đã chọn một cách tự tin, bản lĩnh. Những truyện ngắn "Chiều Cổ Loa nổi gió", "Gió qua miền nhớ", "Thăm thẳm bóng sông", "Sói đỏ núi Ba Đầu"… đã bật lên những tín hiệu triển vọng về cây bút 8x này.

Chị liên tục thử sức với nhiều mảng đề tài và phong cách viết khác nhau. Kỹ thuật viết tiến bộ đáng kể, chị biết cách chọn những điểm nhìn trần thuật mới mẻ, điều khiển tiết tấu mạch truyện linh hoạt và đặc biệt là dụng công trong việc tạo không khí truyện gợi mở, có hồn như thể chỉ cần đặt các nhân vật vào không gian và bối cảnh đó, câu chuyện đã tự khắc vận hành theo cách riêng của nó.

Tìm thấy chân trời

Càng viết, ngòi bút của Trần Thị Tú Ngọc càng nhuần nhuyễn, sâu đằm. Chị đã chọn được cho mình ba hướng đi chủ đạo, tạm gọi tên như sau: Lịch sử - chiến tranh cách mạng, những chuyện mang màu sắc thần thoại - kì ảo và cuộc sống hiện đại. Ở hướng đi nào, chị cũng đều viết chỉn chu, chặt chẽ. Với nền tảng kiến thức chuyên sâu về địa lí, những vùng đất mở ra trong văn chị, dù hư cấu hay có thật đều luôn sống động, huyền hoặc và cuốn hút đến lạ.

Đó là vùng Thương Vân có "những cánh đồng cỏ non mềm trắng mờ như sữa" (Hoa hồng trong sương). Đó là bản Xiềng Khoang "ở thượng nguồn sông Luống, phía các vách núi dựng đứng sát mép nước, nơi những vực thẳm đen ngòm ăn sâu vào hang đá từ xa xưa đã có thuồng luồng cư ngụ" (Thăm thẳm bóng sông). Đó là thị trấn Giăng Màn "nhạt màu như chiếc áo phơi qua nhiều cơn nắng, hàng xuyên mộc mất ngủ nở những chùm hoa trái mùa đỏ bầm" (Hoàng hôn màu trắng)…

Phát huy thế mạnh là trí tưởng tượng, gần như, trong truyện ngắn nào, nhà văn Trần Thị Tú Ngọc cũng đều cố gắng xây dựng những chi tiết, hình ảnh đắt nhằm ghim vào trí nhớ độc giả. Trong "Nguyện liên hoa" là loài sen tịnh đề "hai bông liền nhau cùng trổ trên một cuống". Trong "Đêm An Kinh mây phủ" là hiện tượng núi thở "cứ một trăm năm ở vùng núi sẽ có vài đêm xuất hiện sơn vân, nhìn giống như sương mù nhưng thực ra là hơi lạnh thoát ra từ khe núi". Trong "Tiếng rền của đá" là hình ảnh những người đàn bà xay đá: "Họ kéo cối xay trong những đêm dài lạnh lẽo thảng thốt nghe tiếng con khóc ngạt dưới hầm. Họ kéo cối xay trong mùa giỗ trận khói hương nghi ngút nhắc nhớ khôn nguôi đến người chồng ngã xuống sau khi bắn hết loạt đạn cuối cùng trên chốt". Những hình ảnh, chi tiết ấy đã góp phần tạo thêm chiều sâu ẩn dụ trong các tác phẩm.

Sống, viết và thể nghiệm

Ở mảng đề tài cuộc sống hiện đại, Trần Thị Tú Ngọc mạnh dạn những vấn đề đậm tính thời sự. Những dối lừa, đấu đá, tranh giành trong công việc (Lung linh như nước). Những mưu mô gian xảo vì một chữ tiền (Để gió cuốn đi). Những kẻ bán rẻ nhân phẩm để đạt được đổi lại thứ vật chất tầm thường (Chiếc Porsche màu ánh bạc). Cuộc sống tiềm ẩn những toan tính, xô bồ, giữa vòng xoay cơm - áo - gạo - tiền, ai dám chắc mình không một lần bị "chóng mặt"? Làm sao để sống trong cám dỗ mà vẫn giữ được tấm lòng lương thiện? Đích đến quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người là gì? Hạnh phúc, tiền bạc, danh tiếng hay địa vị? Nhà văn đang hỏi nhân vật, hỏi độc giả và cũng là tự vấn chính mình. Để có lúc, nhân vật của chị hay chính chị khao khát lắm cảm giác bình yên "Đi hết vạt đồi lúp xúp sim mua là tới đầm Sênh, men theo bờ đầm một quãng sẽ thấy lối rẽ vào làng Bún" (Mùa xuân bên đồi sim).

Trái ngược với tính cách có phần rụt rè, trong văn chương, nhà văn Trần Thị Tú Ngọc là cây bút ham khám phá, ưa thử nghiệm những phong cách mới lạ. Ở mảng thần thoại - kỳ ảo, chị có nhiều truyện ngắn đặc sắc, ma mị, u linh, huyền bí. Một tình yêu đầy ngang trái, đau thương, bi thảm của một chàng trai trần thế với nàng Lục vĩ ma hồ - con cáo ngàn năm tu luyện thành người, có duyên tao ngộ nhưng không thể trọn kiếp bên nhau (Mộng hồ ly). Một cuộc chiến rách thịt đổ máu giữa người thợ săn Nguyễn Hạng và con sói đỏ có "đôi mắt hình tam giác" (Sói đỏ núi Ba Đầu). Một con thuồng luồng tên Mắt Xanh mang đầy thù hận, luôn "nung nấu ý định lên bờ trả thù con người" (Thăm thẳm bóng sông). Một cô gái hiện đại mang trong mình "huyết thống của loài thiên điểu", luôn hoang mang truy vấn về định danh và căn cước bản thân (Kí ức loài thiên điểu).

Vốn có sở trường ở mảng đề tài lịch sử - chiến tranh cách mạng, chị tự tin trình làng những truyện ngắn tiêu biểu nhất tạo nên dấu ấn rõ nét cho cái tên Trần Thị Tú Ngọc trên văn đàn và đưa chị đến gần hơn với bạn đọc: "Chiều Cổ Loa nổi gió", "Trên thảo nguyên xanh thẳm", "Sầu thiên thu", "Giấc mơ người xa xứ", "Hoa nơi viễn xứ"… Chị khai thác mảng đề tài này dưới những góc nhìn đa chiều, trăn trở và cũng đầy sâu sắc, nhân văn, đồng thời, luôn nỗ lực thể hiện những suy luận, cảm nhận riêng về các "khoảng mờ lịch sử" nhằm mượn chuyện người xưa để nói chuyện hôm nay. Độc đáo hơn cả là "Ngụ ngôn tháng Tư" - một truyện mang đến cho chúng ta những chiêm nghiệm về bức tường vô hình ngăn cách hậu chiến tranh, và như tác giả tâm niệm: "Sau tất cả, tôi viết "Ngụ ngôn tháng Tư" như một lời nguyện cầu cho hòa bình, hòa hợp dân tộc, cho tình yêu, cho niềm hy vọng".

Cây bút chuyên nghiệp

Bàn về truyện ngắn của nhà văn 8x sung sức này, nhà văn Uông Triều nhận định: "Trần Thị Tú Ngọc viết văn chưa lâu nhưng nhanh chóng chứng tỏ mình là cây bút chuyên nghiệp. Văn của Tú Ngọc chắc chắn, vững vàng, đa dạng về đề tài, bút pháp, kể cả những thử nghiệm mới mẻ. Chị là một trong số ít những cây bút nữ có năng lượng dồi dào, sức sáng tạo mạnh mẽ, tinh thần làm việc chuyên nghiệp. Pha trộn giữa hiện thực và huyền ảo là một kiểu viết của Trần Thị Tú Ngọc, sự đan trộn này thường làm mới lại những câu chuyện truyền thuyết và vẫn neo bám vào hiện tại, nó giống như một bức tranh mờ ảo nhưng vẫn thấy được những đường nét của cuộc đời thực".

Nhà văn Trần Thị Tú Ngọc đã bản lĩnh thoát ra khỏi chiếc kén an toàn của mình để thỏa sức tung bay trên bầu trời sáng tạo. Bằng thái độ nghiêm túc và bút lực dồi dào, tin rằng, chị sẽ tiếp tục cống hiến cho độc giả những trang văn đẹp đẽ, thấm thía và ắp đầy giá trị nhân văn…

Với gần năm mươi truyện ngắn được đăng tải trên các tờ báo, tạp chí, hai đầu sách in riêng ("Ngụ ngôn tháng tư" và "Linh mộc"), nhà văn Trần Thị Tú Ngọc đang chứng minh trường sức của mình. Những cống hiến âm thầm mà bền bỉ của chị đã được ghi nhận bằng các giải thưởng uy tín như:

Giải Nhất truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Bình Định năm 2021, giải Nhất cuộc thi viết truyện ký "Vẻ đẹp của sự đa dạng" do CSAGA tổ chức năm 2023, giải Nhì truyện ngắn Tạp chí Hồng Lĩnh 2015, giải B Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VII, giải Ba truyện ngắn cuộc thi "Lửa mới" Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2018 - 2019, giải C Giải thưởng thường niên Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, giải Ba tản văn cuộc thi viết "Thương nhớ miền Trung" của Báo Thanh niên 2021, top 10 truyện ngắn hay Báo Văn nghệ 2022. Mới đây, chị đã vinh dự trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nha-van-tran-thi-tu-ngoc-thoi-gian-u-sang-nhung-trang-van-i721449/