Nhà văn và những cái tẩu... không để hút
Chơi tẩu là một cái thú của các nhà văn mặc dù hầu hết họ không nghiện thuốc. 'Công việc viết lách đôi khi cô đơn và chứa đựng nhiều sự hấp dẫn, mê hoặc nên các nhà văn cũng cần có 'người bạn' song hành bên trang bản thảo ngổn ngang' – nhà văn Mạc Can nói.
Bí mật của Mạc Can
Mạc Can được biết đến với những vai ảo thuật hài với lối diễn hồn nhiên, độc đáo. Cuốn sách “Tấm ván phóng dao” kể về những màn ảo thuật và cuộc đời nghệ sĩ lang thang của ông được tái bản nhiều lần. Ông đam mê viết lách, đóng phim, và cuộc đời lang bạt của ông cũng chứa đựng nhiều điều bí ẩn.
Có dạo hàng năm trời người ta không biết ông đi đâu, ở đâu… thế là thiên hạ ra sức đồn đại ông đi nước ngoài lấy vợ, người bảo ông ẩn dật tu luyện để diễn ảo thuật, người thì nói ông đang đi tìm cảm hứng sáng tác.
Phải qua nhiều người bạn, người quen và đồng nghiệp của Mạc Can chỉ đường, tôi mới tìm được căn nhà trọ của Mạc Can. Khi ấy ông sống một mình và tá túc trong một gia đình cũng khá nghèo. Họ dành cho ông một căn phòng nhỏ, trong đó chứa đầy sách vở, đạo cụ, cả những bộ quần áo cũ kỹ. Mạc Can tự nấu cơm bằng cái nồi cơm điện bé xíu. Ông bảo: “Tôi chẳng biết đi đâu cả. Tôi chỉ “biến” vào trong nghệ thuật, văn chương”.
Mạc Can bảo tôi: “Tôi có một bí mật ít người biết. Đấy là tôi rất thích tẩu, dù tôi không bao giờ nghiện thuốc lá và rất ghét những ai nghiện thuốc lá”. Trò chuyện cùng tôi vài lần, từ những ngày ông hãy còn mạnh khỏe cho tới giờ sức khỏe như ngọn nến trước gió, nhưng lần đầu tiên Mạc Can nói với tôi về sở thích của ông.
Trong phòng trọ tồi tàn trên bán đảo Thanh Đa, Mạc Can đem cái tẩu cũ kỹ ra, lau chùi rất điệu nghệ rồi bỏ vào một chút thuốc, mồi lửa. Nhà văn bảo: “Tôi không nghiện ngập gì, cả thuốc lá và rượu, tôi đều không mê. Chỉ là những lúc cô đơn, một mình, trong chiều tối vắng vẻ thế này, bên trang viết dở, thôi chẳng biết giải trí gì. Tôi đốt thuốc lên trong cái tẩu và… nhìn nó cháy. Nó tắt, rồi nó lại cháy. Đấy anh xem. Có lẽ tôi không biết hút thuốc, tôi cứ thả khói mù mịt cả lên, rồi tôi để cái tẩu cứ âm ỉ khói trên bàn và cặm cụi với cái máy tính cũ kỹ, viết tiếp những gì còn dang dở…”.
“Tôi rất nghèo! Tôi không có tiền mua thuốc đâu. Toàn bạn bè cho thôi”. Đôi khi người ta nghĩ người chơi tẩu là kẻ giàu có sang trọng, thượng lưu… Mạc Can nhún vai: “Tôi chẳng bao giờ nghĩ về tiền bạc. Tôi chỉ nghĩ về con người, nghĩ về tuổi thơ của tôi và những nhân vật của tôi. Tôi chưa bao giờ thấy mình là người nghèo cả. Đơn giản là tôi hài lòng với cuộc sống của mình”. Nhà văn cho tôi xem mấy hộp bánh kẹo, hoa quả còn nguyên đai nguyên kiện: “Khán giả gửi tặng Mạc Can đấy! Tôi giàu có ấy chứ, tôi giàu bạn bè, giàu tình thương mến”.
Một ngày, em gái tới tìm ông và lôi ông về nhà. Cô nói: “Anh cứ lang thang cả đời với cái tẩu của mình rồi. Bây giờ anh phải về sống với cô em gái của anh, sống với gia đình của chúng ta”. Mạc Can thương em gái lắm, thế là ông đành chịu về nhà ở Hóc Môn.
Tôi ghé Hóc Môn thăm và nói chuyện, Mạc Can yếu đi nhiều, ngồi xe lăn, bảo tôi: “Em gái cấm cửa, không cho đụng chạm gì tới tẩu thuốc lá nữa. Phải giữ gìn sức khỏe để viết lách. Tôi vẫn đang ấp ủ làm một bộ phim về tác phẩm của tôi…”.
“Người tình” của Phạm Thiên Thư
Thi sĩ Phạm Thiên Thư là một tín đồ của tẩu. Ông nói: “Tôi không nghiện thuốc lá đâu. Tôi chỉ ngậm tẩu và nhả khói như một toa tàu, mà không bao giờ hít khói thuốc lá vào người. Có lẽ nom tôi giống với một diễn viên, nhưng thật sự những cái tẩu đã theo tôi gần như suốt cuộc đời”.
Những ai gặp thi sĩ Phạm Thiên Thư, tác giả của những “Đưa em tìm động hoa vàng”, “Đoạn trường tân thanh”, “Từ điển cười” đều sẽ luôn nhìn thấy trên tay ông một cây tẩu cũ, như hình ảnh người ta từng thấy qua tranh ảnh về cố nhà văn Nguyễn Tuân. Thi sĩ Phạm Thiên Thư nói: “Không chỉ Nguyễn Tuân mà nhiều nhà văn khác, chẳng hạn Nhất Linh cũng thích cầm cái tẩu trên tay. Một bức tranh vẽ Nhất Linh cầm cây tẩu, đó đúng là một hình ảnh quen thuộc của ông ấy”.
Phạm Thiên Thư có vài ba cái tẩu làm từ thời Pháp. Chúng đều là những thứ ông được tặng. Bản thân nhà thơ chưa bao giờ mua một cái tẩu nào. Ông nói: “Tôi khuyên các bạn trẻ không nên hút thuốc lá, dù là thuốc tẩu hay bất cứ gì. Chúng làm hại tới sức khỏe của các bạn. Với tôi, tẩu thuốc chỉ là một trò chơi trong khi viết lách. Tôi chỉ tìm thấy niềm vui trong tác phẩm của tôi chứ không phải từ bất kỳ điều gì khác”.
Nói vậy, nhưng có dạo nhà thơ ốm, vợ của ông bèn giấu biến cái tẩu cũ đi. Ông tìm mãi không thấy, buồn lắm. Rồi vợ trả lại cái tẩu, nhà thơ mừng như gặp bạn tri âm. Mừng là vậy, nhưng ông ngắm tẩu nhiều hơn hút. Ông bảo: “Dùng tẩu cũng như gặp bạn hiền, giờ bạn bè của tôi đã khuất bóng nhiều rồi, một mình buồn, ngẫm lại cuộc đời chẳng khác gì giấc mộng. Ngắm tẩu cũ, chạnh lòng nhớ bạn bè xưa”.
Cái tuổi U90, thi sĩ Phạm Thiên Thư vẫn đọc sách, đọc thơ mỗi ngày. Bên cạnh ông, chiếc tẩu cũ lâu ngày không thắp lửa, vẫn ở đó, bên các cuốn sách cũ, như chứng nhân của thời gian.
Bộ sưu tầm của vị linh mục
Linh mục Nguyễn Hữu Triết là một nhà sưu tầm đồ cổ rất nổi tiếng với bộ sưu tập đèn làm bằng đồng. Linh mục cũng có trong tay những bản sách quý hiếm trong những lần in đầu của truyện Kiều hay Lục Vân Tiên. Những bài viết của linh mục Nguyễn Hữu Triết, báo động về nạn chảy máu cổ vật, sự lãng quên quá khứ… rất được các bạn trẻ quan tâm, chia sẻ.
Khi tới thăm linh mục Nguyễn Hữu Triết, tôi ngạc nhiên khi được cha “bật mí” về bộ sưu tập các loại tẩu. Linh mục nói: “Anh xem, những chiếc tẩu vốn có từ thời Đông Sơn, đâu phải là ngẫu nhiên mà chúng có mặt ở đây. Tất cả những gì thuộc về văn hóa, đều không xa lạ với tôi”.
Bộ sưu tập tẩu của linh mục Nguyễn Hữu Triết với những chiếc tẩu có hình thù độc đáo, có cái khá kỳ quặc. Dường như có một sự phổ biến trong văn hóa hút tẩu của người xưa. Từ người Việt, người Chăm, người Hoa đến người châu Âu đều có các loại tẩu riêng của mình.
Ở TPHCM có khá nhiều người sưu tầm tẩu. Trong một quán cà phê ở gần phố đi bộ, tôi gặp bộ sưu tập với khoảng 500 cái tẩu đủ loại. Người chủ quán, một anh chàng khá trẻ nói: “Phần lớn những cái tẩu quý đều được làm thủ công bằng tay, những cái đắt tiền giá có thể tới cả trăm triệu đồng. Ở TPHCM, những cái tẩu do người Việt Nam làm kỳ công cũng giá cỡ vài chục triệu đồng”.
Thi sĩ Phạm Thiên Thư nói rằng: “Hút thuốc lá người ta thường rít hơi sâu, khói thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều. Dùng tẩu thì người hút thường chỉ ngậm tẩu, nhả khói, nên tác hại ít hơn. Nhưng tôi luôn khuyên các bạn trẻ xem sưu tầm, chơi tẩu là một thú vui, tìm hiểu về văn hóa xưa, chứ đừng nên nghiện ngập mà ảnh hưởng tới công việc và sự sáng tạo. Từ xưa tới giờ tôi chỉ xem chơi tẩu là một thú vui mà thôi”.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nha-van-va-nhung-cai-tau-khong-de-hut-post1484071.tpo