Nhà văn Vũ Thị Hồng: Ký ức là tiếng gọi phải đáp lời

Khác với người chồng nổi tiếng - nhà văn Chu Lai một thời dọc ngang văn đàn, xuất hiện nhiều nơi, nhà văn Vũ Thị Hồng có phần khép kín.

Bà không mấy khi đăng đàn, thậm chí ngay cả về văn nghệ cũng ít nói. Nhưng trong sâu thẳm của người phụ nữ ấy, văn chương là một mạch ngầm chưa khi nào ngừng thôi thúc.

Nhà văn Vũ Thị Hồng.

Nhà văn Vũ Thị Hồng.

1. Nhớ lần trò chuyện cùng nữ nhà văn quân đội Vũ Thị Hồng khoảng chục năm về trước, tại ngôi nhà nhỏ trên phố Lý Nam Đế, bà chia sẻ: “Tôi thuộc típ người thích được làm việc một cách lặng lẽ. Tôi nghĩ làm được chút gì hãy để bạn đọc đánh giá. Tôi viết ít, số lượng tác phẩm khiêm tốn, thành tựu không có gì đáng kể, quan điểm lại bảo thủ, không phá cách, cho dù tôi rất thích đọc những cái mới. Văn chương giống như một nhu cầu tự thân, lúc nào thích thì tôi viết, không thiết tha với việc phải cố gắng viết ra một tác phẩm”. Và, bà tự nhận trong việc sáng tác, ý chí của bà “hơi bị kém”. Tôi đã phản biện lại ngay những chia sẻ đó của nhà văn. Bà khiêm nhường, có lẽ vì trong nhà đã có một ông Chu Lai quá nổi tiếng rồi. Không những thế, bố chồng của bà (nhà viết kịch Học Phi), anh trai chồng của bà (nhà văn Hồng Phi) đều là những gương mặt ấn tượng của đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà. Không muốn nói nhiều về mình, có lẽ nữ nhà văn muốn lùi lại phía sau để làm một người phụ nữ của gia đình. Khi ông Chu Lai ngồi viết bà sẽ là người xăng xái vào ra cơm nước, dọn dẹp. Bà cười bảo: “Chẳng lẽ ông ấy ngồi viết tôi cũng ngồi vào bàn thì nhà cửa, con cái sẽ ra sao”. Ôi một người phụ nữ, dù có cầm bút viết văn thì họ vẫn không bao giờ quên thiên chức của mình, giữ cho cái bếp của nhà mình luôn ấm áp.

Đó là chuyện của 10 năm về trước, còn bây giờ thì sao? Hai vợ chồng nhà văn quân đội đã chuyển về sống trong một khu chung cư hiện đại nhìn ra sông Hồng. Con thì đã trưởng thành rồi, hai ông bà đã lớn tuổi và cuộc sống cũng giản dị hơn trong mọi thứ. Bà vẫn là người vợ đảm, hằng ngày chăm sóc bữa ăn cho ông chồng nhà văn, dọn dẹp nhà cửa và lúc thảnh thơi thì đọc sách, viết văn.

2. Nhà văn Vũ Thị Hồng là con cả trong gia đình 6 anh chị em. Từ nhỏ bà đã giúp cha mẹ chăm các em, như bao người chị cả khác. Chứng kiến cái chết của người cha trong trận bom Mỹ dội trên phố Huế - Hà Nội, cô sinh viên khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp đã xung phong ra mặt trận, làm phóng viên chiến trường. Đó là năm 1970, khi Vũ Thị Hồng vừa tròn 20 tuổi. Ba lô trên vai, nghĩ đến cảnh người mẹ ở lại nuôi các em trong khung cảnh nhà cửa đổ nát, trái tim người con gái quặn thắt. Nhưng nhớ đến cái chết của bố, Vũ Thị Hồng mạnh mẽ lên đường. Sức khỏe không tốt, mắt bị viêm đáy màng bồ đào, bác sĩ khuyên ở lại, Vũ Thị Hồng trốn khỏi bệnh viện, ra đi với mong muốn mãnh liệt “được trở thành một người lính và viết về người lính”.

Nhà văn Vũ Thị Hồng và nhà văn Chu Lai.

Nhà văn Vũ Thị Hồng và nhà văn Chu Lai.

5 năm ở chiến trường là phần đời không thể nào quên của nhà văn Vũ Thị Hồng. Dù cho bà từng tự nhận mình là một người viết chậm, tôi vẫn luôn tin rằng bà chưa khi nào ngừng ấp ủ những trang sách viết về thời thanh xuân khốc liệt ấy. Điều này không sai, mới đây, nữ nhà văn quân đội Vũ Thị Hồng đã ra mắt độc giả tác phẩm truyện ký: “Chạm vào ký ức”. Bà và chồng đã có buổi gặp gỡ thân mật với một số người bạn trong một không gian ấm cúng. Tác giả “Nắng đồng bằng” - nhà văn Chu Lai chia sẻ, ông lúc nào cũng động viên người bạn đời của mình viết một cuốn sách mà ở đó, không cần phải hư cấu chút nào cả, bà chỉ viết lại chính những năm tháng tuổi trẻ nơi chiến trường của mình đã đủ hay rồi. Còn nữ nhà văn thì chia sẻ: “Sau năm 1975 tôi ra Bắc chữa bệnh, rồi làm công tác biên tập ở Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, rồi được phân làm Trưởng ban Phụ nữ quân đội. Ban lúc đó mới thành lập, rất nhiều việc phải lo. Đan xen với công việc trong thời gian bận rộn này tôi sáng tác về đề tài chiến tranh ở các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết. Nhưng quả là còn một cuốn sách mắc nợ chưa viết ra, đó chính là “Chạm vào ký ức”.

Chỉ trong hơn một năm, người luôn tự nhận mình viết chậm đã hoàn thành “món nợ” nửa thế kỷ. Nghĩa là viết rất nhanh, như thể con chữ ở đâu tự đổ về.

3. “Chạm vào ký ức” của nhà văn Vũ Thị Hồng có gì? Xin thưa, có bom đạn, có nỗi đau mất cha, có những đêm dài hành quân vượt Trường Sơn, có những phút giây giáp mặt kẻ thù nơi tiền tuyến, có bệnh tật dày vò, có sự khốn khổ về tinh thần khi gặp đồng đội xấu, có tình yêu chớm nở rồi mất đi... Đó là phần ký ức dữ dội của nhà văn cũng như nhiều người trong thế hệ của bà đã trải qua mà những người trẻ hôm nay không dễ hình dung ra. Cú chạm ký ức này không phải là cú chạm nhẹ nhàng, bởi nó chân thật “chiếu lại” một bộ phim chiến tranh, ở đó thân phận mỗi con người cụ thể luôn gắn với số phận của đất nước. Nói như nhà văn Ngô Thảo thì “Chạm vào ký ức” là cuốn sách “gọi hồn” cho các đồng đội mà nữ nhà văn đã chiến đấu bên cạnh trong suốt 5 năm làm phóng viên chiến trường Quảng Nam.

Tôi đã đọc “Chiến tranh không mang khuôn mặt phụ nữ” của nhà văn Nga Svetlana Alexievich, nhưng chiến tranh ở Việt Nam thì có bóng dáng phụ nữ. Họ là du kích, thanh niên xung phong, bộ đội, cán bộ dân chính. Lịch sử còn ghi lại, ở chiến trường khu V có hẳn một tiểu đoàn được gọi là “Tiểu đoàn bà Thao”, có lúc tới 500 phụ nữ chuyên làm công tác vận tải, hậu cần. Rồi có cả một tiểu đội chuyên vận tải vượt thác ghềnh mùa mưa - những người phụ nữ gùi nhu yếu phẩm nặng 70kg, 80kg, thậm chí 100kg trên đôi vai bé nhỏ dù họ chỉ nặng chừng trên dưới 40kg vì đói ăn, vì gian khổ. Những người phụ nữ ấy đã đóng góp không nhỏ vào chiến thắng của dân tộc. Nhân vật Thục trong cuốn sách “Chạm vào ký ức” là hiện thân của nhà văn Vũ Thị Hồng đã hòa vào đội ngũ những người phụ nữ thời chiến ấy. Bà đã sống những năm tháng thanh xuân ở nơi bom rơi đạn nổ, trong sự rình rập của cái chết, nhiều lần bị thương, bị B52 vùi lấp. Những đêm một mình trong rừng, những lần gặp địch và phải sống chết giáp lá cà của nhân vật chính trong cuốn sách cho tôi cảm nhận một tinh thần phụ nữ Việt Nam bất diệt. Nhưng để nói về những hy sinh, mất mát của Thục, cũng là của nhiều phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh, thì tôi lại chú ý nhiều hơn đến những chi tiết khác. Đó là hình ảnh những phụ nữ trẻ nơi chiến trường gặp nhau, thấy “mông teo, ngực lép, tóc rụng, bế kinh, thân thể tàn tạ, không còn nhận ra giới tính”...

Thanh xuân đời người như một cuốn phim, khi đang là vai chính trong đó có lẽ mỗi chúng ta không thể tự hiểu hết cuốn phim này. Nhưng đến một độ tuổi nào đó mà nhìn lại, hoặc viết lại, chúng ta sẽ nhìn ra ý nghĩa đời mình ở đó. Ký ức thực sự là tiếng gọi, mà mỗi người cần phải tự đáp lời, theo một cách nào đó. Với những người cầm bút đi qua chiến tranh như nhà văn Vũ Thị Hồng, quá khứ luôn là điều ám ảnh, để từ đó những tác phẩm văn học ra đời, gửi gắm nhiều thông điệp cho lớp trẻ hôm nay.

Đại tá, nhà văn Vũ Thị Hồng (bí danh Nguyễn Thị Bắc Hà) sinh năm 1950. Bà là phóng viên Tạp chí Văn nghệ quân giải phóng Trung Trung Bộ thời kháng chiến chống Mỹ. Sau hòa bình bà công tác tại Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Trưởng ban Công tác phụ nữ quân đội.
Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Vũ Thị Hồng: "Xóm biển" (Tập truyện ngắn), "Tiếng rừng" (Tập truyện ngắn), "Trở lại là em" (Tiểu thuyết), “Có một thời yêu” (Tập truyện ngắn)... Bà từng giành các giải thưởng: Giải A cuộc thi do Bộ Nội vụ tổ chức viết về người phụ nữ trên mặt trận an ninh với tiểu thuyết "Trở lại là em", Giải A cuộc thi viết Kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội với bút ký "Ở ấp Thanh Mỹ", Giải B cuộc thi do Bộ Lâm nghiệp tổ chức viết về đề tài lâm nghiệp với truyện ngắn "Tiếng rừng", Giải thưởng văn học 5 năm (1990 - 1995) của Bộ Quốc phòng.

Vũ Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nha-van-vu-thi-hong-ky-uc-la-tieng-goi-phai-dap-loi-675281.html