Nhà văn Vi Hồng - 'Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt'
'Tôi là Vi Hồng, lấy vợ từ năm mười hai tuổi, lại còn lấy vợ nhầm nữa kia! Nghĩa là tôi đi xem mặt vợ, nhưng lại xem mặt một cô gái khác. Khi lấy vợ, vợ là cô gái khác. Chuyện có thật trăm phần trăm, các nhân vật chủ chốt trong cuộc lấy vợ của tôi bây giờ hãy còn sống, mà nghe cứ như một cổ tích hay ít nhất cũng như là tiểu thuyết...'
Đã bao giờ bạn được đọc lời tự sự chân thành đến đau đớn như thế này chưa?
“Tôi là Vi Hồng, lấy vợ từ năm mười hai tuổi, lại còn lấy vợ nhầm nữa kia! Nghĩa là tôi đi xem mặt vợ, nhưng lại xem mặt một cô gái khác. Khi lấy vợ, vợ là cô gái khác. Chuyện có thật trăm phần trăm, các nhân vật chủ chốt trong cuộc lấy vợ của tôi bây giờ hãy còn sống, mà nghe cứ như một cổ tích hay ít nhất cũng như là tiểu thuyết. Rõ khổ cho một thằng bé mười hai, nó có biết vợ là gì đâu mà xem mặt với mũi! Cho nên bố tôi đã cho người bạn thân của tôi khi ấy, nhưng nhiều tuổi hơn tôi cùng đi xem mặt vợ tôi. Mục đích là để bạn tôi nói và tôi nghe, tôi tin. Bạn tôi bảo cô ấy đẹp tuyệt. Tôi cũng thấy đẹp và tin…
Không biết tôi có tin thật hay không? Nhưng tôi còn nhớ tôi xem mặt một cô gái rất đẹp, còn vợ tôi là người đàn bà cực xấu, nhiều hơn tôi mười tuổi.
Cuộc hôn nhân đó của tôi thật là “rửa không sạch, gột không đi, xẻ không lìa, lấp không đầy”- người Tày của tôi thường có lối diễn đạt như vậy. Vì thế suốt một cuộc đời tôi tự biết là mình đau khổ, tự mình biết mình một đời ao ước duyên lành, tự mình biết mình trọn một đời phải làm gì cho nhạt bớt nỗi đắng cay! Tôi biết sự thật một đời của tôi vắn tắt mấy dòng vậy, mà chưa chắc các anh đã dám in…”.
Khi viết những dòng tự bạch này, nhà văn Vi Hồng đã gần bước sang tuổi sáu mươi. Và ông đã có gần hai mươi tác phẩm được xuất bản, gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, khảo cứu… Nghĩa là ông có đủ tư cách và lòng dũng cảm để kể chuyện đời mình. Và người khích lệ nhà văn Vi Hồng viết những dòng gan ruột trên là hai nhà văn Ngô Thảo và Lại Nguyên Ân. Các ông đã tổ chức biên soạn cuốn “Nhà văn Việt Nam - Chân dung tự họa” vào năm 1995. Cuốn sách do NXB Văn học ấn hành.
Một đêm, chờ tàu lên phía Bắc, tôi tình cờ nhặt được cuốn truyện nhỏ “Đường về với mẹ chữ”. Nó nằm bên gốc cây cảnh trong nhà ga. Bao người đi qua, không ai để ý. Tôi cầm lên xem. Ngay lập tức, cuốn truyện như nam châm, hút tâm trí tôi. Nhà văn kể câu chuyện một nhóm học sinh gồm bảy người, sáu Tày một Kinh, phải đi bộ từ Cao Bằng sang Thái Nguyên để ôn thi vào lớp 7 (hệ 10 năm). Tuy mới học lớp 7, nhưng các em đều ở lứa tuổi từ 17 đến 19. Do nhiều hoàn cảnh, học sinh thời đó thường đến trường khi tuổi đã lớn. Các em phải đi bộ hơn 250 cây số. Họ cuốc bộ mất 9 ngày. Nhưng đến nơi, ôn bài xong, trường lại hoãn thi một tháng. Thế là cả nhóm lại đi bộ về Cao Bằng.
Dọc đường, nhiều người, giày rách, phải đi chân đất. Đêm ngủ giữa rừng, nằm vòng tròn, đầu quay ra ngoài, chân đặt ở giữa. Họ học cách ngủ của đàn trâu rừng. Những con lớn quay đầu ra ngoài, bảo vệ những con nghé bên trong. Sợ nhất là cảnh gặp hổ. Con hổ cứ theo sau họ. Rồi có lần, con hổ chạy lên. Nó ngồi trước mặt. Chàng trai Vi Hồng cầm dao, thủ thế. Con hổ phun nước bọt xối xả vào mặt. Hơi phun của con hổ quá mạnh khiến chàng trai đứng không vững. Nhưng nhớ lời người già dặn, nếu mình ngã, hổ sẽ xông vào, xé xác. Nếu mình không ngã, hổ sẽ không dám vồ. Chàng trai Vi Hồng đã dũng cảm hét lớn, làm động tác như lao vào hổ. Chàng trai tiến lên hai bước. Hổ lùi hai bước. Rồi ngồi xuống. Chờ đối thủ. Rồi lại phun nước. Hai bên cứ tiến thoái như vậy dăm lần. Cuối cùng, các bạn cùng đi đã kịp đốt lửa. Con hổ đành bỏ vào rừng. Cuốn truyện ký nhỏ nhoi nhưng gây ấn tượng thật mạnh. Tôi cứ nhìn mãi vào tên nhà văn, cố tìm hiểu những sức mạnh bí ẩn trong ông.
Ông sinh năm 1936, tuổi Bính Tý, mạng Giản hạ thủy - Nước khe suối. Những người sinh năm này, cuộc đời nhiều sóng gió, tình duyên nhiều trắc trở, sống với những điều thực tế, xa lạ với những gì viển vông. Khi mới lên 7, cậu bé Vi Hồng đã phải chịu tang lớn: Mẹ mất. Sau này, ông bố tục huyền. Nhưng những đứa em của nhà văn đều chịu chung số phận yểu mệnh. Là con trai độc nhất của gia đình nhiều khó khăn nên Vi Hồng sớm phải tiếp nhận gánh nặng của sứ mệnh. Năm 12 tuổi, cậu bé đã phải cưới vợ. Ngày trước, các cụ cưới vợ sớm cho con trai, chủ yếu là lấy người con gái về làm lụng công việc đồng áng, chăm sóc gia đình. Việc “sinh hoạt vợ chồng” hầu như không có. Đêm đến, các cụ vẫn bố trí hai nơi ngủ khác nhau, cô dâu cách xa chú rể.
Nhưng ngôi sao số phận vẫn dành những luồng ánh sáng chiếu xuống cuộc đời Vi Hồng. Một người trong họ hàng, nhận thấy tư chất thông minh, đôn hậu trong cậu bé, đã sớm dạy chữ và giúp đỡ đứa cháu trên con đường học vấn. Đó là sự tác động bên ngoài. Chính năng khiếu và sức mạnh tinh thần từ bên trong, như động lực mạnh mẽ, thúc đẩy Vi Hồng vượt qua nghịch cảnh. Nhà văn kể tiếp: “Tôi vốn thích thơ văn từ tuổi lên mười. Ngày ấy, tuổi ấy tôi đã thuộc rất nhiều bài dân ca với làn điệu quen thuộc của dân tộc Tày. Cũng mười tuổi tôi bắt đầu làm thơ bằng tiếng Tày của tôi khi tôi chưa hề biết nói tiếng Kinh.
Từ chất yêu văn chương cùng khổ đau đã dẫn dắt tôi đến với văn chương. Lần đầu là văn chương bằng tiếng dân tộc.
Rất nhiều năm viết văn của tôi - khoảng từ những năm 1959 năm tôi được giải truyện ngắn của Tổng hội sinh viên Việt Nam đến năm 1977 (năm tôi về dự trại viết của Hội Nhà văn VN, ở Quảng Bá), tôi viết theo cảm tính, viết cho vui, viết cho nhạt màu cái quả ớt của cuộc đời lúc nào cũng chín mọng, cho nên thành công quá ít. Sau những năm 1977, tôi có ý thức dần với việc sáng tác văn chương, nhưng vẫn có cái gì đó không thật hăm hở. Dăm năm lại đây tôi viết hăm hở hơn. Và có ước mơ là viết cho người Tày mình đọc, đồng thời để nhiều người dân tộc khác đọc mà hiểu người Tày mình hơn”.
Phương ngôn có câu: “Nhà giàu sinh võ, nhà khó sinh văn”. Vi Hồng xác nhận: “Nếu tôi không có một nỗi đau kinh hoàng đến vỡ mật, mất hồn của một đời thì chắc gì tôi đã trở thành một người viết văn”. Nhưng nói vậy thôi, trong thâm tâm, Vi Hồng vẫn ý thức trách nhiệm của người con cả trong nhà, làm tròn chữ hiếu với cha mẹ, ông bà. Và ông cũng trân trọng danh phận người đàn bà đã có lòng về làm dâu họ Vi. Hai ông bà đã sinh được một người con trai. Hiện anh sống trong căn nhà, nơi cha mình đã lớn lên ở bản Phai Thin.
Và những trang văn của Vi Hồng không bao giờ oán trách số phận hay giận dỗi cuộc đời. Trong hầu hết những tác phẩm của ông là những bài học nhân nghĩa về đối nhân xử thế, khơi dậy sức mạnh nội tâm, là bài ca về tình yêu cuộc sống dẫu còn nhọc nhằn. Ông dành cho thiên nhiên, núi rừng phía Bắc biết bao tình cảm. Bầu trời, ngọn núi, con suối, một nhánh cây nhỏ… đều được ông nâng niu bằng chính tình yêu say đắm của mình. Đặc biệt, bao lời ăn tiếng nói sinh động, bao ca dao, tục ngữ của người Tày được ông sử dụng nhuần nhuyễn khiến người đọc như được khám phá vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ của một dân tộc có truyền thống văn hóa vĩ đại như người Tày ở Cao Bằng - một vùng đất cổ từ thuở khai thiên lập địa của nước Việt thân yêu.
Hình ảnh Người Mẹ thường gắn với những vẻ đẹp thiêng liêng như Mẹ Đất, Mẹ Nước. Người ta thường nói “tiếng mẹ đẻ” là tiếng nói của dân tộc mình. Vi Hồng đi học chữ quốc ngữ. Và ông yêu chữ này như yêu chính tiếng mẹ đẻ của mình. Thật hiếm nhà văn nào gọi chữ quốc ngữ là “Mẹ Chữ” như ông. Chữ Quốc ngữ đã chắp cánh cho ông vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Văn. Rồi ông mang chữ Quốc ngữ lên miền núi dạy học. Không những là một người thầy tận tụy, ông còn có tài kể chuyện. Ông là người con của núi rừng Việt Bắc, kể những câu chuyện mà ông từng chạm tay vào. Ông tâm sự: “Những năm gần đây, khi sức khỏe không cho tôi xuống sông bắt cá, lên rừng săn thú đuổi chim kiếm ăn thêm vào thì tôi rất mừng là mình có cái nghề viết văn. Và tôi đào vào trời, mây, non nước… quê hương tôi để lấy các thứ quặng rồi đào luyện trong cái nguồn đau thương của cuộc đời riêng tôi, sau đó tuyển chọn quặng đó trong những con nước trong veo ban mai quê tôi, rồi viết ra chữ”.
Rồi cuộc đời cũng ban tặng cho Vi Hồng một người vợ đẹp người đẹp nết như ông hằng mong ước. Đó là bà Hà Thị Đèm, một nhà giáo ở Cao Bằng. Vợ chồng ông sinh được hai con trai khỏe mạnh. Ông đặt tên con là Thái và Nguyên, tên đệm là họ mẹ. Gia đình ông phải chuyển nhà nhiều lần, cuối cùng cũng đến bến đậu trong khuôn viên Trường Đại học Thái Nguyên. Và nhà văn, trí tuệ còn minh mẫn, nhưng chân tay đã yếu. Khát vọng sáng tác càng cháy bỏng trong tâm hồn. Ông khuyên vợ nghỉ dạy học, ở nhà giúp chồng. Ông đọc cho vợ chép những truyện ngắn, tiểu thuyết, khảo cứu v.v…
Tôi có người bạn công tác tại Trường Đại học Thái Nguyên. Anh cho biết, trong trường có đến gần hai mươi luận văn tốt nghiệp đại học và luận văn thạc sĩ nghiên cứu về những tác phẩm của nhà văn Vi Hồng. Người đi sâu vào thủ pháp truyện ngắn, người phân tích những nhân vật trong tiểu thuyết, người đề cập đến tính thời sự, người đi theo những vẻ đẹp thiên nhiên… trong các trang văn của ông. Tôi đã mượn ý thơ của nhà thơ Chế Lan Viên làm tên bài để nói về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Từ những mùa trái ngọt của ông, nhiều cây viết trẻ tiếp tục nhân lên, phát tán những vẻ đẹp của con người và quê hương Tây Bắc, vẻ đẹp và tâm hồn của Vi Hồng - suối nguồn trong vắt vô tận của dân tộc Tày - kiên gan như núi, nhân hậu như rừng.