Nhà văn Vũ Tú Nam và câu chuyện 'Văn Ngan tướng công'
Thủa còn học ở trường làng, tôi say mê 2 cuốn sách viết cho thiếu nhi là 'Dế mèn phiêu lưu ký' của nhà văn Tô Hoài và 'Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công' của nhà văn Vũ Tú Nam. Bao nhiêu năm trôi qua, không chỉ cách viết hấp dẫn, lôi cuốn, mà càng ngày tư tưởng nhân văn sâu xa từ các nhân vật trong 2 cuốn truyện càng thấm đẫm trong tôi.
1. Dạo còn làm Tổng Biên tập Báo Tiền Phong tôi thường mời nhà văn Vũ Tú Nam (lúc đó là Tổng Thư ký Hội nhà văn Việt Nam) thẩm định và trao giải cho các cuộc thi sáng tác văn học do Báo Tiền Phong tổ chức như: “Tác phẩm tuổi xanh”; “ Tầm nhìn thế kỷ”… Có lần, tôi qua trụ sở Hội nhà văn để gặp nhà văn Vũ Tú Nam, đang đứng đợi ở phòng khách thì thấy một nhà văn khác lớn tuổi đi thẳng vào phòng họp nơi Vũ Tú Nam đang tiếp khách. Khi Vũ Tú Nam tươi cười đi ra, nhà văn lớn tuổi kia đưa tay chào: “Chào Văn Ngan tướng công”. Thấy tôi cứ ngớ ra, vị nhà văn lớn tuổi bảo: “Bọn tớ vẫn gọi ông ấy như vậy đấy!”.
Sau này, tôi mới hiểu, thật hạnh phúc cho những nhà văn khi nhân vật trong những sáng tác của họ bước ra cuộc đời thực như: Chí Phèo, Thị Nở, Văn Ngan tướng công… Khi tôi đi viết bài cho một tờ báo về siêu mẫu Hà Anh, tôi mới biết cô siêu mẫu nổi tiếng, đại sứ thiện chí của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam lại chính là cháu gái của nhà văn Vũ Tú Nam. Tôi có những kỷ niệm khó quên với nhà văn Vũ Tú Nam. Năm học phổ thông ở quê, tình cờ kiếm được cuốn sách “Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công”, cuốn truyện đã cuốn hút đến nỗi tôi mải đọc quên cả học bài. Rồi tôi bị phạt vì đọc sách “cấm”, suýt bị nhà trường đuổi học.
Năm 1994, nhà văn Nguyên Ngọc và nhà văn Xuân Cang động viên tôi viết đơn xin vào Hội nhà văn Việt Nam. Năm đó nhà văn Vũ Tú Nam là Tổng thư ký, nhà văn Nguyên Ngọc và Xuân Cang cũng ở trong Ban chấp hành, hết lòng ủng hộ tôi. Tôi được kết nạp hội năm đó và cái thẻ hội viên Hội nhà văn Việt Nam lần đầu tôi cầm trong tay do chính Tổng Thư ký, nhà văn Vũ Tú Nam ký. Lần trò chuyện với vợ chồng ông tại phố Vạn Phúc, ông kể: “Chính Báo Tiền Phong thời trước đã viết bài phê phán rất nặng nề cuốn “Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công”. Sau đó, chính anh Thanh Dương - Tổng biên tập thời bấy giờ đã gặp tôi xin lỗi vì… một thời ấu trĩ”.
2. Nhà văn Vũ Tú Nam làm thơ không nhiều, nhưng tôi rất tâm đắc những điều ông viết trong thơ. Càng ngày, cảm quan về cuộc đời, về con người, về vũ trụ, nhân sinh trong những vần thơ của ông càng sâu lắng. Để người đọc hiểu rằng, sống ở đời cần có một tấm lòng rộng mở, bởi thời gian sẽ làm nhiều thứ rơi vào quên lãng và con người còn gì trong cõi vô cùng, vô tận của vũ trụ bao la?
Khi nghe tin nhà văn Vũ Tú Nam ra đi về cõi vĩnh hằng, tôi bàng hoàng chợt nhớ tới mấy câu thơ của ông mà tôi đã tuyển chọn đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (NXB Giáo dục ấn hành năm 2013).
“Chúng sinh
Chúng sinh
Rồi tất cả trôi vào quên lãng
Thần chết gọi
Tất cả đều câm lặng
A men!”
Vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam có 2 người con nay đã thành danh. Vũ Huy (sinh năm 1955) giờ là Nghệ sỹ ưu tú, họa sỹ của Hãng phim truyện Việt Nam. Anh là họa sỹ thiết kế hàng đầu với những bộ phim nổi tiếng như “Ngã ba Đồng Lộc”, “Ký ức Điện Biên” ; “Đêm hội Long Trì”… Và con gái của NSƯT Vũ Huy chính là siêu mẫu Vũ Nguyễn Hà Anh, cô thậm chí còn nổi tiếng hơn cả bố. Người con thứ hai của vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam là dịch giả Vũ Hương Giang, tốt nghiệp đại học ở Đức. Chị có cậu con trai Tiến sỹ Đặng Hoàng Vũ hiện làm việc ở Anh quốc.
Nhà văn Vũ Tú Nam cùng quê Nam Định với nhạc sỹ Văn Cao. Có lẽ ở Việt Nam ít nhà nào có 3 anh em trai đều là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như gia đình ông. Nhà thơ Vũ Cao với bài thơ “Núi Đôi” sống mãi trong lòng bạn đọc, nhà văn Vũ Tú Nam với nhiều tác phẩm mà tiêu biểu là cuốn “Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công” đã được dịch ra tiếng Nga, nhà thơ Vũ Ngọc Bình thì chuyên làm thơ cho thiếu nhi. Vợ nhà văn Vũ Tú Nam là nhà văn, nhà báo Thanh Hương - nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam. Vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam tặng tôi 3 cuốn sách đã xuất bản: “Trước trang giấy trắng”; “Hồi ức tình yêu qua những lá thư” và cuốn “Là tôi, Hà Anh” - cuốn sách do chính siêu mẫu Hà Anh viết.
3. Tôi đọc “Hồi ức tình yêu qua những lá thư” của 2 nhà văn Thanh Hương - Vũ Tú Nam và tự bảo mình rằng, có lẽ ít có ai ở xứ ta đem xuất bản những bức thư tình riêng tư như thế. Đọc kỹ, tôi mới hay, không chỉ là chuyện tình yêu đôi lứa, tình yêu vợ chồng mà trong đó chính là tấm lòng, trách nhiệm, cách thức nuôi dạy các con của 2 vợ chồng nhà văn qua những thăng trầm của cuộc sống.
“Huy ngoan lắm, để mẹ mặc quần, cầm lấy áo đưa bác Phương bỏ vào bị… Mẹ bảo con cười đi, cười đi đã… Anh chàng cười… Con không lở nữa nhưng còn gầy lắm… Thật thương con. Huy về đây thích nhất là được xem bò. Trâu cũng gọi bò. Chó thì gọi là mèo. Có con gà con trốn nắng chạy vào nhà, Huy vác que chạy đánh “chim” mãi… Giang có mọc răng thật không? Hay con ốm làm sao? Con đã gần 9 tháng rồi, mau quá…”. Những dòng thư của vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam trong cuốn sách, nếu đọc kỹ chính là kinh nghiệm sống, kinh nghiệm dạy con sinh động và có sức thuyết phục không phải chỉ cho một thời.
Nhà văn Vũ Tú Nam kể rằng, con trai ông lúc nhỏ rất thích ăn đồ ngọt. Sợ con ăn quá nhiều sẽ có hại nên ông treo gói kẹo lên giữa nhà. “Cu Huy nhà ta không làm sao được, cứ nhìn lên gói kẹo… rồi cậu ta như hiểu ra được ý bố, cậu ta… ngượng” - nhà văn Vũ Tú Nam nhớ lại. Vợ chồng ông là những nhà văn, đã có hàng chục cuốn sách viết cho thiếu nhi. Chính nhà văn Vũ Tú Nam còn làm thơ, đặt vè để dạy con, dạy cháu. Ông không nhớ hết bài vè, nhưng vợ ông đến nay vẫn thuộc lòng.
Bà đọc cho tôi nghe, bài vè dạy con khá dài, tôi không nhớ hết, chỉ trích mấy câu: “Vũ Huy hứa với mẹ rằng/ Bữa ăn không nhảy chồm chồm/ Không đưa tay bốc/ Ăn xong con nhớ ngủ trưa/ Ra đường chú ý ô tô/ Không chạy ra nắng, ra mưa mà vầy…”. Sinh ra trong một gia đình văn chương, nghệ thuật, nhưng các con, các cháu của vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam được dạy dỗ nghiêm khắc. Nhà văn Thanh Hương nói rằng, cho đến nay tuy cả 2 ông bà đã ở tuổi 90, nhưng bà vẫn giữ được nhiều bản tự kiểm điểm của các con.
4. Nhà văn Thanh Hương quê ở Nghệ An, một vùng đất hiếu học và có truyền thống văn chương. Thân sinh ra bà là cụ Nguyễn Huy Nhu (đậu Tiến sỹ năm 1919), từng làm Tri huyện, ông làm thơ “Ba mươi năm lẻ trên sân khấu, mũ miện, mày râu mấy lớp tuồng”. Ông bỏ con đường làm quan, trở thành một chí sỹ yêu nước, bạn của cụ Phan Bội Châu. Chính truyền thống gia đình của vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam đã là bài học quan trọng cho con cháu.
Siêu mẫu Hà Anh, cháu nội của nhà văn Vũ Tú Nam đã viết lại nhiều kỷ niệm cảm động về bố mẹ, về ông bà nội của mình trong cuốn sách “ Là tôi, Hà Anh”. Đọc cuốn sách của Hà Anh, một cô gái sinh năm 1982, tôi mới hiểu truyền thống văn hóa trong một gia đình nhiều thế hệ là những văn nghệ sỹ nổi tiếng và cả cách thức dạy con, dạy cháu của vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam mà cái cốt lõi là dạy cách làm người, sống nhân văn, sống trung thực, rộng lượng và bao dung như những gì mà hai vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam đã thể hiện trong tác phẩm của mình.
Bây giờ, tôi mới hiểu hết tư tưởng nhân văn sâu xa trong cuốn sách nổi tiếng của nhà văn Vũ Tú Nam “Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công”. Và, cũng dễ hiểu vì sao nhân vật Văn Ngan tướng công đã sống được với thời gian, đã sống như có thực trong cuộc đời thực, như lời nhiều nhà văn lão thành thường gọi tác giả cuốn sách bằng chính cái tên nhân vật Văn Ngan tướng công!